0

Trong một đồn điền trồng cọ dầu rộng lớn ở bang Perak của Malaysia, những hạt dưa hấu đang nảy mầm từ đất mới cày giữa những cây cọ non trong khi những con bò gặm cỏ trong những khu vực cây cối um tùm của khu vực này.

Đại dịch virus corona gây ra tình trạng thiếu lao động, buộc các nhà quản lý của khu vực rộng 2.000ha ở bờ sông Slim phải có những cách sáng tạo để duy trì các vườn cọ, ngay cả khi giá loại dầu thực vật được tiêu thụ phổ biến nhất thế giới đang ở mức tiệm cận kỷ lục. “Tự nhổ răng còn dễ hơn tuyển được lao động mới hiện nay”, theo Ravi, một nhà quản lý cho hay. “Tôi không thể tìm được công nhân để duy trì hoạt động”.

Malaysia, nước sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới, đang đối diện với hàng loạt vấn đề về sản xuất, đe dọa kéo tồn kho dầu cọ toàn cầu xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Quốc gia Đông Nam Á này là mô hình thu nhỏ của những khó khăn mà các nhà sản xuất tại nhiều nước sản xuất dầu thực vật trên khắp các châu lục đang phải đối mặt, từ nông dân trồng hạt cải Canada tới những người sản xuất hạt hướng dương ở Ukraine, khi họ đều chật vật để đáp ứng nhu cầu cao.

Năm 2021, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 10 năm và đã tăng hơn 30% kể từ mùa hè năm 2020 – chủ yếu do giá dầu thực vật tăng vọt. Dầu thực vật vừa là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho chế biến thực phẩm cũng như nấu nướng hàng ngày tại nhà. Chỉ số giá dầu thực vật toàn cầu của FAO đã tăng tới 91% kể từ tháng 6/2020, và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi các nền kinh tế mở cửa sau thời gian phong tỏa kìm chế COVID-19, thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm và nhiên liệu từ các loại dầu thực vật. Nhưng các nhà sản xuất đang đối phó với hàng loạt trở ngại, bao gồm thiếu lao động, các đợt nóng gay gắt và lây lan sâu bệnh, tất cả đẩy tổng tồn kho các loại dầu thực vật tiêu thụ phổ biến nhất trên thế giới – dầu cọ, dầu đậu tương, dầu hạt cải và dầu hạt hướng dương – xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Nỗi buồn Malaysia

Tại Malaysia, nước chiếm tới khoảng 33% xuất khẩu dầu cọ toàn cầu, năng suất trái cọ trung bình trong nửa đầu năm 2021 đã giảm xuống còn 7,15 ha/tấn từ 7,85 tấn/ha cùng kỳ năm 2020. Dữ liệu Malaysian Palm Oil Board cũng cho thấy năng suất dầu cọ thô trung bình giảm xuống còn 1,41 tấn/ha, từ mức 1,56 tấn/ha trong cùng kỳ so sánh.

Nhiều vườn cọ chỉ có thể thu hoạch chưa tới 2/3 diện tích do thiếu lao động, sau khi chính phủ áp dụng các biện pháp hạn chế luồng lao động nhập cư từ Indonesia và Nam Á để kiểm soát dịch COVID-19. Hơn một nửa chủ vườn được Reuters phỏng vấn cho biết thiếu lao động buộc họ phải kéo dài thời gian thu hoạch từ 14 ngày lên tới 40 ngày, ảnh hưởng lớn tới chất lượng trái cọ và rủi ro thiệt hại một số chùm quả lớn. “Tình hình đặc biệt tồi tệ tại Sarawak. Một số công ty ghi nhận sản lượng giảm 50% do thiếu lao động thu hoạch”, theo một nguồn thông tin cho hay.

Khu vực sông Slim đã hoãn thời hạn tái canh và đóng cửa vườn ươm lần đầu tiên trng 20 năm do thiếu lao động thu hoạch. Một nhà quản lý vườn khác cho biết ông bị buộc phải tăng lương 10% để giữ lao động. Ít lao động làm việc tại các vườn cọ tạo điều kiện hoạt động cho vật hại hoành hành, như chuột, bướm đêm và giun túi. “Tình hình hiện nay dẫn tới môi trường có lợi cho chuột làm ổ, kiếm ăn và sinh nở với tốc độ những loài săn mồi tự nhiên không thể đuổi kịp”, theo Andrew Cheng Mui Fah, một nhà quản lý ngành trồng trọt tại Sarawak cho hay. Tại khu vực Slim, ông Savi cho biết khoảng 1/4 diện tích xảy ra lây lan dịch sâu bọ, phá hoại lá và khiến các đợt kết trái nhỏ hơn”. Ông cho biết trứng ấu trùng bám trên lá và ăn lá để sinh trưởng.

Các nhà máy tại Indonesia

Nước láng giềng Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, không diễn ra tình trạng thiếu lao động và sản lượng dự báo tăng trong năm 2021 nhờ diện tích trồng cọ tăng.

Tuy nhiên, hoạt động vận hành tại các nhà máy dầu cọ chuyên chế biến trái cọ thành dầu cọ thô, chịu tác động nặng nề bởi các lệnh hạn chế di chuyển để ngăn ngừa COVID-19, theo giám đôccs công ty hàng tiêu dùng lớn của Ấn Độ Godrej International là Dorab Mistry. “Đóng cửa hàng loạt các nhà máy dầu cọ trên khắp Malaysia và Indonesia gây thiệt hại rất lớn về phía sản xuất”, ông cho hay trong hội nghị U.S. Soy Export Council tổ chức ngày 25/8.

Tổng sản lượng dầu cọ tại Indonesia và Malaysia chiếm khoảng 90% sản lượng dầu cọ toàn cầu – hiện ước tính đạt 66,2 triệu tấn, theo Refinitiv Commodities Research công bố ngày 4/8. Mức sản lượng này đi ngang so với năm 2020 nhưng các nhà phân tích cho biết các điều chỉnh giảm có thể diễn ra nếu tình trạng thiếu lao động và lây lan dịch hại trở nên tồi tệ hơn.

Đợt khô nóng tại Bắc Mỹ

Trong khi đó, nông dân tại miền tây Canada đã trồng hạt cải trên một trong những diện tích đất khô nhất trong 1 thập kỷ vào mùa xuân 2021, đẩy giá hạt cải tương lai lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 vừa qua.

Đợt nóng hồi tháng 7 đã  thiêu rụi mùa màng trên khắp Prairies của Canada, dẫn tới việc Bộ Nông nghiệp Mỹ hạ 4,2 triệu tấn trong ước tính sản lượng hạt cải xuống còn 16 triệu tấn, là mức thấp nhất kể từ niên vụ 2012 – 2013. “Chúng tôi vẫn chưa đón nhận thêm nhiều mưa để thay đổi nhận định triển vọng và cây trồng thì đang chết dần”, theo Jack Froese, một nông dân trồng hạt cải gần Winkler, Manitoba đã 50 năm. Ông Froese dự báo năng suất sẽ chỉ bằng 25% so với cùng kỳ năm 2021. “Tình hình rất bi đát”.

Đậu tương Mỹ cũng gặp khó khăn với hạn hán và USDA đã hạ 1,8 triệu tấn trong ước tính hồi tháng 8 so với ước tính đưa ra hồi tháng 7. Cùng với đó, tồn kho dầu đậu tương Mỹ cũng dự báo giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm và xuất khẩu dầu đậu tương Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. “Chúng tôi đang nhìn vào tình hình chung của sản xuất bởi vẫn đủ may mắn để có lớp ẩm bù từ đất”, theo Jared Hagert cho hay từ trang trại tại North Dakota. “Nhưng không cần phải đi quá xa về phía tây, ở đây bạn cũng đã có thể chứng kiến đủ mức độ khó khăn của sản xuất vụ này”.

Một số tin tốt cho phía người mua là vụ đậu tương năm 2020/21 của Brazil ước đạt mức cao kỷ lục 144,06 triệu tấn nhờ tăng 4% diện tích trồng đậu tương, theo ước tính từ hãng tư vấn kinh doanh nông nghiệp Datagro. Ukraine, nước sản xuất hạt hướng dương hàng đầu thế giới, theo USDA dự báo sẽ sản lượng tăng tới 18% so với năm 2020 – năm hạn hán hoành hành – và xuất khẩu dầu hạt hướng dương dự báo đạt 6,35 triệu tấn, tăng từ mức 5,38 triệu tấn trong niên vụ 2020, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp nước này.

Triển vọng tăm tối dần

Dù vậy, triển vọng sản xuất các loại dầu thực vật nói chung vẫn tồi tệ và tồn kho dự báo giảm, đẩy thị trường vào tình hình nguồn cung thắt chặt trong năm tới và làm gia tăng áp lực lạm phát, theo một số nhà phân tích. Tại Malaysia, các đợt bùng phát COVID-19 ngày một tồi tệ sẽ khiến các vườn dầu cọ cạn kiệt nguồn lao động trong suốt thời gian sản xuất cao điểm sắp tới.

Nông dân Canada  tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán, dẫn tới cơ quan thống kê nhà nước StatsCan hạ 24,3% dự báo sản lượng hạt cải và năng suất giảm tới 30,1%. “Chúng ta đang gặp hàng loạt vấn đề với các nguồn cung dầu thực vật trên toàn cầu: dầu cọ tại Malaysia, dầu hạt cải tại Canada và La Nina làm giảm sản lượng đậu tương tại Nam Mỹ”, ông Mistry nhận định. “Khan hiếm nguồn cung dầu thực vật dự báo sẽ tiếp diễn sang năm 2022”. Áp lực lên tồn kho đã bắt đầu cảm nhận rõ rệt thông qua chỉ số giá tiêu dùng và xu hướng tăng này dự báo còn tiếp diễn, đặc biệt là khi các nhà tinh luyện đẩy giá tăng để trang trải chi phí nguyên liệu thô tăng vọt.

Wilmar International tại Singapore cho rằng độ trễ giữa tình trạng tăng vọt chi phí nguyên liệu thô và giá tiêu dùng tăng đã diễn ra trong nửa đầu năm 2021 và tác động tiêu cực lên biên lợi nhuận. Mewah Group, một trong những nhà tinh luyện dầu lớn hất khu vực, cho biết giá bán trung bình hàng buôn và hàng bán lẻ tăng lần lượt 54% và 24% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020. “Tất cả tác nhân dọc chuỗi cung ứng đang hấp thụ một phần tình trạng tăng chi phí”, theo Oscar Tjakra nhà phân tích cấp cao về thực phẩm và kinh doanh nông nghiệp tại Rabobank. “Chi phí sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2022”.

Người tiêu dùng toàn cầu vốn đang đối mặt với bất ổn kinh tế thế giới do đại dịch virus corona, giá dầu thực vật liên tục tăng sẽ tiếp tục gây khó khăn cho nhiều người do bản chất không co giãn của nhu cầu thực phẩm. Một số nước bao gồm Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines đều ghi nhận lạm phát thực phẩm tăng vọt trong những tháng gần đây. Áp lực giá có thể tiếp tục diễn ra do chi phí dầu thực vật tăng đang chuyển giao từ các nhà cung cấp sang người tiêu dùng và người tiêu dùng có rất ít lựa chọn, chỉ có thể tiếp tục chi tiền cho mặt hàng thiết yếu này. “Ngay cả tại các khu vực nghèo hơn, như châu Phi cận Sahara, nơi người tiêu dùng khốn khổ bởi giá cao, tiêu dùng vẫn chỉ có thể giảm nhẹ”, theo Julian McGill, người đứng đầu khu vực Đông Nam Á của LMC International. “Đơn giản là mọi người không thể xoay xở cách nào khác ngoài tiêu dùng dầu thực vật”.

Theo Reuters

Admin

El Nino kìm hãm sản lượng dầu cọ năm 2021 của Indonesia

Bài trước

Các nhà sản xuất dầu cọ châu Á dự báo sản lượng giảm trong năm 2020

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc