Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới
Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tôm lớn thứ hai thế giới, với giá trị xuất khẩu chiếm 13,14% tổng giá trị xuất khẩu tôm toàn cầu.
Thông tin này được công bố tại diễn đàn kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ tại Việt Nam, do Bộ NNPTNT tổ chức gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NNPTNT, trong 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tôm Việt Nam cho tới nay đã xuất khẩu sang khoảng 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 5 thị trường lớn là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Ngành tôm hàng năm đóng góp khoảng 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với giá trị tương đương 3,5 – 4 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu tôm năm 2022 đạt mức cao kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Diện tích nuôi tôm trung bình hàng năm của Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 là khoảng 714.000ha, với sản lượng tôm trung bình hàng năm dao động từ 745.000 – 930.000 tấn.
Tại diễn dàn, các thành viên tham dự cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn về vùng sản xuất, thời tiết thuận lợi và nguồn nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm đã áp dụng khoa học công nghệ mới, bao gồm các kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến, bảo quản với nhiều mô hình ứng dụng khoa học côn nghệ ở các mức độ khác nhau.
Liên quan tới định hướng phát triển ngành tôm nước lợ trong thời gian tới, ông Ngô Thế Anh, lãnh đạo Sở NNPTNT, chia sẻ rằng cơ quan sẽ áp dụng các kỹ thuật mới và hiện đại vào sản xuất, đa dạng hóa các phương pháp nuôi theo điều kiện thực tế khu vực và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Trong nửa cuối năm 2023, ngành tôm sẽ tập trung vào duy trì diện tích nuôi, và tăng diện tích thu hoạch bổ sung như theo kế hoạch, với sản lượng mục tiêu là 563.000 tấn.
Theo VOV
Bình luận