Ấn Độ vừa cho phép các nhà giao dịch giao hàng các lô gạo trắng non-basmati bị kẹt tại các cảng sau lệnh cấm đột ngột của nước này đôi với xuất khẩu phân khúc gạo này, theo quyết định của chính phủ vào ngày 29/8.
Ngày 20/7, Ấn Độ đã gây bất ngờ cho khách hàng khi cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati được tiêu thụ rộng rãi để kiểm soát giá nội địa tăng cao. Động thái này diễn ra sau lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái. Lệnh cấm xuất khẩu đã khiến hàng nghìn tấn gạo trắng non-basmati bị mắc kẹt tại các cảng, khiến thương nhân đối mặt thiệt hại lớn.
Tổng cục Ngoại thương (DGFT), một đơn vị của Bộ Thương mại, trong sắc lệnh mới nhất cho biết sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa bị mắc kẹt với điều kiện các thương nhân phải trả thuế xuất khẩu trước ngày 20/7, là thời điểm lệnh cấm được áp dụng. Trước lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati vào tháng 7, các chuyến hàng loại này ra nước ngoài sẽ bị đánh thuế 20%. Prem Garg, chủ tịch Liên đoàn các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ cho biết, sau đơn đặt hàng của DGFT, khoảng 150.000 tấn gạo trắng non-basmati sẽ được vận chuyển ra khỏi nhiều cảng khác nhau. Ông nói: “Ba tàu kẹt tại cảng Kandla và rất nhiều container nằm ở các cảng khác nhau, gây ra nhiều khó khăn cho ngành lúa gạo”.
Ấn Độ, chiếm 40% lượng xuất khẩu gạo thế giới, xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia, trong đó có một số nước nghèo và dễ bị tổn thương ở châu Phi và châu Á. Xuất khẩu gọa của Ấn Độ đạt kỷ lục 22,2 triệu tấn vào năm 2022. Sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, Ấn Độ hôm thứ Sáu đã áp thuế 20% đối với các lô hàng gạo đồ và đưa ra giá sàn cho việc bán gạo basmati ra nước ngoài nhằm kiềm chế giá cả nội địa.
Ấn Độ phân bổ hạn ngạch xuất khẩu sang Bhutan, Singapore và Mauritius
Ngày 29/8, chính phủ Ấn Độ đã quyết định phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng non-basmati sang Bhutan, Mauritius và Singapore. Cụ thể, hạn ngạch xuất khẩu 79.000 tấn gạo trắng non-basmati sẽ được cấp phép sang Bhutan, trong khi hạn ngạch xuất khẩu lần lượt là 50.000 tấn và 14.000 tấn sẽ được phân bổ cho Singapore và Mauritius. Việc hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã gây áp lực lên giá gạo toàn cầu. Ông Garg cho biết: “Việc cho phép hàng hóa bị mắc kẹt tại cảng sẽ không chỉ giúp ích cho các nhà cung cấp Ấn Độ mà còn giúp ích cho người tiêu dùng ở một số quốc gia đang gặp khó khăn nhất”. Ông cho biết hầu hết số hàng bị mắc kẹt sẽ đến các nước Đông Phi và Tây Phi.
500.000 tấn gạo xuất khẩu bị nghẽn lại sau chính sách thuế xuất khẩu mới của Ấn Độ
Ba nhà xuất khẩu hàng đầu cho biết động thái áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ của Ấn Độ đã khiến người mua và người bán hoãn các chuyến hàng khoảng 500.000 tấn đến sau giữa tháng 10 để tránh phải trả thuế. Sự chậm trễ trong việc vận chuyển gạo từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có thể làm cạn kiệt hàng tồn kho ở các nước nhập khẩu như Benin, Ghana, Côte d'Ivoire và Liberia, đồng thời đẩy giá gạo nội địa ở những nước này lên gần mức cao nhất trong nhiều năm.
Ấn Độ, quốc gia đang nỗ lực kiềm chế lạm phát trước cuộc bầu cử cấp bang vào cuối năm nay, cuối tuần trước đã mở rộng hạn chế xuất khẩu gạo với mức thuế 20% đối với gạo đồ sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15 tháng 10. “Người mua đang hoãn giao hàng vì không ai sẵn sàng trả thuế", Himanshu Agarwal, giám đốc điều hành tại Satyam Balajee cho hay.
B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo (REA), cho biết các lô hàng khoảng 500.000 tấn đã bị tạm dừng giao hàng. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã chào bán loại đồ 5% tấm vào tuần trước ở mức 450-455 USD/tấn, nhưng kể từ đó đã tăng giá lên mức kỷ lục 520 USD đến 540 USD, tương đương tăng gần 40% so với một năm trước. Rao cho biết: “Ngay cả trước khi Ấn Độ áp dụng thuế, người mua đã không thoải mái với giá tăng. Người mua từ các nước châu Phi không đủ khả năng mua ở mức giá hiện tại”.
Ông Rao cho biết, nguồn cung sẽ cải thiện sau khi thu hoạch vụ gieo trồng hè bắt đầu từ tháng 10, giúp giảm giá lúa trong nước và qua đó là giá gạo xuất khẩu. Các nước nhập khẩu có ít lựa chọn vì các nhà sản xuất lớn khác là Thái Lan, Việt Nam và Pakistan đã tăng giá trong những tuần gần đây, một đại lý có trụ sở tại New Delhi cho biết. Ông nói: “Người mua châu Phi nghĩ rằng cách tốt nhất là trì hoãn các chuyến hàng và chờ điều chỉnh giá”. Các nhà xuất khẩu cho biết người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn ở châu Á và châu Phi trước đây ưa thích loại gạo 100% tấm với giá 325 USD/tấn, nhưng Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm vào năm ngoái.
Theo Reuters
Bình luận