0

Trong khi tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng ngày càng nghiêm trọng bởi giá nguyên liệu tăng làm giảm doanh thu và lợi nhuận từ mốc cao kỷ lục trong năm 2020, nhiều công ty chăn nuôi lớn nhất tại Việt Nam đang khá hài lòng với các kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021. Theo Bộ NNPTNT, trong nửa đầu năm 2021, ngành nông nghiệp và đặc biệt là sản xuất TACN ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng, với mức tăng 3,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2021, tổng cộng 3,2 triệu tấn thịt đã được cung ứng cho thị trường, bao gồm xấp xỉ 2 triệu tấn thịt lợn (tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020), và hơn 932.000 tấn thịt gia cầm (tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020). Đồng thời, 8,4 tỷ quả trứng đã được tiêu thụ, tăng 5% trong cùng kỳ so sánh, cùng hơn 561.000 tấn sữa, tăng 11,2% trong cùng kỳ so sánh.

Ông Nguyễn Văn Trọng, cục phó Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NNPTNT, cho biết tăng trưởng sản lượng trong nửa đầu năm 2021 đặc biệt đáng khích lệ trong bối cảnh đại dịch làm gián đoạn hoạt động và các chuỗi phân phối của hàng loạt các công ty chăn nuôi, trong khi chi phí tăng lên đáng kể do các chính sách kiểm soát đại dịch. “Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chịu tác động nặng nề bởi giá nguyên liệu tăng cho sản xuất TACN. Đây là vấn đề hết sức quan trọng do Việt Nam nhập khẩu tới 90% nguyên liệu TACN và nguyên liệu TACN chiếm 60 – 70% chi phí sản xuất”, ông Trọng cho biết. Ông cho biết thêm tình hình có thể trở nên tồi tệ ohưn do 19 tỉnh thành miền nam – trung tâm sản xuất chính của ngành chăn nuôi – đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. “Để đảm bảo phân phối thông suốt cho các doanh nghiệp, Bộ NNPTNT đang đề xuất chính phủ công nhận con giống và trang thiết bị cho ngành chăn nuôi là hàng hóa thiết yếu để vận chuyển nhịp nhàng hơn”.

Trong khi sản lượng đang tăng ổn định, những khó khăn này đang ăn mòn doanh thu và lợi nhuận của các công ty chăn nuôi, dẫn tới doanh thu và lợi nhuận thấp hơn năm 2020, trong khi giá lợn sống đang tăng trở lại, thúc đẩy lợi nhuận cho tất cả các bên. Ông Đỗ Hoàng Long, giám đốc phát triển kinh doanh của Japfa Comfeed, cho biết doanh thu và lợi nhuận trong nửa đầu năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020 nhưng công ty vẫn duy trì ổn định ở hầu hết tất cả các phân khúc. Năm 2020, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Japfa Comfeed từ mảng thịt lợn, trong khi mảng thịt gà ghi nhận thua lỗ liên tiếp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021, giá thịt gà đang trên đà tăng trong khi giá lợn sống giảm xấp xỉ 20.000 đồng/kg (87 cents/kg) so với đỉnh giá trong năm 2020 nhưng vẫn ở mức sinh lời. “Chi phí tăng nhanh trên thị trường hàng hóa nông sản thế giới và cước vận chuyển tăng phi mã đều tác động lên chi phí TACN và thực phẩm toàn cầu, bao gồm Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong lĩnh vực này nhờ các hợp đồng dài hạn với các đối tác quốc tế”, ông Long cho biết. Công ty theo dõi sát sao các chính sách ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh trong các nhà máy, trại nuôi và các văn phòng để bảo vệ sức khỏe công nhân, đồng thời duy trì sản xuất và kinh doanh. Do đó, các hoạt động vận hành của 6 nhà máy sản xuất TACN, hơn 300 trại chăn nuôi, và 40 cửa hàng bán thịt và thực phẩm chế biến được kiểm soát để tránh các tác động nghiêm trọng.

Đồng thời, ông Johan Van Den Ban, tổng giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia, cho hay tập đoàn hài lòng với các kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2021. “Chúng tôi phát triển kinh doanh cùng với các nông dân nhỏ lẻ tại Việt Nam, mở rộng công suất chăn nuôi gia cầm và mở một nhà máy ấp mới, hợp tác với Bel Ga. Đồng thời, chúng tôi cũng đang triển khai nhiều dự án phát triển gene lợn để chúng tôi có thể nâng cấp tiêu chuẩn trong lĩnh vực quan trọng này.”

Trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021, công ty chăn nuôi trong nước hàng đầu là CTCP Tập đoàn Dabaco báo cáo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 30%, đạt 579 tỷ đồng (25,17 triệu USD), chủ yếu do lợi nhuận sau thuế giảm tới 47% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Theo lãnh đạo công ty, chi phí chăn nuôi năm 2021 tăng phi mã. Các hoạt động sản xuất và phân phối của hàng loạt cơ sở sản xuất chịu tác động mạnh, với Dabaco chịu thiệt hại nặng nề trong quý 2 khi các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trở thành tâm dịch, buộc nhiều trại nuôi phải tạm ngừng hoạt động. Lực lượng lao động giảm 50 – 75% do nhiều nhân viên bị mắc kẹt trong các khu vực phong tỏa và không thể đi làm.

Trong khi đó, CTCP Chăn nuôi Mitraco tại tỉnh Hà Tĩnh, sản xuất 60.000 con lợn hàng năm, cũng đạt mục tiêu thấp hơn. Năm 2021, công ty đạt mục tiêu doanh thu 350 tỷ đồng (15,22 triệu USD) và lợi nhuận sau thuế đạt 45 tỷ đồng (1,96 triệu USD), lần lượt giảm 12% và 52,7% so với năm 2020.

Theo VNS

Admin

Thiếu nguồn cung cà phê đủ dẫn đến giá cao

Bài trước

Nguồn cung chè của Anh đối mặt với sự gián đoạn do khủng hoảng Biển Đỏ

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Thịt