Một thế hệ nông dân mới, trẻ hơn, chuộng công nghệ và kinh doanh hơn, đang làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp Nhật Bản, vốn đang ngày một nhỏ bé hơn, với các chiến lược marketing và công nghệ tinh vi, mang lại niềm hy vọng mới cho nông nghiệp nước này.
Hiroki Iwasa, một doanh nhân công nghệ có bằng MBA, trồng dâu tây tại 7 khu nhà kính công nghệ cao sử dụng máy tính để thiết lập môi trường nhiệt độ và độ ẩm tối ưu cho điều kiện sinh trưởng của cây trồng và đảm bảo các hàng cây được tưới tắm đúng thời gian và đủ lượng nước. Ông kinh doanh dâu tây có thương hiệu “Migaki Ichigo" trực tiếp tới các cửa hàng cao cấp tại Tokyo, nơi khách hàng trả đến 9 USD/quả, cũng như tới các khách hàng tại Hong Kong, Singapore, Đài Loan và Thái Lan, nơi các sản phẩm Nhật Bản có uy tín rất cao.
Những thay đổi như vậy, dù nhỏ, đến từ các động thái thúc đẩy cải cách ngành nông nghiệp của thủ tướng Shinzo Abe. Ngành nông nghiệp Nhật Bản vẫn chủ yếu sản xuất quy mô nhỏ, tuổi trung bình của nông dân là trên 66 và đóng góp của ngành nông nghiệp vào nền kinh tế Nhật Bản đã giảm 25% kể từ thời kỳ đỉnh cao vào năm 1984.
Thế hệ nông dân mới này cũng sẽ giúp Nhật Bản ứng phó tốt hơn nếu Mỹ cố gắng – như đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer từng bóng gió – gây áp lực mở cửa các thị trường như gạo và thịt bò, mà hiện Nhật Bản đang bảo hộ bằng thuế.
Ông Iwasa cũng đang vận hành một công ty công nghệ thông tin và lấy bằng MBA tại Tokyo khi quê nhà Yamamoto thuộc tỉnh đông bắc Miyagi của ông, rất nổi tiếng với dâu tây, bị hủy hoại bởi sóng thần vào tháng 3/2011. Sau thảm họa này, ông đã nỗ lực hỗ trợ khắc phục thiên tai và sau đó nhận thấy cơ hội kết hợp các kỹ năng công nghệ của ông với bí quyết trồng dâu tây của một nông dân địa phương.
Iwasa hiện lãnh đạo công ty GRA Inc 6 năm tuổi, có 20 lao động toàn thời gian và 50 lao động bán thời gian, bao gồm 4 nhân viên chuyên quản lý các đơn hàng quốc tế. “Quan niệm và kinh nghiệm của nông dân không phải luôn dẫn đến mùa màng bội thu. Điều quan trọng là chúng tôi đã thâu nhận được kiến thức về công nghệ và tự động hóa và sử dụng các kiến thức này để tăng năng suất. Ngoài ra, bồi dưỡng kiến thức quản lý nông nghiệp chuyên nghiệp cũng rất cần thiết”.
Bằng cách thuê đất đai xung quanh, Iwasa đã mở rộng trang trại của ông lên 2ha, gấp khoảng 10 lần quy mô sản xuất dâu tây trung bình tại Nhật Bản. “Kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn hơn, sử dụng công nghệ mới sẽ là tương lai của nông nghiệp Nhật Bản”, ông Kazunuki Ohizumi, giáo sư danh dự tại đại học Miyagi, hiện đang nghiên cứu các khuynh hướng nông nghiệp tại Nhật Bản trong nhiều thập kỷ qua. “Nông dân sản xuất quy mô lớn là một trong những nhân tố giúp tái sinh nông nghiệp Nhật Bản, sẽ thay đổi mạnh mẽ. Tất nhiên, IT, robots và trí thông minh nhân tạo cũng cần thiết, sẽ tạo ra công ăn việc làm để vận hành các công nghệ này”.
Nhật Bản đang chứng kiến một sự chuyển dịch theo hướng trang trại vận hành theo kiểu doanh nghiệp, với số lượng tăng vọt từ 8.700 năm 2005 lên 20.800 năm 2016. Và số lượng lao động trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp đang tăng chậm. Ngành nông nghiệp chỉ thêm hơn 23.000 lao động trong độ tuổi dưới 49 trong năm 2015, từ mức chưa đến 18.000 trong 5 năm trước.
Ông Ohizumi dự báo doanh thu của các trang trại quy mô lớn – với doanh thu từ 450.000 USD trở lên – sẽ tăng lên khoảng 75% đến năm 2030, từ mức 41% năm 2015.
Ông Shuichi Yokota, một nông dân trồng lúa 41 tuổi tại Ibaraki ở phía đông bắc Tokyo, cho biết nông dân trồng lúa Nhật Bản được bảo vệ bởi chính sách trợ cấp và thuế của chính phủ trong thời gian quá dài. Nhật Bản áp mức thuế rất cao 341 Yên/kg, tương đương 3,09 USD/kg đối với gạo nhập khẩu, trong khi chính phủ cung cấp khoản trợ cấp lên tới 105.000 Yên/0,1ha, tương đương 950 USD/0,1ha cho nông dân trồng lúa. “Nông dân nên đặt mục tiêu trở nên cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu như những tên tuổi xe hơi nổi tiếng Toyota và Honda”, ông Yokota phát biểu. “Nếu bạn quản lý kinh doanh thất bại, bạn phải rời khỏi ngành. Như những gì xảy ra trong các ngành khác. Nếu bạn không thể giảm chi phí sản xuất hoặc giữ chân khách hàng, bạn sẽ phá sản thôi”.
Khi ông Yokota trở thành nông dân sau khi tốt nghiệp đai học 20 năm trước, gia đình ông có khoảng 16ha. Do nông dân già hơn trong khu vực này nghỉ lao động, ông bắt đầu thuê đất của họ. Hiện ông quản lý một tập đoàn trồng lúa quy mô 140ha, lớn hơn nhiều so với mức trung bình 3ha trên toàn quốc. Công ty của ông trồng một vài giống lúa khác nhau để hoạt động trồng cấy và thu hoạch được rải vụ, và sử dụng thiết bị điện tử từ xa để đo mực nước và nhiệt độ tại các cánh đồng, cũng như các điều kiện sản xuất gạo. “Các khoản trợ cấp của chính phủ cuối cùng cũng sẽ phải kết thúc do đây không phải biện pháp bền vững”, ông Yokota phát biểu. “Nông dân nên sản xuất các hàng hóa có thị trường”.
Theo Reuters
Bình luận