An ninh lương thực của Trung Quốc ngày một lớn nhưng rủi ro nguồn cung tăng lên do nông dân tích trữ ngũ cốc
Giá lúa mỳ và ngô đang tăng nhanh tại thị trường đông dân nhất thế giới, làm dấy lên những mối nghi ngại về liệu nguồn cung thực phẩm của Trung Quốc có thực sự đảm bảo giữa bối cảnh sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu ngũ cốc, diện tích đất trồng trọt thu hẹp và gián đoạn gây ra bởi thiên tai.
Bằng chứng mới nhất đến từ suy giảm sản lượng thu mua lúa mỳ vụ hè của nhà nước – một loại ngũ cốc quan trọng của các hộ gia đình Trung Quốc. Theo dư xliệu công bố từ Ủy ban Dự trữ Chiến lược và Thực phẩm Quốc gia Trung Quốc (NFSRA), hệ thống tồn kho ngũ cốc quốc gia Trung Quốc đã thu mua 41 triệu tấn ngũ cốc tươi từ ngày 1/6 – 31/7, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2019. Các chuyên gia ngành cho rằng nhiều nông dân đã quyết định tích trữ các loại ngũ cốc – thay vì bán cho chính phủ - một hệ quả của đại dịch virus corona.
Ma Xiaojuan, phó tổng giám đốc Henan Oil and Grain Foreign Trade General Company, cho rằng nông dân đã tích trữ 20 – 30% sản lượng ngũ cốc tại các kho gia đình, trong khi các thương nhân – người đóng vai trò then chốt giữa nông dân và các kho dự trữ chính phủ - cũng đang tích trữ ngũ cốc do dự báo giá sẽ tiếp tục tăng.
Tại Hồ Nam, một trong những tỉnh trồng lúa mỳ lớn của Trung Quốc, một hệ thống giao dịch trực tuyến để các kho chính phủ thu mua ngũ cốc đã đóng cửa hôm 6/8, theo một thông báo đưa ra từ chi nhánh địa phương của HTX Dự trữ Ngũ cốc Trung Quốc. HTX này không giải thích lý do đóng cửa hệ thống thu mua. Nhưng rõ ràng quá ít nhà giao dịch sẵn sàng bán ngũ cốc cho những người thu mua từ chính phủ ở mức giá tương đối thấp do chính phủ đặt ra là 1,12 NDT/nửa kg, tương đương 2.240 NDT/tấn (322 USD/tấn). NFSRA từ chối bình luận về nguyên nhân suy giảm thu mua tại Hồ Nam nhưng cho biết hoạt động thu mua vụ hè vẫn đang diễn ra theo tiến độ. Tại Sơn Đông, một tỉnh sản xuất lúa mỳ khác, giá lúa mỳ trong tháng 7/2020 tăng lên 2.380 NDT/tấn, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, việc chính phủ thu mua được ít ngũ cốc vụ hè không hẳn là chỉ báo cho một vấn đề nghiêm trọng – sản lượng thu mua ngũ cốc vụ hè cũng giảm trong năm 2016 và 2018. Nhìn vào bức tranh rộng lớn hơn, Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết sản lượng ngũ cốc vụ hè của nước này, bao gồm lúa mỳ và lúa gạo, đã chạm mức cao kỷ lục 142,81 triệu tấn trong năm 2020, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019, bất chấp virus corona và lũ lụt nghiêm trọng trên sông Dương Tử.
Tuy nhiên, áp lực nguồn cung trên thị trường ngũ cốc của Trung Quốc là rõ rệt. Giá ngô, loại ngũ cốc sử dụng chính trong TACN, chạm mức cao nhất tại Trung Quốc, buộc các nhà máy và nông dân phải chuyển sang lúa mỳ để thay thế ngô. Chính phủ Trung Quốc – trong một động thái rõ ràng để giãn bớt mức tăng giá lúa mỳ, đã đấu giá 6,17 triệu tấn lúa mỳ dự trữ trong năm 2020, tính tới ngày 27/7, tăng gấp 4 lần so với lượng đấu giá trong cùng kỳ năm 2019, theo số liệu đấu thầu chính thức của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đang tăng mạnh nhập khẩu ngũ cốc từ các nước khác trên thế giới. Chỉ riêng trong tháng 7, nhập khẩu lúa mỳ của Trung Quốc đã lên tới 910.000 tấn, tăng 197% so với cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu hải quan cho thấy.
Các lãnh đạo và quan chức Trung Quốc liên tục khẳng định tuyên bố đảm bảo tình hình nguồn cung thực phẩm nằm trong tầm kiểm soát, mặc dù tình hình hiện nay đang khiến mối nghi ngờ ngày càng tăng. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nhà chức trách cả nước đảm bảo an ninh nguồn cung ngũ cốc trong chuyến thăm hồi tháng trước tới Cát Lâm – một tỉnh sản xuất ngô và đậu tương quan trọng của nước này. Han Changfu, Bộ trưởng nông nghiệp Trung Quốc, đã bình luận về tình hình hiện tại, cho rằng Trung Quốc “tự tin và có năng lực đảm bảo an ninh lương thực”.
Trong khi đó, các mối lo ngại đang tăng lên liên quan đến sự phụ thuộc của Trung Quốc và các nông sản Mỹ, vốn là một phần trong thỏa thuận giai đoạn 1 ký kết giữa Bắc Kinh và Washington. Các nhà phân tích tại Heilongjiang Agricultural Investment Group, một công ty nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước quy mô lớn, bình luận hôm 1/8 cho rằng Mỹ có thể tung ra một “cuộc chiến thực phẩm” chống lại Trung Quốc bằng cách cắt các nguồn cung thực phẩm – động thái có thể “còn tàn bạo hơn chiến tranh thương mại”. Do Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu thực phẩm lớn nhất thế giới, nếu Mỹ tung đòn “chiến tranh thực phẩm”, an ninh lương thực của Trung Quốc sẽ gặp áp lực vô cùng lớn”.
Zhang Hongyu, nguyên lãnh đạo Ban quản lý và Hệ thống Kinh tế Nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn trong một sự kiện trực tuyến, lên tiếng cho rằng Trung Quốc không nên lãng phí một cm đất trồng trọt nào nhằm đảm bảo sự an toàn tuyệt đối của các nguồn cung ngũ cốc thiết yếu”.
Theo South China Morning Post
Bình luận