Coke đặt cược vào thị trường cà phê bằng thương vụ 5,1 tỷ USD
Coca-Cola Co. vừa hoàn thành thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử hãng này, khi thông báo hôm 31/8 vừa qua về thương vụ mua lại chuỗi cửa hàng cà phê Costa của Anh với giá 5,1 tỷ USD khi nhà sản xuất nước uống có ga lớn nhất thế giới này mở rộng nền tảng sản phẩm đồ uống không cồn và gia nhập nhóm công ty hàng hóa tiêu dùng đang đánh cược lớn vào thị trường cà phê.
Thương vụ này mang lại cho Coke sự hiện diện bằng xương bằng thịt trong ngành bán lẻ và cạnh tranh trực tiếp với Starbucks Corp., hiện có hơn 27.000 cửa hàng cà phê trên toàn thế giới. Costa với cốc đỏ trắng truyền thống hiện có khoảng 3.800 quán cà phê trên thế giới, trong đó khoảng 2.500 quán nằm tại Anh và sự hiện diện ngày càng mạnh tại Trung Quốc. Thành lập tại Luân Đôn năm 1971, Costa cũng bán cà phê tại các cửa hàng tiện lợi và các nhà ga.
Một số nhà phân tích đặt dấu hỏi về sự hợp lý của cái giá mà họ cho là quá cao đối với Costa, xét đến mức độ tập trung lớn của họ tại Anh và rất ít nổi tiếng tại nhiều thị trường cà phê lớn khác. Các nhà phân tích cũng đặt dấu hỏi về tại sao Coke lại quyết định chen chân vào một thị trường bán lẻ truyền thống đã quá đông đúc mà Coke hoàn toàn không có kinh nghiệm gì.
Trong một cuộc phỏng vấn, CEO Coca-Cola James Quincey cho biết thương vụ này là một cú đặt cược vào thị trường cà phê toàn cầu đang tăng trưởng nhanh nhưng vẫn còn phân mảnh. “Đây là chiến lược cà phê, không phải chiến lược bán lẻ”, ông Quincey khẳng định. Ông Quincey bắt đầu đảm nhiệm chức CEO của Coke từ tháng 5/2017. Ông Quincey cho biết hiện Coke chưa có kế hoạch mở cửa hàng cà phê Costa tại Mỹ, nhưng sẽ mang các máy pha cà phê Costa và hạt cà phê tới các nhà ga, các ký túc xá trường đại học và các nhà hàng phục vụ nhanh tại Mỹ.
Vị CEO này thừa nhận rằng việc mở rộng vào lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt ra thách thức với nhà sản xuất đồ uống này, hiện vốn phụ thuộc vào các nhà phân phối, các cửa hàng tạp hóa và các nhà hàng để bán đồ uống. “Bán lẻ “rõ ràng không phải là chuyên môn của chúng tôi”, ông Quincey cho biết thêm rằng Coke sẽ giữ nguyên ban quản lý bán lẻ của Costa. “Người tiêu dùng tiếp tục muốn tăng chi tiêu vào các loại đồ uống”, ông Quincey nhấn mạnh. “Họ chỉ muốn sự đa dạng hóa tăng lên, bao gồm cà phê ở nhiều dạng khác nhau”.
Coke và các đối thủ sản xuất soda đang tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới khi người tiêu dùng ngày càng rời xa các đồ uống nhẹ có đường. Tháng 8 vừa qua, PepsiCo Inc. đã mua lại nhà sản xuất máy nước khoáng SodaStream International Ltd. với giá 3,2 tỷ USD. Các đối thủ nhỏ hơn như Dr Pepper Snapple cũng sát nhập với Keurig, công ty cà phê được ưa chuộng với loại cà phê đơn shot K-cups mùa hè vừa qua.
Coke cũng bán cà phê đóng chai Dunkin’ Donuts tại Mỹ và thương hiệu cà phe uống liền có tên goi Georgia rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, nhưng ông Quincey cho biết công ty vẫn chưa bước chân được vào thị trường cà phê phục vụ nóng vốn có quy mô lớn hơn nhiều. Trong cuộc họp báo hôm 31/8 vừa qua, ông cho biết Coke có kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng cà phê của Costa tại các thị trường đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, và sử dụng các máy bán cà phê Costa tự phục vụ, với hạt cà phê xay và sữa nóng, để bán đồ uống nóng trên toàn cầu. Công ty cũng sẽ bán cà phê đóng chai thương hiệu Costa và hạt cà phê. Đối thủ PepsiCo từ lâu đã hợp tác với Starbucks để bán các loại đồ uống liền.
Cà phê đang là thị trường nóng của hàng loạt thương vụ lớn. Cũng trong năm 2018, Nestlé SA đã mua quyền bán các sản phẩm Starbucks ở các cửa hàng tạp phẩm và bán lẻ với giá hơn 7 tỷ USD. JAB Holding Co., đến từ châu Âu, cũng đang ráo riết mua lại các tài sản liên quan đến cà phê. Coke mua lại Costa từ tập đoàn nghỉ dưỡng Whitbread PLC, cũng là chủ sở hữu thương hiệu khách sạn Premier Inn tại Anh và Đức. Công ty lần đầu hé lộ khả năng bán Costa vào tháng 4 vừa qua và sẽ phân bổ phần lớn tiền bán cho các cổ đông. Whitbread trước đó đã gặp áp lực từ các nhà đầu tư về việc rời bỏ mảng kinh doanh cà phê. Coke đã tiếp cận Whitbread vào tháng 6 vừa qua, thảo luận về thương vụ cà phê này.
CEO của Whitbread Alison Brittain cho biết Coke không phải là bên bày tỏ quan tâm duy nhất, nhưng cho rằng tầm bao phủ của công ty khổng lồ đến từ Mỹ này là lời đề nghị hấp dẫn nhất. Thỏa thuận mua lại dự kiến hoàn tất trong nửa đầu năm 2019, đã được ký kết chỉ 8 phút trước khi được thông báo chính thức hôm 31/8.
Trong năm tài chính kết thúc vào 1/3, doanh thu của Costa đạt 1,3 tỷ Bảng, tương đương 1,69 tỷ USD và lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao là 238 triệu Bảng. Khoảng 72% doanh thu của công ty đến từ các cửa hàng tại Anh, theo đại diện của Coke cho hay. Để so sánh, doanh thu của Starbucks đạt 22,4 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua và Coca-Cola có doanh thu 35,4 tỷ USD.
Doanh thu của các cửa hàng tương tự như Costa tương đối ổn định, mặc dù doanh thu nhìn chung tiếp tục tăng trưởng khi công ty tăng số cửa hàng, bao gồm các cửa hàng ở nước ngoài và mở rộng mạng lưới các máy bán cà phê tự động. Một phần doanh thu đến từ các máy bán cà phê pha tự động này – hiện có hơn 7.000 máy tại Anh – cạnh tranh mạnh với các cửa hàng hiện tại. Costa có nhiều cửa hàng hơn Starbucks tại Anh nhưng thương hiệu này ít được biết dến tại Bắc hoặc Nam Mỹ, nơi Starbucks có hơn 16.000 cửa hàng. Thị trường quốc tế lớn nhất của Costa là Trung Quốc – nơi thương hiệu này có khoảng 450 cửa hàng nhưng con số này vẫn quá ít so với con số xấp xỉ 3.000 cửa hàng của Starbucks.
Sự hiện diện của Costa tại Trung Quốc mang lại cơ hội tăng trưởng cho Coke, theo nhà phân tích Jonathan Davison của GlobalData. Doanh số bán đồ uống nóng đã tăng gấp đôi về lượng trong hơn 5 năm qua, ông Davison cho hay giá trị thị trường bán lẻ đồ uống nóng tại Trung Quốc ước đạt 34 tỷ USD đến năm 2022. Coke kỳ vọng thương vụ này sẽ giúp tăng lợi nhuận cho công ty trong năm tới. Công ty cho biết vẫn chưa thay đổi các mục tiêu tài chính dài hạn sau thương vụ này.
Theo Wall Street Journal
Bình luận