Ngành chăn nuôi gia cầm đang giảm căng thẳng sau giai đoạn chi phí sản xuất cao do giá các loại ngũ cốc và hạt có dầu giảm, có hiệu ứng lan tỏa trong các chuỗi giá trị, giảm nhẹ áp lực chi phí lên toàn ngành và giúp các sản phẩm thịt gà trở nên hợp túi tiền người tiêu dùng hơn, theo báo cáo từ Rabobank.
Thực vậy, ngành chăn nuôi gia cầm thế giới đang bước vào giai đoạn nửa cuối năm với triển vọng tích cực hơn, theo báo cáo của Rabobank. “Giá TACN toàn cầu dự báo tiếp tục giảm, dự báo chi phí sản xuất năm 2023 thấp hơn 10 – 15% so với mức cao kỷ lục trong năm 2022”, theo Nan-Dirk Mulder, nhà phân tích ngành protein động vật tại Rabobank cho hay.
Trong khi chi phí đầu vào giảm, nguồn cung vẫn khá thấp tại một số khu vực trên thế giới, bao gồm châu Âu, Mexico, Nga, Philippines và Malaysia. Tuy nhiên, các khu vực khác lại ghi nhận cải thiện về cân đối cung – cầu, cụ thể là tại Mỹ, Nhật Bản và Thái Lan. Giá các loại protein cạnh tranh với thịt gà là thịt lợn, trứng và thịt bò, dự báo vẫn ở mức cao nên thị trường thịt gà sẽ được hỗ trợ về giá.
Triển vọng thương mại
Thương mại toàn cầu tiếp tục quỹ đạo tăng trưởng của năm vừa qua, chạm mức cao kỷ lục 3,5 triệu tấn trong quý 1/2023 và Brazil nổi lên là nước xuất khẩu hàng đầu. Đất nước Nam Mỹ này tăng 17% kim ngạch xuất khẩu thịt gà trong quý 1/2023, trong khi xuất khẩu của Mỹ chỉ tăng nhẹ. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Chile đang gặp khó khăn do các lệnh hạn chế thương mại sau khi các nước này bùng phát các ổ dịch cúm gia cầm lây nhiễm cao (HPAI), theo Rabobank. “Chúng tôi dự báo thương mại duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm 2023, do các thị trường nhập khẩu chính như châu Âu, Nhật Bản, Bắc Phi, Trung Đông, Nam Phi và Philippines dự báo tăng nhập khẩu do hạn chế nguồn cung nội địa và giá nội địa tăng”, theo ông Mulder.
Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc yếu đi có thể dẫn tới cạnh tranh về giá và giảm nhu cầu nhập khẩu. Hơn nữa, gia tăng số đợt bùng phát HPAI tại Brazil kéo theo bất ổn trên thị trường. “Bất cứ đợt bùng phát nào trên các đàn gia cầm thương phẩm tại các bang miền nam Brazil có thể gây ra tác động nghiêm trọng, bao gồm các chính sách hạn chế thương mại, gây ra gián đoạn các luồng thương mại toàn cầu và giá”. Để chuẩn bị cho tác động có thể xảy ra khi có bùng phát HPAI tại Brazil, một số nhà nhập khẩu đã triển khai các biện pháp dự phòng bằng cách tăng tích trữ.
Áp lực từ dịch cúm gia cầm sẽ tiếp diễn
Sự bùng phát HPAI trên phạm vi toàn cầu đã diễn ra suốt năm, liên tục gây áp lực nguồn cung trên khắp các châu lục. Triển vọng các tháng mùa đông sắp tới tại Nam Bán cầu cho thấy áp lực dịch bệnh sẽ kéo dài, đặc biệt là tại miền đông Nam Mỹ, đông bắc châu Á và miền nam châu Phi. “Brazil, đặc biệt là các bang miền nam chuyên chăn nuôi gia cầm, tiêp tục đối mặt với rủi ro cao về bùng phát HPAI trong các đàn gia cầm thương phẩm”, theo ông Mulder.
Các đợt bùng phát như vậy có thể gây ra tác động lớn lên thương mại toàn cầu, khi giá thịt gà nguyên con và giá ức gà chịu tác động mạnh nhất. Một số nước nhập khẩu, đặc biệt là tại Viễn Á và Trung Đông, có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung, còn các thị trường nhập khẩu khác tại châu Âu và Mỹ Latin cũng có thể chịu tác động mạnh, Rabobank cảnh báo. Về cuối năm, rủi ro được dự báo dịch chuyển sang Bắc bán cầu, đẩy châu Âu, Bắc Mỹ và đông bắc châu Á vào tình trạng rủi ro sản xuất, theo phân tích của Rabobank.
Theo Feed Navigator
Bình luận