Toàn cảnh ngành bán lẻ thực phẩm Việt Nam năm 2019 và triển vọng năm 2020
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm và đồ uống của Việt Nam năm 2019 ước đạt 51 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2018, với các kênh bán lẻ thực phẩm hiện đại chiếm xấp xỉ 14% thị phần. Tuy nhiên, bất chấp sự mở rộng thị phần, 3 chuỗi bán lẻ hàng tạp phẩm đã rút khỏi thị trường Việt Nam, bao gồm Vingroup, nhà bán lẻ hàng tạp phẩm lớn nhất Việt Nam do cạnh tranh khốc liệt. Năm 2020, bùng phát COVID-19 tác động mạnh lên ngành bán lẻ thực phẩm trong ngắn hạn nhưng mang đến cơ hội tăng trưởng cho thương mại điện tử.
Tổng quan năm 2019
Các chuỗi bán lẻ hiện đại
Ngành bán lẻ thực phẩm hiện đại Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh trong năm 2019. Theo GSO, tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm và đồ uống năm 2019 ước đạt 51 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2018, với kênh bán lẻ thực phẩm hiện đại chiếm xấp xỉ 14%. Tăng trưởng kinh tế mạnh, đầu tư nước ngoài tăng, lợi ích từ các thỏa thuận thương mại tự do (FTAs), tầng lớp trung lưu ngày một đông đảo với thu nhập khả dung tăng, đô thị hóa nhanh và nỗi lo ngày một lớn đối với vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục là động lực tăng trưởng bền vững của ngành này.
Một số chuỗi bán lẻ hiện đại hiện đang hoạt động, bao gồm BRG, Aeon và Bách Hóa Xanh, tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối, không chỉ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở một số tỉnh và thành phố cấp 2 trên khắp cả nước. Một số chuỗi bán lẻ hiện đại có cả hệ thống đại siêu thị/siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trong hệ thống phân phối của họ. Số lượng cửa hàng tạp phẩm hiện đại tăng vọt từ khoảng 1.000 vào năm 2013 lên hơn 4.000 vào năm 2019.
Cạnh tranh trong lĩnh vực này vẫn rất khốc liệt ngay cả khi 3 nhà bán lẻ hiện đại dẫn đầu rút khỏi thị trường và 3 nền tản thương mại trực tuyến lớn đóng cửa trong năm 2019. Shop&Go, một chuỗi cửa hàng tiện lợi từ Singapore, rút khỏi Việt Nam sau khi bán 87 cửa hàng cho VinCommerce, mảng kinh doanh bán lẻ của tập đoàn đa ngành Vingroup, vào tháng 4/2019. Auchan, chuỗi siêu thị từ Pháp, sau đó cũng bán 18 cửa hàng cho Saigon Co-op, một nhà bán lẻ thuộc sở hữu nhà nước vào giữa tháng 5/2019.
Một trong những dấu mốc lớn trong năm 2019 là Vingroup bất ngờ rút khỏi ngành bán lẻ vào cuối năm. Vingroup lần đầu tiên thâm nhập lĩnh vực này vào năm 2014 khi thâu tóm Ocean Retail – có 13 cửa hàng tại Hà Nội. Kể từ đó, Vingroup đã mở rộng trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Đến tháng 9/2019, tập đoàn này sở hữu hơn 2.600 điểm bán lẻ: các siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ được vận hành bởi VinCommerce; hàng trăm cửa hàng gia dụng thuộc Vinpro; một nền tảng bán lẻ trực tuyến là Adayroi, và 14 trang trại nông nghiệp công nghệ cao VinEco. Với đầu tư mạnh và tăng trưởng cực nhanh, Vingroup gây ngạc nhiên cho thị trường khi bất ngờ quyết định rút khỏi mảng bán lẻ tại Việt Nam. Vào giữa tháng 12/2019, Vingroup đóng cửa VinPro, chấm dứt hoạt động của Adayroi và bán hơn 2.600 điểm bán lẻ VinMart và VinMart+ cùng 14 trang trại nông nghiệp công nghệ cao cho tập đoàn Masan – một tạp đoàn đa ngành khác tại Việt Nam, chuyên về sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng. Cổ phần của Vingroup trong VinCommerce và VinEco được hoán đổi thành cổ phần trong một công ty mới mà tập đoàn Masan giành quyền quản lý.
Thương mại điện tử
Như đề cập ở trên, ngành thương mại điện tử tăng trưởng tốt trong năm 2019 vơi một số ít tên tuổi lớn rút khỏi thị trường do cạnh tranh mạnh. Robins.vn, một nền tảng thương mại điện tử thuộc về Central Group Vietnam, sở hữu chuỗi siêu thị Big C với 35 điểm bán lẻ trên cả nước, đóng cửa vào tháng 3/2019 sau 2 năm hoạt động. Lotte.vn, mảng thương mại điện tử của Lotte Việt Nam, ngừng hoạt động vào tháng 9/2019 do lưu lượng truy cập thấp và cạnh tranh mạnh.
Các chợ/ nhà bán lẻ tạp phẩm truyền thống
Các chợ bán lẻ trueyèn thống và các cửa hàng độc lập nhỏ (các nhà bán lẻ tạp phẩm truyền thống) vẫn thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam. GSO ước tính tổng doanh thu của các nhà bán lẻ truyền thống năm 2019 là 44 tỷ USD, chiếm 86% tổng doanh thu bán lẻ thực phẩm và đồ uống.
Bán lẻ truyền thống tiếp tục tăng trưởng nhờ các yếu tố như gần gũi các khu vực dân cư, giá cạnh tranh, sự tập trung đa dạng các mặt hàng tại cùng một chợ, đàm phán giá linh động với khách hàng, và cải thiện dần việc xử lý hàng hóa. Bất chấp mức tăng trưởng này, nỗi lo vệ sinh và an toàn thực phẩm do các hạn chế về cơ sở hạ tầng của chợ truyền thống vẫn dai dẳng.
Ví dụ, đối với các thực phẩm đóng gói như các sản phẩm sữa (phô mai, sữa nước) và thực phẩm đóng hộp không được bảo quản phù hợp, các yếu tố ngoại cảnh như sự thay đổi nhiệt độ, xử lý hàng hóa không hợp lý và vật hại có thể dẫn tới suy giảm chất lượng. Ngoài ra, các sản phẩm thịt, cá và thực phẩm tươi tại chợ truyền thống tiếp xúc liên tục với không khí bên ngoài và sự thay đổi nhiệt độ theo giờ cho tới khi người mua mang chúng về nhà.
Các sản phẩm trên kệ của các điểm bán lẻ hiện đại thường bán với mức giá cao hơn sản phẩm cùng loại ở chợ truyền thống. Phí thuê mặt bằng, điện cho điều hòa và thiết bị bảo quản lạnh, chi phí nhân công và thuế dẫn tới chi phí vận hành cao và tăng giá bán lẻ. Các nhà bán lẻ tạp phẩm hiện đại vất vả thu hút khách hàng bằng cung cấp không gian mua sắm thú vị, sạch mát, sản phẩm đa dạng, các chương trình khuyến mại và các dịch vụ gia tăng.
Triển vọng thị trường bán lẻ thực phẩm Việt Nam năm 2020
Tính tới ngày 24/6, Việt Nam đã trải qua 70 ngày không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong khi Việt Nam đã khống chế thành công sự lây lan virus này, đại dịch vẫn tiếp diễn và tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế, bao gồm lĩnh vực bán lẻ thực phẩm hiện đại. Nhiều người tiêu dùng giảm chi tiêu trong nửa cuối năm 2020, do dự báo kinh tế xấu đi hoặc họ bị mất việc hoặc giảm giờ làm do gián đoạn gây ra bởi COVID-19.
Các cửa hàng bán lẻ hiện đại Việt Nam ghi nhận mức giảm lưu lượng khách hàng trong tháng 4 và tháng 5 do các chính sách giãn cách xã hội và lo ngại tiếp xúc với người khác, theo một số nghiên cứu chỉ ra mức giảm lên tới 80% tại cả khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Giảm lưu lượng người mua, chi phí thuê mặt bằng trở thành gánh nặng và nhiều cửa hàng phải nỗ lực đàm phán giảm giá thuê hoặc phải đóng cửa mặt bằng. Ví dụ, Big C, nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam, có tin đồn đang cân nhắc đóng cửa một mặt bằng tại thành phố Hồ Chí Minh do không đạt được thỏa thuận về tiền thuê mặt bằng.
COVID-10 đã mang lại cơ hội thị trường cho thương mại điện tử tại Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, 68,5 triệu, tương đương 70%, người dân Việt Nam có kết nối internet và khoảng 43,7 triệu người Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh. Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam, thương mại điện tử ghi nhận tăng trưởng hàng năm rất cao, lên tới 30% trong 2 năm qua và ước tính giá trị thị trường có thể đạt 13 tỷ USD đến cuối năm 2020.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài 3 tuần vào tháng 4, và trong ít nhất 1 tháng sau đó, người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm. Các nhà cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến tại Việt Nam, bao gồm Tiki, Shopee, Lazada, Sendo, Foody, và Postmart, ghi nhận hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh, mở rộng biên độ sản phẩm sang bao gồm cả các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiết yếu và cung cấp đa dạng dịch vụ để thu hút khách hàng, như giao hàng miễn phí, giao hàng không gặp mặt trực tiếp và các chương trình giảm giá. Trong khi một phần nhu cầu đã giảm từ mức đỉnh, ngành này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Giao thực phẩm tận nơi và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng phát triển để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh. Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ vận chuyển như Be, Grab, và GoViet, hợp tác với các nhà bán lẻ hiện đại và các nền tảng mua sắm trực tuyến để phát triển các ứng dụng mới, cho phép người tiêu dùng mua sắm thực phẩm, từ thực phẩm tươi, trực tuyến và giao hàng tận nhà. Tương tự, các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt thông qua Zalopay, VN Pay QR, Napas, Moca, và Momo cũng tăng ít nhất 30% trong những tháng gần đây.
Theo FAS USDA
Bình luận