Tiếp tục xu hướng năm 2017, trong quý 1/2018, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng 45% về giá trị, đạt 101 triệu USD nhờ giá tăng. Tại Mỹ, cơ chế kiểm tra nghiêm ngặt cộng với tăng thuế chống bán phá giá đang gây cản trở lớn cho Việt Nam tiếp cận thị trường này.
Giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam thường tập trung vào các thị trường cốt lõi gồm Mỹ, EU28 và Trung Quốc, cũng như một số thị trường trong Cộng đồng các nước Đông Nam Á (ASEAN). Trong những năm gần đây, thị phần tương đối của ba thị trường lớn này đang thay đổi. Sự chuyển dịch này bắt đầu 1 thập kỷ trước đây với sự giảm mạnh xuất khẩu cá tra sang EU28 sau khi các thông tin truyền thông tiêu cực và cạnh tranh mạnh trong phân khúc thị trường cá thịt trắng. Diễn biến này tiếp tục trong thời gian gần đây với tác động của một loạt rào cản thương mại lên lượng nhập khẩu tại Mỹ.
Gần đây hơn, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh, giúp giữ vững xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới trước tình hình tăng trưởng nguồn cung hạn chế. Đầu năm 2018, Hiệp hội các nhà sản xuất- xuất khẩu thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD trong năm nay, trong đó khoảng 25% đến từ thị trường Trung Quốc.
Việt Nam
Mục tiêu xuất khẩu cá tra của VASEP cho năm 2018 sẽ đòi hỏi nguồn cung cá tra nguyên liệu 1,3 triệut ấn, cao hơn sản lượng cá tra năm 2017 đạt 1,25 triệu tấn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nguồn cung con giống và biến động nhiệt độ khiến sản lượng cá tra nguyên liệu giảm trong vài tháng đầu năm 2018, khiến các công ty chế biến phải cạnh tranh mạnh về nguồn nguyên liệu và đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng. Giá cá tra cổng trại đang mang lại lợi nhuận tốt cho nông dân nuôi cá tra Việt Nam. Hệ quả là diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL tăng, đặc biẹt là tại tỉnh sản xuất cá tra chính Đồng Tháp. Tại tỉnh Long An, các nhà chức trách địa phương cảnh báo nông dân trồng lúa không nuôi cá tại các khu vực không được quy hoạch.
Theo số liệu báo cáo từ VASEP, VASEP cho biết xuất khẩu cá tra trong quý 1/2018 đạt 440 triệu USD, và giá cá tra xuất khẩu tăng đảm bảo gần như tất cả các thị trường xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng 45%, và xuất khẩu cá tra sang ASEAN cũng tăng tới 56,5%, dẫn đầu là Thái Lan, Singapore và Phillippines. Khối ASEAN đã vượt qua EU28 về thị phần xuất khẩu cá tra từ Việt Nam và hiện đang trên đà vượt qua Mỹ trong vài năm, đặc biệt xét đến các rào cản mà Mỹ đang đặt ra cho cá tra Việt Nam. Một trong những rào cản này là triển khai quy trình kiểm tra an toàn thực phẩm mới vào cuối năm 2017, khiến các nhà chức trách Việt Nam phải đâm đơn kiện lên WTO rằng cơ chế này tạo ra thương mại không công bằng.
Mỹ
Ngoài cơ chế giám sát an toàn thực phẩm là một phần nguyên nhân khiến xuất khẩu cá tra sang Mỹ giảm mạnh, gần đây Mỹ cũng tăng thuế chống bán phá giá đối với cá tra phile nhập khẩu từ Việt Nam. Tháng 3/2018, thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam tăng mạnh từ 2,39 USD/kg lên 3,87 USD/kg, và một số nhà xuất khẩu thậm chí đối mặt với mức thuế lên tới 7,74 USD/kg. Giá cá tra tăng mạnh trên toàn cầu, các rào cản ngày càng lớn trên thị trường Mỹ lại càng củng cố xu hướng giảm xuất khẩu cá tra sang thị trường này. Mặc dù các nhà xuất khẩu đang thúc đẩy marketing cho các sản phẩm thay thế, giá cao chắc chắn sẽ gây áp lực lên nhu cầu mua và là một thuận lợi về cạnh ranh cho các mặt hàng cá thịt trắng khác như cá Pollock Alaska.
Trung Quốc
Sự ưa chuộng cá tra trên thị trường tiêu dùng Trung Quốc càng được thúc đẩy nhờ mức tăng trưởng nhanh về nhu cầu các sản phẩm cá thịt trắng và lợi thế cạnh tranh ngày càng mạnh so với cá rô phi sản xuất nội địa Trung Quốc – đối thủ thị trường chính của cá tra. Việt Nam có các mối quan hệ thương mại rộng với Trung Quốc và cá tra nuôi được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận tích cực, tạo nên nhu cầu trong cộng đồng kinh doanh các loại cá thịt trắng hàng hóa cũng như những nhà kinh doanh tìm kiếm các sản phẩm GTGT, với trọng tâm vào chất lượng. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đa tăng từ mức 50 triệu USD năm 2011 lên 400 triệu USD năm 2017.
EU
Xuất khẩu cá tra Việt Nam liên tục suy giảm sang thị trường EU trong 5 năm qua. Tác động của nhu cầu tiêu dùng yếu, thông tin truyền thông tiêu cực về cá tra, và cạnh tranh mạnh từ các lựa chọn sản phẩm cá thịt trắng khác, cùng với mức giá cao hiện nay đang cản trở xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, một ngoại lệ đáng chú ý là Anh. Theo VASEP, Anh là thị trường EU28 duy nhất tăng nhập khẩu cá tra tron gnăm 2017, đạt 46 triệu USD, tăng 2,5% so với năm 2016.
Các thị trường khác
Ngoài tiêu dùng tăng tại khu vực Đông Nam Á, nhu cầu cá tra cũng tăng trên một loạt các thị trường khác như Mỹ Latin, Nam Á và Trung Đông. Tăng trưởng thu nhập, đô thị hóa và ngành khai thác thủy sản suy yếu tại các thị trường mới nổi này kéo theo sự lên ngôi của các loại cá nuôi như cá tra sẽ có triển vọng tăng trưởng tích cực trong tương lai.
Triển vọng
Tăng trưởng sản xuất cá tra dự báo thấp hoặc đi ngang trong năm 2018. Bất chấp tình hình thị trường có những yếu tố bất lợi tại Mỹ và EU28, nhu cầu từ Trung Quốc và các thị trường nhỏ hơn có thể sẽ mạnh hơn, giúp neo giá cá tra ở mức cao trong suốt năm 2018. Trong quý 2/2018, giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục 31.000 – 33.000 VNĐ/kg, tương đương 1,37 – 1,43 USD/kg, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, giá cá tra phile xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng tới 50% trong quý 1/2018 so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, sản lượng tương lai dự báo tăng do hoạt động sản xuất mở rộng sẽ không tránh khỏi tác động lên giá và đến giữa năm 2018, giá cá tra nguyên liệu có xu hướng giảm khi bắt đầu vụ nuôi. Trong một kịch bản cực đoan, nếu sản xuất dựa vào giá tăng quá nhanh, rủi ro bất ổn thị trường sẽ xuất hiện.
Về dài hạn, triển vọng nhu cầu tích cực phụ thuộc vào khả năng ngành cá tra Việt Nam duy trì được vị thế tại thị trường Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt và trên một phạm vi rộng lớn hơn, tình hình kinh tế tốt nói chung trên toàn cầu dang hỗ trợ cho tăng trưởng nhập khẩu tại các thị trường thay thế. Các tác nhân ngành cá tra Việt Nam cũng đang nhanh chóng xác định rủi ro gắn với việc phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và đang vạch ra các kế hoạch thay đổi.
Theo Globefish
Bình luận