Nhu cầu toàn cầu giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu và hạ giá tôm, buộc nông dân phải cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, Dự luật sửa đổi nuôi trồng thủy sản ven biển có thể giúp loại bỏ các hạn chế, cho phép nông dân cải thiện lợi nhuận. Sản lượng tôm Ấn Độ dự kiến giảm 15-20% trong năm tài chính hiện tại do giá toàn cầu giảm mạnh và xuất khẩu chậm chạp đã khiến nông dân nuôi trồng thủy sản không muốn tăng sản lượng.
Sản lượng sụt giảm dự kiến và xuất khẩu chậm lại xảy ra vào thời điểm ngành thủy sản Ấn Độ đang kỳ vọng tăng trưởng nhanh với việc cả hai viện của Quốc hội thông qua Dự luật Cơ quan Nuôi trồng Thủy sản Ven biển (Sửa đổi) 2023 vào tháng trước. Ấn Độ, nhà sản xuất tôm nuôi trồng thủy sản lớn thứ hai sau Ecuador, có sản lượng 9.000 tấn tôm vào năm 2022. Tôm đông lạnh chiếm gần 70% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản kỷ lục 8,09 tỷ USD của nước này trong năm tài chính 2023.
Người nuôi trồng thủy sản đang giảm mật độ thả nuôi trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận. V Balasubramaniam, Tổng thư ký Liên đoàn Nông dân nuôi tôm Ấn Độ, cho biết: “Giá tôm cỡ lớn toàn cầu giảm 25 đến 30% trong khi giá tôm cỡ nhỏ giảm 15 đến 20%. Chỉ ở Andhra Pradesh nông dân nuôi tôm mới tích cực hoạt động. Ông nói: “Tình hình rất tồi tệ ở các bang sản xuất tôm khác như Gujarat, Odisha, Tamil Nadu và Tây Bengal”. Andhra Pradesh chiếm khoảng 70% sản lượng tôm nuôi trồng thủy sản của Ấn Độ.
Hoạt động thả tôm tại các trang trại ở mức vừa phải trong nửa đầu năm 2023. Nhưng với giá thấp kéo dài, nông dân đã sản xuất chậm lại trong nửa cuối năm. S Muthkaruppan, cựu Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia Nuôi trồng Thủy sản (SAP), chỉ ra: “Tiền lương, chi phí điện và thức ăn đều tăng lên và nông dân liên tục gánh chịu thua lỗ”. Ông cho rằng rằng sản lượng tôm có thể dao động từ 700.000 – 800.000 tấn vào năm 2023. “Trong tháng 8, giá tôm đã có một số cải thiện khi tăng thêm 20-40 Rs/kg tôm. Nếu xu hướng này tiếp tục thì nông dân có thể có động lực tăng sản lượng”, ông nói. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023 là 2,37 tỷ USD. Con số này thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Tình trạng dư thừa trên thị trường thế giới cùng với các vấn đề kinh tế đã làm giảm sức mua của các khách hàng lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Sản lượng tôm của Ecuador đạt khoảng 1,1 triệu tấn vào năm 2022 và vào năm 2023, nước này đang trên đà đạt sản lượng đó. Ông Muthukaruppan cho biết, không giống như ở Ấn Độ, các trang trại ở Ecuador không gặp phải vấn đề dịch bệnh nhiều vì nước này sử dụng các giống có khả năng chịu đựng được các điều kiện tại địa phương. Ngoài ra, các trang trại đều do các công ty lớn điều hành với diện tích bình quân mỗi trang trại từ 200-250 ha. Nuôi trồng thủy sản ở Ấn Độ chủ yếu là các hộ nông dân nhỏ có trang trại từ 2 ha trở lên.
Xu hướng xuất khẩu không được cải thiện trong tháng 8 và tháng 9, khi các nhà nhập khẩu chỉ mua đủ đáp ứng nhu cầu. “Các chuyến hàng đến Mỹ không có tiến triển tích cực và cạnh tranh ngày càng tăng từ Ecuador, Việt Nam và Indonesia. Thông thường, các chuyến hàng cho mùa Giáng sinh và năm mới diễn ra vào khoảng thời gian này trong năm. Người nông dân cũng đang phải đối mặt với bất ổn sản xuất vì điều này”, M Nagesh, Giám đốc Nekkanti Sea Foods Ltd. cho biết. Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản Ấn Độ với thị phần 32% về giá trị. Với hoàn cảnh hiện tại, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9,1 tỷ USD có vẻ xa vời. Ngành tôm cho rằng trong kịch bản tốt nhất, xuất khẩu tôm đạt mức tương đương năm 2022.
Theo chuyên gia tôm toàn cầu, Willem van der Pijl, sự phục hồi của giá tôm sẽ không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu mà còn phụ thuộc vào diễn biến nguồn cung vào cuối năm 2023. Ông cho biết, nếu các nhà sản xuất, đặc biệt là ở Ecuador và Ấn Độ không giảm tốc sản xuất, rất có thể mức giá thấp sẽ không cải thiện nhiều, cho phép các nhà chế biến và nhập khẩu tích trữ hàng tồn kho giá rẻ, nhưng lại gây rủi ro cho lợi nhuận của hoạt động sản xuất nguyên liệu. Trong đánh giá giữa năm về Shrimp Insights, ông Pijl cho biết mức giảm nhập khẩu vào Mỹ trong nửa cuối năm sẽ ít hơn so với 6 tháng đầu năm trong khi Trung Quốc có thể đạt kỷ lục nhập khẩu 1 triệu tấn tôm.
Trong khi đó, việc thông qua Dự luật 2023 của Cơ quan Quản lý Nuôi trồng Thủy sản Ven biển (sửa đổi) đã tạo ra một động lực to lớn cho ngành thủy sản. Ngành nuôi trồng thủy sản hoan nghênh các quy định, đặc biệt là việc dỡ bỏ hạn chế 200 mét tính từ bờ biển đối với hoạt động của các trại sản xuất giống và thành lập các trung tâm nhân giống tôm bố mẹ và trung tâm nhân giống hạt nhân, đồng thời cũng hoan nghênh dự luật rút lại hình phạt tù lên tới 3 tháng đối với các hành vi vi phạm dân sự như không đăng ký trang trại và điều khoản miễn trừ yêu cầu phải có được giấy phép trong khu vực quy định ven biển từ nhiều cơ quan. Dự luật cũng đưa các hoạt động nuôi trồng thủy sản khác như nuôi lồng, nuôi rong biển, nuôi trai ngọc trai, v.v., vào phạm vi điều chỉnh của Đạo luật.
Theo Money Control
Bình luận