Các nhà máy tại Đại Liên, một trung tâm chế biến thủy sản lớn tại Trung Quốc, đối diện với khả năng đóng cửa 1 tháng do COVID-19, theo một văn bản ban hành từ chính quyền thành phố. Các nhà chức trách Đại Liên cho biết họ sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch tối đa đối với các doanh nghiệp chuỗi lạnh nhập khẩu cho tới ngày 15/1/2022 để “kiên quyết ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh của thực phẩm chuỗi lạnh nhập khẩu trong các liên kết sản xuất và chế biến của [thành phố]”. Các lô hàng xuất khẩu cá pollock, cá tuyết, cá tuyết đen và phile cá hồi xuất khẩu đã chậm 1 tháng so với lịch trình, theo một nhà nhập khẩu thủy sản lớn của Trung Quốc, chậm trễ có thể còn kéo dài nghiêm trọng hơn khi nước này tăng cường kiểm soát.
Các nhà máy tại Zhuanghe, một quận là trung tâm chế biến tại Đại Liên, bị chính quyền Đại Liên đóng cửa vào giữa tháng 11 sau khi chính quyền yêu cầu toàn bộ các công ty thực phẩm chuỗi lạnh, bao gồm các nhà vận hành chuỗi lạnh được chính phủ phê duyệt, các kho lạnh bên thứ ba, các kho lạnh ngoại quan hay thuộc sở hữu cá nhân và cả các doanh nghiệp thương mại phải tạm ngừng hoạt động ngay lập tức. Trong khi một số doanh nghiệp liên quan đến thủy sản gần đây đã được phép nối lại vận hành, theo trưởng văn phòng Siam Canadian Trung Quốc Landy Chow xác nhận rằng tất cả các nhà máy đều đang đối mặt với tình trạng đình trệ nghiêm trọng. “Thông quan cho nguyên liệu thô nhập khẩu tại Đại Liên rất khó và mất tới vài tuần do bùng phát COVID-19 tại khu vực này”, ông cho hay.
Đại Liên là thị trường hàng hóa chuỗi lạnh nhập khẩu chính của Trung Quốc, xử lý tới 70% hàng hóa chuỗi lạnh, theo Robin Wang, CEO của SMH International – văn phòng marketing chuyên về thủy sản có các đại diện tại Thượng Hải và Hồng Kông cho hay. “Kể từ đợt bùng phát tại Đại Liên, các nhà nhập khẩu không thể lấy được hàng, bao gồm hàng từ Alaska, nên chậm trễ là chắc chắn”.
Giá tăng do đóng băng nguồn cung và nhu cầu tiếp tục ở mức cao, theo ông Wang ch biết. “Trong suốt năm, nhu cầu thủy sản liên tục duy trì ở mức cao và vẫn tiếp tục xu hướng tăng”, ông cho biết. “Với nguồn cung thị trường giảm, chúng tôi cho rằng giá vẫn sẽ tăng. Giá thậm chí sẽ tăng bất thường trong ngắn hạn nhưng sẽ phụ thuộc vào hàng được thông quan nhanh hay chậm. Các nhà chức trách cho biết đợt bùng phát dịch gần đây đã được khống chế nên hàng có thể sớm được xuất khỏi các kho nếu tình hình thuận lợi”.
Một khó khăn đã giảm bớt trong số các khó khăn về nguồn cung là chi phí vận chuyển – theo ông Chow: cước vận chuyển đường biển từ Trung Quốc tới Mỹ đã giảm mạnh. “Và đặt 1 container hiện dễ hơn nhiều so với trước đây nhưng vẫn không quá dễ”, ông cho hay. “Tôi tin là cước vận chuyển đường biển sẽ giảm sau tết Nguyên đán nhưng vẫn còn xa mới trở lại mức bình thường”.
Nhà tư vấn marketing thủy sản tại Bắc Kinh là Fan Xubing cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Trung Quốc tạo nên kẻ thắng người thua, khi Nga và Úc thiệt hại trong khi Canada và Mỹ hưởng lợi. “Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng nhiều loại thủy sản như cá Pollock Nga và cá hồi nuôi Đại Tây Dương sẽ có một năm khó khăn. Tôm hùm gai sống của Úc cũng có một năm 2021 nhiều khó khăn do quan hệ song phương tồi tệ giữa hai nước”, ông Fan cho hay. Quan điểm về các biện pháp kiểm soát COVID-19 lỏng lẻo hơn của các nhà xuất khẩu Nga đã gây thiệt hại cho họ. Ông Fan cho biết: “Thủy thủ đoàn hay bao bì các sản phẩm cá Pollock thường xuyên phát hiện có dấu vết COVID-19 trong các năm 2020 và 2021 nên chính phủ Trung Quốc thiết lập hệ thống kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt đối với xuất khẩu cá Pollock Nga sang Trung Quốc”.
Lệnh cấm của Trung Quốc đối với xuất khẩu tôm hùm gai sống từ Úc và việc triệt phá đường dây giáp xác buôn lậu từ Úc qua cửa Hong Kong – đang giúp các nhà xuất khẩu tôm hùm Canada và Mỹ hưởng lợi. Ông Fan cho biết doanh số tôm hùm sống Bắc Mỹ bùng nổ tại Trung Quốc trong năm 2021. “Chính phủ và người dân Trung Quốc tin tưởng nguồn cung tôm hùm sống từ Canada do quy trình khai thác, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Bắc Mỹ được quy định nghiêm ngặt và tại Canada vẫn chưa phát hiện bất cứ ca nhiễm COVID-19 nào liên quan đến thủy sản trong 2 năm qua”, ông cho biết. “Ngoài ra cũng do hiện chưa có vấn đề gì liên quan đến COVID-19 phát hiện trên thủy sản sống nhập khẩu qua đường hàng không trong 2 năm qua”.
Văn phòng của Fan khuyến nghị các nhà nhập khẩu tôm nước lạnh – trong đó có Hiệp hội các nhà sản xuất tôm Canada (CAPP). CAPP đang nỗ lực mở rộng kinh doanh tại miền đông và nam Trung Quốc thông qua tăng đầu tư vào xúc tiến thương mại và quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng, nhưng năm nay có phần giảm so với năm ngoái, ông Fan cho hay. “10 tháng vừa qua không tích cực như cùng kỳ năm 2020. Năm 2020, nhập khẩu tôm nước lạnh của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục. Ngoài ra, nhập khẩu tôm thẻ đông lạnh từ Ecuador và Ấn Độ cũng phục hồi trong 10 tháng đầu năm 2021”.
Những chậm trễ trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc do tác động của COVID-19 đã giữ giá thủy sản ở mức cao dai dẳng tại Hong Kong, theo ông Benjamin So, nhà sáng lập hãng phân phối thủy sản 178 Degrees, cho hay. Việc Trung Quốc – một nước tiêu dùng thủy sản lớn – liên tục mua vào có thể làm đóng băng nguồn cung tại những thị trường khác, ngay cả với các biện pháp kiểm soát virus corona, ông cho hay. “Chi phí vận chuyển tăng mạnh trong quý 2/2020 và tiếp tục duy trì ở mức cao. Chúng tôi đang ghi nhận áp lực giá lên các chi phí đầu và khác và nỗ lực tự giải quyết vấn đề này nhưng sẽ sớm cần phải chia sẻ gánh nặng với người tiêu dùng”, ông chia sẻ. Những gián đoạn do đại dịch gây ra cho chuỗi cung ứng thủy sản buộc tính bền vững bị đẩy ra phía sau. “Khó thu hút sự chú ý tới các khía cạnh bền vững khi quá nhiều vấn đề vận hành cần phải giải quyết”.
Theo Seafood Source
Bình luận