Nhiều nhà sản xuất nội thất gỗ Trung Quốc bị phát hiện thành lập các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FIEs) tại Việt Nam để giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Các báo cáo đều chỉ ra sự tăng mạnh giá trị xuất khẩu nội thất gỗ gia dụng sang các thị trường lớn, đặc biệt là Mỹ. Hàng năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD các sản phẩm nội thất gỗ nhà ở. Gần đây, do thay đổi thuế quan, các nhà nhập khẩu gỗ Mỹ đang tìm kiếm các nguồn cung từ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Trịnh Xuân Dương, giám đốc công ty TNHH Kẻ Gỗ, các nhà xuất khẩu ván ép sang Mỹ phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có rất ít cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường này. Ông Dương dẫn một báo cáo cho thấy xuất khẩu ván ép từ Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD trong năm 2019 và tăng hơn 30% so với năm 2018. Trong khi xuất khẩu các sản phẩm khác giảm mạnh do tác động của COVID-19 trong 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu ván ép vẫn tăng ổn định.
Ông Vũ Hải Bằng, chủ tịch Woodsland, cho rằng nhiều dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đã dịch chuyển sang Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam với công nghệ lạc hậu và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Một số có doanh thu lên tới 100 triệu USD hàng năm. Ông Bằng cảnh báo rằng thì thị trường Mỹ rộng lớn nhưng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này quá nhanh, dẫn tới những nghi ngờ về doanh nghiệp Trung Quốc giả mạo nguồn gốc xuất xứ và Mỹ sẽ có “hành động đáp trả”.
Mỹ là thị trường lớn, chiếm tới hơn 50% xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam hàng năm, tương đương 5 tỷ USD. Do đó, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp quyết liệt để giữ thị trường này. Trước đó, Liên minh Thương mại Công bằng Ván ép gỗ cứng, đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ (DoC) tiến hành điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp các sản phẩm ván gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu ván gỗ từ Việt Nam tăng nhanh từ 63 triệu USD năm 2017 lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) ước tính khoảng một nửa doanh nghiệp nội địa có sản xuất ván gỗ, còn lại là các doanh nghiệp FIEs, đồng thời làn sóng chuyển dịch mạnh sản xuất nội thất gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam là có thật. Báo cáo về FDI trong ngành gỗ Việt Nam năm 2019 cho thấy đến cuối năm 2019, Việt Nam có 966 doanh nghiệp FIEs trong ngành với tổng vốn đăng ký 6,3 tỷ USD. Đài Loan là nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, với 220 dự án đăng ký vốn hóa ở mức 1 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hong Kong (58 dự án, 952 triệu USD) và Trung Quốc (217 dự án, 651,4 triệu USD).
Theo VNS
Bình luận