Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ tăng sau khi chính phủ Mỹ tăng thuế hàng hóa Trung Quốc
Các sản phẩm thủy sản của Ấn Độ có thể sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Mỹ, nhờ việc chính phủ Mỹ tăng thuế lên 25% đối với hàng loạt thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. “Quyết định mới này chắc chắn gây cản trở xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Ban đầu, họ có thể xoay xở với mức thuế 10% nhưng mức thuế mới nhất thật sự là vấn đề nan giải”, theo nhận định của một nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu tại Kochi.
“Chúng ta có vị thế áp đảo trên thị trường tôm Mỹ và thuận lợi này có thể được tận dụng triệt để trong giành thị phần lớn trong phân khúc các sản phẩm thủy sản GTGT mà Trung Quốc vốn rất mạnh nhờ các yếu tố như khả năng cạnh tranh về chi phí, lượng cung cấp lớn hơn, chi phí lao động thấp hơn,… Ấn Độ hiện nay không có nhiều nguồn cung trong phần khúc này, đặc biệt là các sản phẩm sẵn sàng rán, ăn liền, các sản phẩm hâm nóng ngay. Có rất ít doanh nghiệp nội địa tham gia sản xuất xuất khẩu các sản phẩm GTGT cao. Tình huống mới phát sinh này mang đến cho doanh nghiệp cơ hội thâm nhập thị trường Mỹ. Nhưng sẽ cần thời gian để chúng ta tận dụng cơ hội này và cần nguyên liệu thô để sản xuất cho cơ hội mới nổi lên này”.
Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) công bố số liệu cho thấy Ấn Độ đã xuất khẩu 35.000 tấn các sản phẩm GTGT, trị giá 350 triệu USD sang thị trường Mỹ trong năm tài khóa 2018, ghi nhận mức tăng trưởng 40% so với năm trước đó. CÁc sản phẩm bao gồm thực phẩm bảo quản và tích trữ, tôm nấu sẵn, cua đã qua tiệt trùng. Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ trong năm tài khóa 2018 đạt 2,3 tỷ USD với tôm đông lạnh tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất.
Hiện các công ty Trung Quốc đang mạnh tay thu mua nguồn cung tôm nguyên liệu bỏ đầu từ các nước như Ấn Độ, Bangladesh và gia công chế biến cho các phiên bản sản phẩm đặc biệt, chuẩn bị cho thị trường Mỹ. Với diễn biến tăng thuế mới đây, Trung Quốc mất đi lợi thế cạnh tranh vốn có và những khách hàng tại Mỹ đang chuyển hướng sang đặt hàng các sản phẩm tương tự từ Ấn Độ.
Đặc biệt, những khách hàng này không phải khách hàng theo mùa mà đặt vấn đề hợp tác đặt hàng quanh năm. Để tận dụng cơ hội lớn này, các cơ sở chế biến thủy sản Ấn Độ sẽ cần phải nâng cấp, mở rộng hệ thống bảo quản tích trữ, các nhà máy tiệt trùng, tương đương với chất lượng các nhà máy tại Trung Quốc. Để giành thị phần từ tay Trung Quốc, nước dẫn đầu thế giới về nuôi trồng thủy sản, các nhà chế biến thủy sản Ấn Độ đề xuất chính phủ phải hỗ trợ đưa vào ứng dụng các công nghệ hiện đại hơn. Thị trường toàn cầu đang nghiêng về các nước nuôi trồng thủy sản hướng tới môi trường bền vững.
Giảm thả nuôi mới
Trong khi đó, lượng con giống thả nuôi vụ mới giảm 20 – 25%, có thể tác động mạnh tới năng lực sản xuất tôm của Ấn Độ trong năm 2019, Có khả năng sản lượng tôm Ấn Độ giảm 10 -15% trong năm nay so với năm ngoái. Sản lượng tôm năm ngoái của nước này đạt hơn 600.000 tấn. Hoạt động thả nuôi suy yếu do nông dân lo ngại dịch bệnh trên diện rộng và giá tôm thấp vào thời điểm thu hoạch.
Từ tháng 2 – 4 hàng năm là thời diểm thả nuôi cao điểm cho vụ nuôi tôm tại Ấn Độ. Không giống những năm trước, doanh số con giống từ các lò ấp ở mức thấp trong năm nay. Doanh thu thấp và công suất vượt nhu cầu đang đẩy các lò sản xuất tôm giống tại Ấn Độ vào tình trạng thua lỗ.
Theo The Hindu Business Line
Bình luận