0

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 130 điểm trong tháng 9/2021, tăng 1,5 điểm (1,2%) so với tháng 8 và cao hơn 32,1 điểm (32,8%) so với cùng kỳ năm 2020. Chỉ số FFPI tăng trong tháng 9 chủ yếu do giá phần lớn các loại ngũ cốc và dầu thực vật đều tăng. Giá sữa và đường cũng tăng, trong khi chỉ số giá thịt duy trì ổn định.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 132,5 điểm trong tháng 9/2021, tăng 2,6 điểm (2%) so với tháng 8 và cao hơn 28,5 điểm (27,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong số các loại ngũ cốc chính, giá lúa mỳ thế giới tăng mạnh nhất trong tháng 9 vừa qua, với mức tăng lên tới 4% so với tháng 8 và cao hơn tới 41% so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung khả dụng xuất khẩu yếu trong khi nhu cầu thế giới cao tiếp tục đẩy giá lúa mỳ trên thị trường quốc tế tăng. Giá gạo cũng tăng trong tháng 9/2021, nhưng vẫn tiệm cận mức thấp trong nhiều năm đạt vào tháng 8/2021, chủ yếu nhờ sự cải thiện nhẹ trong hoạt động giao dịch. Giá lúa mạch trên thị trường quốc tế tăng trong tháng 9 với mức tăng 2,6% so với tháng 8, chủ yếu do nhu cầu cao, triển vọng sản xuất yếu đi tại Liên bang Nga và tăng trên các thị trường khác. Ngược lại, giá ngô thế giới vẫn ổn định, chỉ tăng 0,3% so với tháng 8, do áp lực tăng khi gián đoạn tại các cảng ở Mỹ vì bão trung hòa áp lực triển vọng sản lượng tăng và vụ thu hoạch bắt đầu tại Mỹ, Ukraine. Tuy nhiên, giá ngô vẫn đang cao hơn tới gần 38% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 168,6 điểm trong tháng 9, tăng 2,9 điểm (1,7%) so với tháng 8 và khoảng 60% so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này chủ yếu là do giá dầu cọ và giá dầu hạt cải tăng, trong khi giá dầu đậu tương và giá dầu hạt hướng dương giảm. Giá dầu cọ tăng tháng thứ 3 liên tiếp, chạm mức cao nhất trong 10 năm, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế tăng cùng lúc với triển vọng sản lượng thấp hơn tiềm năng tại Malaysia do tình trạng thiếu lao động dai dẳng. Giá dầu hạt cải quốc tế cũng tăng, chủ yếu do nguồn cung thế giới giảm. Ngược lại, giá dầu đậu tương và giá dầu hạt hướng dương giảm trong tháng 9, chủ yếu do những bất ổn trong sử dụng dầu đậu tương trong ngành nhiên liệu sinh học và triển vọng nguồn cung toàn cầu dầu hạt hướng dương niên vụ 2021/22 dồi dào.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 117,9 điểm trong tháng 9, tăng 1,7 điểm (1,5%) so với tháng 8 và cao hơn 15,6 điểm (15,2%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 9, giá tất cả các sản phẩm từ sữa trong chỉ số này đều tăng, với sữa bột gầy (SMP) và giá bơ tăng mạnh, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới cao và nguồn cung khả dụng xuất khẩu thấp, đặc biệt là trong bối cảnh tồn kho thấp và sản lượng sữa giảm theo chu kỳ tại châu Âu. Sản lượng sữa hạn chế vào thời điểm đầu vụ tại châu Đại dương, cộng với tồn kho thấp, cũng là yếu tố đẩy giá bơ và giá sữa bột gầy tăng. Trong khi đó, giá sữa bột nguyên kem (WMP) và giá phô mai tăng nhẹ, chủ yếu do sản xuất bị cản trở, tồn kho thấp và nhu cầu nội khối ổn định tại châu Âu.

Chỉ số giá thịt FAO* đạt trung bình 115,5 điểm trong tháng 9, hầu như không đổi so với giá trị chỉ số điều chỉnh cho tháng 8 và cao hơn 24,1 điểm (26,3%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 9, giá thịt cừu trên thị trường thế giới tăng, chủ yếu do nhu cầu quốc tế cao trong khi nguồn cung khả dụng xuất khẩu yếu. Giá thịt bò tiếp tục tăng cao do nguồn cung gia súc cho giết mổ giảm tại châu Đại dương và Nam Mỹ gây áp lực lên nguồn cung toàn cầu. Ngược lại, sau khi tăng liên tục trong 9 tháng, giá gia cầm giảm do nguồn cung toàn cầu tăng; trong khi giá thịt lợn giảm do nhu cầu nhập khẩu giảm tại Trung Quốc cũng như nhu cầu nội địa yếu đi, đặc biệt là tại chau Âu.

Chỉ số giá đường đạt trung bình 121,2 điểm trong tháng 9, tăng 0,6 điểm (0,5%) so với tháng 8 và cao hơn 42,2 diểm (53,5%) so với cùng kỳ năm 2020. Những lo ngại về sản lượng giảm tại Brazil – nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới – do thời tiết khô hạn kéo dài và các đợt lạnh bất thường, tiếp tục đẩy giá đường thế giới tăng. Ngoài ra, giá ethanol tăng cũng khuyến khích sử dụng đường cho sản xuất ethanol tại Brazil. Tuy nhiên, áp lực tăng giá hạn chế do nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm và triển vọng sản xuất tích cực tại các nước xuất khẩu lớn khác như Ấn Độ và Thái Lan.

*Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Ngành chăn nuôi gia cầm toàn cầu ghi nhận chi phí sản xuất giảm nhờ giá TACN giảm

Bài trước

Cập nhật thị trường TACN Việt Nam năm 2022

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc