Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi “bắt lỗi” chính sách
Các nhà sản xuất TACN đang kiến nghị dỡ bỏ quy định về công bố hợp quy đối với TACN và chất bổ sung chỉ sau vài tuần chính sách này có hiệu lực, cho rằng các quy định mới là không cần thiết và lãng phí. Từ ngày 1/7, các doanh nghiệp phải hoàn thành các quy trình thủ tục về công bố hợp quy đối với toàn bộ các loại TACN và chất bổ sung theo định kỳ thường niên.
Trong một cuộc họp do Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi tổ chức ngày 12/7, với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các đại diện từ nhiều nhà sản xuất và các hiệp hội đã lên tiếng đề xuất bãi bỏ quy định trên.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, phó tổng giám đốc tập đoàn Dabaco, cho rằng yêu cầu công bố hợp quy là không cần thiết bởi các nhà sản xuất TACN vốn đã tuân thủ các quy định về trang thiết bị, lực lượng lao động và hoạt động nghiên cứu – phát triển trong toàn bộ quy trình vận hành. “Bên cạnh đó, các nhà sản xuất đăng ký các tiêu chuẩn chất lượng cho từng sản phẩm và họ phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm”. Ngoài ra, ông Tuệ cho biết các sản phẩm ội địa phải cạnh tranh lẫn nhau và các sản phẩm nhập khẩu. “Do đó, nếu sản phẩm không đủ tốt thì sẽ bị loại ra hỏi thị trường dù có chứng nhận hợp quy hay không”.
Một đại diện của công ty chăn nuôi có vốn đầu tư nước ngoài giải thích rằng chi phí để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy hàng năm là không cần thiết. “Công ty phải lãng phí một khoản tiền lớn cho quy trình thủ tục này”, ông cho biết. “Có hai loại chứng nhận – một là chứng nhận hàng năm có phí 1 triệu đồng (44 USD) cho mỗi mẫu sản phẩm; và một chứng nhận khác là chứng nhận 3 năm có mức phí 2 triệu đồng (88USD). Tổng cộng, các cơ sở sản xuất tại miền Bắc sẽ phải chi hơn 1 tỷ đồng (43.500 USD) cho thủ tục không cần thiết này”.
Cùng với tiền, doanh nghiệp còn mất thời gian hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận hợp quy. “Quy định này không chỉ không cần thiết mà còn bất hợp lý, gây ra nhiều chồng chéo. Hiện không có tiền lệ nào về quy định tương tự trên thế giới. Ngay cả tại Việt Nam, Bộ Y tế đã dỡ bỏ các quy định tương tự về an toàn thực phẩm. Đó là một trong những yếu tố đẩy giá bán TACN tăng, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất TACN trên thị trường nội địa so với các sản phẩm nhập khẩu”, ông phát biểu.
Việc thực hiện công bố hợp quy đối với thức ăn hỗn hợp và thức ăn đậm đặc đã được đưa ra cách đây một thập kỷ, sau khi Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn pháp luật khác có hiệu lực. Cục Chăn nuôi đã xây dựng một lộ trình phát triển các tiêu chuẩn cho từng loại và nhóm TACN, theo đó các tiêu chuẩn cho các chất bổ sung cho TACN đã được hoàn thiện trong năm 2020. Sau 10 năm, các nhà sản xuất chỉ ra hàng loạt điểm yếu trong quy định này và đã đệ trình một bản đề xuất lên Cục Chăn nuôi. “Dabaco và các công ty khác đã đệ trình các khuyến nghị lên các cơ quan chức năng và chúng tôi vẫn đang chờ phản hồi. Dỡ bỏ quy định này không chỉ giúp các nhà sản xuất vơi bớt gánh nặng tài chính mà còn đáp ứng nhiệm vụ chính phủ đặt ra về cải cách và đơn giản hóa các thủ tục hành chính”, ông Tuệ cho hay.
Theo các quy định, TACN thuộc nhóm sản phẩm và hàng hóa có rủi ro an toàn đặc thù, như được quy định trong Thông tư số 14/2018/TT-BNNPTNT ban hành tháng 10/2018 từ Bộ NNPTNT. Khoản 2, điều 34 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa lại quy định hàng hóa nhập khẩu thuộc nhóm bắt buộc phải công bố và được chứng nhận về hợp quy theo các quy định kỹ thuật liên quan tới quy trình sản xuất. Đồng thời, khoản 1 điều 12 của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN do Bộ KHCN ban hành công bố chi tiết về các phương thức công bố và hợp quy tiêu chuẩn để đánh giá. Theo đó, “các đối tượng công bố hợp quy kỹ thuật bao gồm các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các quy trình được cụ thể trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ ban ngành ban hành; hoặc được cụ thể hóa trong các quy chuẩn kỹ thuật địa phương do UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương tại Việt Nam ban hành. Hơn nữa, việc công bố hợp quy kỹ thuật là một hoạt động bắt buộc”.
Quyền cục trưởng Cục chăn nuôi Dương Tất Thắng giải thích: “Chúng tôi đang thu thập các khuyến nghị và đề xuất từ các nhà sản xuất và hiệp hội, và chúng tôi sẽ báo cáo, đề xuất các điều chỉnh các văn bản pháp lý và quy định có liên quan. Đồng thời, chúng tôi cũng hỗ trợ các tổ chức và cá nhân thi hành các quy định hợp quy”, ông Thắng cho hay. “Chính phủ đang xây dựng nghị định về thanh tra nhà nước liên quan đến an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, nên cơ quan sẽ đóng góp ý kiến trong hoàn thiện nghị định theo hướng đơn giản hóa các công bố hợp quy”.
Theo VNS
Bình luận