Ngành cá ngừ Việt Nam gặp thách thức trước các quy định mới
Các nhà xuất nhập khẩu cá ngừ tại Việt Nam đang lên tiếng cho rằng hoạt động kinh doanh của họ bị tác động nặng nề do các quy định mới đưa ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, theo các tuyên bố mới đây từ Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Theo thông tin từ VASEP, hai thông tư mới ban hành từ Bộ NNPTNT hiện đang tác động tới cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu cá ngừ.
Ngày 25/12/2018, Bộ NNPTNT đã ban hành một thông tư sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 10/2/2019, quy định rằng các lô hàng nhập khẩu từ các tàu vận tải biển thông qua các cảng trung chuyển tại các nước khác phải xuất trình một văn bản chứng nhận, nếu không thì các lô hàng này sẽ không được thông quan. Văn bản này phải bao gồm thông tin: tên tàu, số liệu đăng ký, quốc hiệu, tên loại thủy sản và sản lượng khai thác, thời gian và địa diểm dỡ hàng, và các điều kiện bảo quản. Văn bản này do các nhà chức trách tại các cảng trung chuyển cung cấp, cũng cần phải chứng nhận rằng các lô hàng thủy sản được bảo quản ở trạng thái nguyên bản, chưa từng trải qua bất cứ hoạt động chế biến nào.
Tuy nhiên, VASEP cho biết hầu hết các nước và vùng lãnh thổ mà các thành viên VASEP nhập khẩu cá ngừ từ đó hiện từ chối cung cấp một văn bản như trên. Chỉ có Thái Lan và Philippines đã đồng ý về việc bắt đầu cung cấp một chứng nhận như vậy, nhưng ngay cả các văn bản từ hai nước này cũng không bao gồm đầy đủ thông tin mà các nhà chức trách Việt Nam yêu cầu.
Các nhà nhập khẩu cá ngừ chỉ được biết về thông tư sửa đổi khoảng 1 – 5 ngày sau khi văn bản này bắt đầu có hiệu lực. Hậu quả là nhiều containers của họ đang chuẩn bị cập cảng Việt Nam không được thông quan. Và vấn đề đang ngày càng trở nên nghiêm trọng do ngày càng nhiều lô hàng hiện đang trong quá trình trung chuyển, sau đó hướng đến các cảng của Việt Nam. Nhiều hợp đồng mua với các đối tác nước ngoài đã được ký từ nhiều tháng trước khi các nhà nhập khẩu được biết về các quy định mới này, VASEP lên tiếng. “Hiện có khoảng 50 containers hiện đạng tắc tại các cảng bởi các nhà nhập khẩu không được biết về quy định mới trên”, một nguồn tin cho hay vào ngày 1/3 vừa qua. “Đối với các chuyến hàng vẫn đang vận chuyển trên biển, họ buộc phải hủy các hợp đồng và hoàn trả các lô hàng”, nhà chức trách này cho biết thêm rằng các nhà nhập khẩu đang phải chịu một chi phí lớn do phải thanh toán chi phí đền bù hợp đồng và giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu thô cho sản xuất.
VASEP cho biết tổ chức này đã gửi thư khẩn tới Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường ngày 25/2 để tìm cách thuyết phục một động thái can thiệp. Trong các yêu cầu, VASEP nhấn mạnh yêu cầu bộ trưởng hoãn triển khai thông tư điều chỉnh cho tới 31/3 để giải phóng tất cả các lô hàng hiện đang tắc nghẽn tại các cảng và các lô hàng đã rời cảng xuất trong nửa đầu tháng 2, đang trên đường tới các cảng tại Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nhập khẩu cá ngừ từng phải giải quyết các vấn đề phát sinh do các quy dịnh mới từ các nhà chức trách Việt Nam và gây tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của họ. Tháng 11/2018, các lô hàng thủy sản từng bị tắc tại các cảng của Việt Nam sau khi Cục Thú y Việt Nam ban hành một quy định vào tháng 9/2018 yêu cầu tát cả các lô hàng nhập khẩu trực tiếp từ các tàu trên biển phải có chứng nhận thú y. VASEP đã nỗ lực chống lại quy định này, cho rằng các lô hàng thủy sản nhập khẩu trực tiếp từ các tàu trên biển đã không cần đến các chứng nhận thú y trong ít nhất 10 năm qua và đây được chấp nhận như một thông lệ quốc tế. VASEP cho rằng các điểm kiểm dịch thú ý cũng không cần thiết bởi thủy sản đang nhập khẩu trực tiếp từ các tàu trên biển và chưa trải qua bất cứ hoạt động chế biến nào.
Về phía xuất khẩu cá ngừ từ Việt Nam, các nhà xuất khẩu cá ngừ sang EU cũng đang ráo riết tìm kiếm sự hỗ trợ từ VASEP khi hàng loạt cảng cá từ chối cấp các chứng nhận xuất cứ cá ngừ khai thác qua cảng của họ từ đầu năm 2019. Một thông tư về chứng nhận xuất xứ thủy sản do Bộ NNPTNT ban hành vào ngày 15/11/2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, để triển khai các khuyến nghị của EU về giải quyết vấn đề “thẻ vàng”, do khối này đưa ra vào tháng 10/2017.
Thông tư này quy định rằng các cảng cá địa phương phải ngừng cấp chứng nhận xuất xứ cho các lô thủy sản khai thác qua cảng của họ cho tới khi nhận được chứng nhận từ Bộ NNPTNT. Cho tới đầu thagns 3, vẫn chưa có cảng nào nhận được chứng nhận trên, VASEP cho hay. Hệ quả là các công ty đang phải chứng kiến các lô hàng của họ chồng chất trong các hệ thống bảo quản bởi không một lô cá ngừ nào mua về từ tháng 1 đã được cấp chứng nhận xuất xứ, vốn là một yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu sang EU. Các công ty xuất khẩu cá ngừ đang phải đứng trước nguy cơ trả phí đền bù hợp đồng cho người mua tại EU, và hoạt động kinh doanh của họ đang bị thiệt hại nghiêm trọng.
VASEP cũng đã gửi một văn bản riêng tới cho Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ngày 1/3 nhằm thúc đẩy việc Bộ này ban hành một danh sách các cảng cá được phép cấp chứng nhận xuất xứ càng sớm càng tốt. Hơn nữa, VASEP yêu cầu rằng cho tới khi danh sách này được đưa ra thì Bộ NNPTNT cần cho phép các cảng tiếp tục cấp chứng nhận xuất xứ như trước ngày 1/1, nhằm giúp giảm bớt áp lực hàng tồn kho và áp lực đang ngày một chồng chất của các nhà xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.
Năm 2018, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đạt 653 triệu USD, tăng 10% so với năm 2017. Mỹ và EU vẫn tiếp tục là các thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, theo VASEP cho hay.
Theo Seafood Source
Bình luận