Thị trường Mỹ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung tôm Ecuador, đe dọa các đối thủ xuất khẩu và nhà sản xuất nội địa
Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Ecuador trên thị trường tôm nuôi toàn cầu mang đến cơ hội tiềm năng cho các nhà nhập khẩu Mỹ nhưng tăng thêm khó khăn cho nông dân nuôi tôm và khai thác tôm tự nhiên Mỹ. Trong tháng 5/2023, nhập khẩu tôm Ecuador vào Mỹ đạt khoảng 16.000 tấn, trị giá 116 triệu USD, theo số liệu thương mại của Undercurrent News. Với kim ngạch nhập khẩu này, Ecuador vươn lên trở thành nước cung cấp tôm lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ, chỉ sau Ấn Độ - nước có kim ngạch khoảng 22.000 tấn, trị giá 185 triệu USD trong cùng tháng, và vượt xa Indonesia – nước cung cấp lớn thứ 3, chỉ ở mức 14.000 tấn, trị giá 115 triệu USD.
Sự bùng nổ của ngành tôm Ecuador, bắt đầu từ những giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, sẽ gây khó khăn cho bất cứ công ty nào muốn thay thế trong ngắn hạn, theo ông Donelson Berger, phó chủ tịch Sea Lion International, tại Margate, Florida. “Đối đầu sự nổi lên của Ecuador có thể khó khi xét tới những gì nước này đã bỏ ra để phát triển ngành tôm trong nhiều năm qua. Nhưng các nhà nhập khẩu là một nhóm linh động. Từ Thái Lan tới Việt Nam, tới Ấn Độ và nay là Ecuador. Các nhà nhập khẩu thành công cần phải liên tục tìm kiếm nguồn cung mới tiếp theo”.
Ngành tôm Ecuador cũng không thiếu các vấn đề riêng. Như báo cáo gần đây của Undercurrent News, nạn cướp bóc trong nước đã trở nên nghiêm trọng đến mức hiệp hội xuất khẩu CORDEX có trụ sở tại Guayaquil phải yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp cho sáu tỉnh - Santo Domingo, Santa Elena, Manabi, Los Rios, Guayas và El Oro. Các tỉnh này có các băng nhóm tội phạm đang “gieo rắc nỗi kinh hoàng thông qua tống tiền, đe dọa, hành hung hàng ngày và cướp bóc”, CORDEX cho hay. Các băng đảng này đã khiến 500 người thương vong từ đầu năm đến nay, ước tính thiệt hại kinh tế 4 triệu USD.
Các lợi thế của Ecuador
Ông Berger không cho rằng sự nổi lên của Ecuador là bài học có thể lặp lại ở đâu đó. “Tôi cho rằng trong 3 – 5 năm tới, nguồn cung tôm mới sẽ nổi lên từ Saudi Arabia hoặc có thể nơi nào đó tại châu Phi”, ông dự báo. “Nuôi tôm ở quy mô thương mại đang trở nên hiệu quả về năng suất và chi phí qua từng năm. 100 năm trước, nuôi gà quy mô thương mại rất đắt đỏ nhưng nay thịt gà là một trong những loại protein chi phí thấp nhất trên thị trường”.
Ngoài ra, Ecuador có thể đẩy các nhà sản xuất tại châu Á bước vào cuộc đua tăng năng suất, theo ông Jim Gulkin, CEO của hãng giao dịch tôm Thái Lan Siam Canadian Group. “Về khía cạnh cạnh tranh với nguồn cung tôm châu Á, kết quả sẽ phụ thuộc vào mức độ các nhà sản xuất Ecuador tiến vào phân khúc GTGT cao hơn và liệu họ có tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay tìm kiếm các thị trường khác”, ông nhận định. “Ecuador đang có ngành sản xuất tôm hiệu quả hơn các đối thủ tại châu Á. Ít vấn đề dịch bệnh hơn, uy tín hơn và năng suất cao hơn. Các nước châu Á sẽ phải nâng tầm sử dụng công nghệ sản xuất và sản lượng. Các nước châu Á cần giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh với Ecuador và việc này chỉ có thể hiện thực hóa thông qua tăng hiệu quả”.
Tôm Ecuador có phân khúc tôm thẻ chân trắng bền vững hơn so với các đối thủ tại Ấn Độ và Indonesia, theo công ty xếp hạng Monterey Bay Aquarium (MBA) Seafood Watch. Công ty này xếp tôm thẻ chân trắng Ecuador nuôi bán thâm canh ở mức vàng, tức “tương đối tốt”, chỉ thấp hơn 1 bậc so với mức xanh, tức là “Lựa chọn tốt nhất”. Tôm Ấn Độ xếp hàng đỏ, tức là “Nên tránh”, tương tự mức xếp hạng tôm Indonesia, cho tất cả các phương pháp nuôi, ngoại trừ hệ thống bể nuôi tuần hoàn trong nhà. “Tôm thẻ chân trắng nuôi tại Ấn Độ trong các hồ nuôi được khuyến cáo là tránh tiêu thụ. Phần lớn các khu vực nuôi đều được xây dựng tại các vùng có hệ sinh thái giá trị cao trước năm 1999 nhưng có những bằng chứng cho thấy sự thay đổi nghiêm trọng về sinh thái đã diễn ra sau đó”, theo Seafood Watch. “Ngoài ra, 80% các trại nuôi không đăng ký với chính phủ, vốn là yêu cầu bắt buộc và phần lớn trại nuôi đều không tiến hành đánh giá tác động sinh thái toàn diện. Dữ liệu sử dụng hóa chất bị thiếu và Mỹ cùng các nước khác thường xuyên từ chối các lô hàng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ do dư lượng kháng sinh trái phép”.
Các nhà sản xuất tôm Mỹ khó khăn trong cạnh tranh
Seafood Watch xếp hạng tôm nuôi Mỹ là “Best Choice” (lựa chọn tốt nhất), mà nhà sáng lập kiêm chủ tịch Sun Shrimp Robin Pearl đeo với niềm tự hào. Sun Shrimp là chi nhánh tôm tươi của nhà sản xuất tôm giống lớn của Mỹ là American Mariculture – công ty sản xuất tôm lớn nhất của Mỹ và là một nhà cung cấp tôm giống lớn cho các trang trại nuôi tôm trên 4 châu lục. “Sun Shrimp rất vinh dự nhận được nhãn hiệu “Best Choice” theo chương trình này”, ông phát biểu. “Có nhiều cách để cung cấp thực phẩm cho hành tinh này và làm một cách bền vững. Nhãn hiệu này giúp đào tạo khách hàng và thúc đẩy nhu cầu theo hướng cần thiết”.
Nhãn hiệu “Best Choice” không nên là thước đo duy nhất mà người tiêu dùng sử dụng để lựa chọn tôm, tuy nhiên ông khuyến nghị. “Có một số khiếm khuyết lớn với các hình thức chứng nhận này và trong tâm trí khách hàng, các nhãn hiệu này tự động ám chỉ chất lượng tốt hơn và lành mạnh hơn. Rất tiếc sự thật không phải như vậy. Tại Sun Shrimp, chúng tôi cạnh tranh với các nhà sản xuất “Best Choice” khác có thể đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nhưng ai cũng dùng tất cả các cách thức xử lý để bảo quản và / hoặc chế biến sản phm. Các phương thức xử lý này không mang lại lợi ích gì cho khách hàng mà được thiết kế chủ yếu để tăng trọng lượng hoặc cải thiện hình thức, hòng che giấu những vấn đề xử lý không đúng đắn”.
Ngoài chất lượng, tôm nuôi sẽ khó cạnh tranh về lượng – và do đó về giá – ông Berger nhận định. “Thay vì là một mặt hàng thị trường ngách cho thực phẩm tươi, tôm nuôi nội địa Mỹ sẽ luôn luôn gặp khó trong cạnh tranh”. Và tất nhiên ít nhất một số nhà sản xuất tôm trong nước sẽ không thu mua tôm nuôi. Ngành tôm khai thác tự nhiên, có thể chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu, đã chống chọi nhiều năm trời để sống sót trong tình trạng giá thấp do nhập khẩu ồ ạt gây ra. Mỗi cái búng tay nhỏ trong tăng nhập khẩu tôm cũng có thể khiến giá tôm trong nước sụt giảm mạnh. “Chúng tôi là các nhà sản xuất nhỏ, phục vụ thị trường ngách đối với tôm Nam Đại Tây Dương nên chỉ có thể tăng giá dần và tôi vui vì không phải là một phần của thị trường tôm thực sự đầy khốc liệt”.
Theo Undercurrent News
Bình luận