0

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho nông sản Việt Nam, vượt qua Mỹ, với kim ngạch lên tới 1,27 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Theo Bộ NNPTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, sau khi suy giảm mạnh trong tháng 1/2023, đã lấy lại động lực tăng trưởng vào tháng 2/2023. Tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp tháng 2/2023 ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 1,79 tỷ USD, tăng 25,9% trong cùng kỳ so sánh; các sản phẩm chăn nuôi đạt 29 triệu USD, tăng 46,5% trong cùng kỳ so sánh; gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt gần 872,1 triệu USD, giảm 10,7% và thủy sản đạt 550 triệu USD, giảm 13,1% trong cùng kỳ so sánh. Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều mặt hàng ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Ví dụ, xuất khẩu rau quả đạt 592 triệu USD, tăng 17,8%; xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 283 triệu USD, tăng tới 32,7%; xuất khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa đạt 16,2 triệu USd, tăng 10,2%; xuất khẩu thịt và các phụ phẩm đạt 16,9 triệu USD, tăng 14,2%; xuất khẩu chè đạt 25 triệu USD, tăng 5,1%.

Trong diễn biến trái ngược, xuất khẩu cà phê đạt 703 triệu USD, giảm 14,6%; xuất khẩu cao su đạt 394 triệu USD, giảm 23,1%; xuất khẩu gạo đạt 417 triệu USD, giảm 10,8%; xuất khẩu hạt điều đạt 327 triệu USD, giảm 14,3%; và xuất khẩu hạt tiêu đạt 129 triệu USD, giảm 7,4%. Mức giảm mạnh nhất ghi nhận ở các mặt hàng cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lần lượt giảm 64,1%; 54,9% và 34,8% trong cùng kỳ so sánh.

Đến cuối tháng 2/2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp đạt 6,28 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ so sánh. Đáng chú ý, Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023. Theo đó, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản các loại sang Trung Quốc đạt 1,27 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp Việt Nam. Mỹ - sau 2 năm duy trì vị trí số 1 – hạ bậc xuống số 2 với giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,19 tỷ USD, chiếm 19%; thị trường Nhật Bản đạt 563 triệu USD, chiếm 9% và theo sau là thị trường Hàn Quốc với 302 triệu USD, chiếm 4,8%. Năm 2022, xuất khẩu nông sản sang Mỹ đạt 13,3 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam; sang Trung Quốc đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 18,9%; sang Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, chiếm 7,9% và sang Hàn Quốc đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 4,7%.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT sẽ tập trung vào xúc tiến phát triển thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu. Do đó, Bộ sẽ tìm cách tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là CPTPP và EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu các loại nông sản chính. Một phái đoàn Việt Nam sẽ có chuyến công tác sang Trung Quốc để làm việc với các cơ quan hải quan Nam Ninh và Vân Nam nhằm xúc tiến thương mại, cũng như cập nhật và dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu nông sản. Hai bên sẽ thảo luận việc chuẩn bị tổ chức diễn đàn xuất khẩu rau trong khuôn khổ Vietnam Hortex lần thứ 5, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3.

Theo VNS

Admin

Nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh đẩy giá cá tra cao kỷ lục bất chấp các thách thức trên thị trường Mỹ

Bài trước

Tin vắn ngành chăn nuôi ngày 31/7

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc