Thế giới đang đối mặt với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, và không nhiều nước thoát khỏi khuynh hướng toàn cầu này. Số lượng người trên 60 tuổi được dự báo tăng 56%, từ 901 triệu người lên 1,4 tỷ người trong giai đoạn 2015 – 2030. Cộng đồng dân cư lớn tuổi này ngày càng đề cao lợi ích của việc có những người bạn đồng hành là thú cưng.

Tại châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất và không phải ngẫu nhiên mà hai nước này có tỷ lệ sở hữu chó mèo cao nhất. Khuynh hướng này đang củng cố mạnh tăng trưởng của các ngành kinh doanh liên quan đến thực phẩm cho thú nuôi, chăm sóc thú y và các dịch vụ cưới xin cho thú cưng trong những năm tới.

Theo Hiệp hội các ngành sản xuất sản phẩm cho thú cưng của Thái Lan, giá trị thị trường của các ngành liên quan đến thú nuôi tại Thái Lan là 24 tỷ Baht, một nửa trong đó là thực phẩm cho thú nuôi. Ngành sản xuất thực phẩm cho thú nuôi đang tăng trưởng ổn định 10%/năm từ năm 2011 đến nay, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng thực phẩm cho người.

Tại sao thú cưng lại ngày càng trở nên quan trọng tại Thái Lan? Mặc dù chưa có nghiên cứu cho thấy tác động của nuôi thú cưng đối với người lớn tuổi, có một khuynh hướng đáng chú ý liên quan đến việc sở hữu vật nuôi ở người già và các cặp đôi chưa có con tại các xã hội như Thái Lan – với các cộng đồng dân cư đang già hóa và tỷ lệ sinh giảm.

Tất cả các cộng đồng dường như đều có khái niệm về những niềm vui và tình bạn mà vật nuôi mang lại cho con người. Những người lớn tuổi, những người độc thân và các cặp đôi chưa có con thường sẵn sàng bỏ nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chăm sóc cho thú nuôi như đối với các thành viên trong gia đình – khuynh hướng toàn cầu được gọi là “nhân cách hóa” thú cưng.

Ngày nay, thực phẩm cho thú cưng mang các đặc điểm xa xỉ về chủng loại, chất lượng, khả năng sáng tạo và đóng gói, và không ngạc nhiên khi có thể bị nhầm lẫn với thực phẩm cho người. Các dòng sản phẩm cao cấp hiện bao gồm thực phẩm tự nhiên chất lượng cao, hữu cơ, không ngũ cốc và các sản phẩm không hóa chất. Các loại thực phẩm dùng theo chỉ dẫn và các thực phẩm bổ sung cũng được cung cấp để chữa trị các bệnh ở thú nuôi như bệnh tim, bệnh gan và thận. Chi phí cho thực phẩm dùng theo chỉ dẫn ít nhất cao hơn 15% so với thực phẩm thông thường cho thú nuôi, nhưng chủ sở hữu thú nuôi ngày nay sẵn sàng đầu tư vào sức khỏe và sự lành mạnh của các thú cưng.

Một khuynh hướng mới khác đang gia tăng tại Thái Lan là sự tùy biến của thức ăn cho thú nuôi, do Nestle Purina USA và Tails.com khởi xướng tại Anh. Với một cái giá hợp lý, chủ sở hữu thú cưng có thể mua loại thực phẩm phù hợp nhất theo độ tuổi, giống, cân nặng, hoạt động thể chất và thói quen ăn uống.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Thái Lan là nhà xuất khẩu thực phẩm cho thú nuôi lớn thứ 4 thế giới, với tổng giá trị xuất khẩu 35,5 tỷ Baht vào năm 2016. Giá trị xuất khẩu về giá và lượng tăng trưởng với tốc độ 11%/năm từ năm 2011. Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu thực phẩm cho thú cưng hàng đầu của Thái Lan, nhưng xuất khẩu sang Mỹ và Ý cũng đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình lần lượt là 15% và 8% từ năm 2011, do những ngước này nằm trong số các nước có tỷ lệ sở hữu thú cưng cao nhất toàn cầu.

Các nhà sản xuất Thái Lan từ lâu đã xây dựng được uy tín trên phạm vi toàn cầu về các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Các nhà sản xuất thực phẩm cho thú cưng lớn tại Thái Lan phát triển thực phẩm cho thú nuôi với chất lượng cao đồng nhất, tương đương với chất lượng thực phẩm cho người. Những người chơi lớn trong ngành nông nghiệp Thái Lan, như Betagro Group và Charoen Pokphand Foods, đang có dấu ấn mạnh trong ngành thực phẩm cho thú nuôi, có lợi nhuận cao hơn so với những nhà sản xuất trong ngành thức ăn chăn nuôi.

Thái Lan chiếm giữ vị trí đáng ghen tị trong chuỗi giá trị ngành thực phẩm cho thú nuôi do nước này là một trong những nhà xuất khẩu cá ngừ hàng đầu thế giới – nguyên liệu cơ bản trong thực phẩm cho mèo. Tiếp cận nguồn cá ngừ tươi ngày càng khó khăn đã thúc đẩy những nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp hiện nay mở rộng các dây chuyền sản phẩm sang thực phẩm cho mèo, đòng thời khuyến khích sự gia nhập thị trường của các nhà sản xuất quốc tế, bao gồm Mars Petcare và Nestle Purina Petcare, đầu tư các trung tâm sản xuất tại Thai Lan để đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu.

Ngành thực phẩm cho thú nuôi không phải là không có các thách thức. Tất cả các ngành tăng trưởng cao đều không thể tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt và xuất khẩu thực phẩm cho thú nuôi của Thái Lan đang bị thách thức bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của sản xuất thực phẩm cho thú nuôi tại Trung Quốc. Trung Quốc là nước có tốc độ tăng trưởng sở hữu chó mèo nhanh thứ 2 và thứ 3 trên thế giới, và đến năm 2016, cộng đồng thú nuôi tại Trung Quốc là 58,1 triệu con mèo và 27,4 triệu con chó.

Mặc dù uy tín của Trung Quốc về an toàn thực phẩm và chất lượng vẫn rất thấp do những vụ bê bối về thực phẩm bẩn diễn ra thường xuyên, nước này không chậm chân trong tăng trưởng mạnh sản xuất thực phẩm cho thú nuôi và có vị thế cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu toàn cầu.

Thái Lan có thể nắm giữ một lợi thế đáng kể là uy tín về các tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm chất lượng cao, nhưng ngành thủy sản nước này tiếp tục đối mặt với các cáo buộc tiêu cực về lao động nô lệ, buôn bán người, và khai thác thủy sản trái luật, không báo cáo và không được luật hóa (IUU), làm tăng mối nguy cơ tẩy chay các sản phẩm thủy sản Thái Lan trên thị trường thế giới. Ngành thực phẩm cho thú nuôi của nước này sẽ mang gánh nặng lớn nếu Thái Lan không đáp ứng các tiêu chuẩn ngành về khai thác thủy sản bền vững trên thế giới. Hệ quả là một số nhà sản xuất thực phẩm cho thú nuôi hàng đầu như Mars Petcare đã cam kết theo đuổi mục tiêu đảm bảo 100% nguồn nguyên liệu bền vững.

Bất chấp các thách thức nguồn cung và cạnh tranh, Thái Lan có thể củng cố nhu cầu thông qua đa dạng hóa kênh xuất khẩu sang các nước láng giềng tại ASEAN, xét đến các lợi thế cự ly. Thái Lan vốn đang xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam, và mặc dù giá trị xuất khẩu vẫn còn thấp nhưng đang tăng trưởng ổn định 2 con số trong 5 năm qua.

Xuất khẩu của Thái Lan không còn mạnh như trước đây, với nhiều ngành vẫn đang chật vật xuất khẩu nhưng quốc gia này vẫn nằm trong nhóm xuất khẩu hàng đầu thế giới về các sản phẩm nông sản, chiếm 1/6 tổng giá trị xuất khẩu của Thái Lan, và thực phẩm cho thú nuôi vẫn là một trong số ít ngành còn sức bật và tăng trưởng ổn định cả trên thị trường nội địa và quốc tế.

Do Thái Lan vẫn duy trì được thương hiệu quốc gia đáng tin cậy với vai trò là một nhà xuất khẩu thực phẩm ròng, chính phủ Thái Lan có thể tăng cường uy tín quốc gia trên phạm vi toàn cầu bằng cách thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo để tiên phong các sáng kiến mới, như tăng sử dụng ngô, gạo và bột sắn làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho thú nuôi. Điều này sẽ giúp ngành thực phẩm cho thú nuôi đa dạng hóa mặt hàng cung ứng và duy trì vị thế cạnh tranh dẫn đầu thông qua đổi mới. Đây cũng có thể là một giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề giá nông sản đang có khuynh hướng giảm.

Theo Bangkok Post
Admin

Nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất nông sản – thực phẩm Việt Nam và EU sau EVFTA

Bài trước

Những vết nứt sâu trong tiêu dùng của Ấn Độ 

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc