Ngày 20/7, Ấn Độ yêu cầu tạm ngừng phân khúc gạo xuất khẩu lớn nhất trong một động thái rất mạnh tay từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, châm ngòi cho lo ngại lạm phát tiêp tục leo thang trên các thị trường thực phẩm toàn cầu. Chính phủ Ấn Độ cho biết chính sách cấm xuất khẩu gạo trắng thường (non-basmati) đưa ra sau khi giá bán lẻ gạo tăng tới 3% trong 1 tháng khi mùa mưa đến muộn nhưng dữ dội gây nên thiệt hại lớn cho mùa màng.
Ấn Độ chiếm hơn 40% xuất khẩu gạo toàn cầu và tồn kho thấp tại các nước xuất khẩu khác nghĩa là cắt giảm xuất khẩu từ Ấn Độ có thể thổi phồng lạm phát giá thực phẩm, vốn đã là vấn đề nghiêm trọng kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022 và thời tiết bất thường. “Nhằm đảm bảo nguồn cung đầy đủ gạo trắng thường (non-basmati) trên thị trường Ấn Độ và kiểm soát bất cứ đợt tăng giá nào trên thị trường nội địa, chính phủ Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách xuất khẩu”, theo bộ trưởng Bộ thực phẩm, dẫn thông tin giá bán lẻ đã tăng 11,5% trong 12 tháng qua.
Phân khúc gạo trắng thường non-basmati và gạo tấm hiện đang bị cấm xuất khẩu, chiếm khoảng 10 triệu tấn trong tổng lượng xuất khẩu 22 triệu tấn gạo Ấn Độ trong năm 2022. Chính phủ Ấn Độ làm rõ vào chiều tối ngày 20/7 rằng gạo đồ - chiếm 7,4 triệu tấn trong kim ngạch xuất khẩu năm 2022 – không thuộc diện cấm xuất khẩu.
Động thái này cho thấy sự nhạy cảm của chính phủ thủ tướng Narendra Modi đối với lạm phát thực phẩm trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Chính phủ của ông đã gia hạn lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ sau khi hạn chế xuất khẩu gạo từ tháng 9/2022. Nước này cũng hạn chế xuất khẩu đường trong năm 2023 do sản lượng mía giảm. “Ấn Độ sẽ làm gián đoạn thị trường gạo toàn cầu, với tác động mạnh hơn nhiều so với tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine trên thị trường lúa mỳ”, theo ông B.V. Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Ấn Độ.
Gạo là thực phẩm thiết yếu của hơn 3 tỷ người và 90% sản xuất loại ngũ cốc thâm dụng nước này tập trung tại châu Á – nơi hiện tượng thời tiết El Nino thường khiến lượng mưa giảm. Giá gạo toàn cầu vốn đã ở mức cao nhất trong 11 năm. “Lệnh cấm bất ngờ lên xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ rất khốc liệt đối với người mua – những người không thể thay thế bằng nguồn cung từ nước khác”, ông Rao cho hay.
Trong khi Thái Lan và Việt Nam không có đủ tồn kho để bù đắp khoảng trống này, các nước châu Phi sẽ bị tác động mạnh nhất bởi quyết định của Ấn Độ, ông Rao cho biết thêm rằng nhiều nước sẽ kêu gọi Ấn Độ nối lại xuất khẩu. Các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ hàng đầu bao gồm Benin, Senegal, Bờ Biển Ngà, Togo, Guinea, Bangladesh và Nepal.
Thiệt hại do thời tiết
Mưa lớn tại các khu vực miền bắc Ấn Độ trong suốt những tuần qua gây thiệt hại cho những cánh đồng mới gieo sạ tại các bang Punjab và Haryana, và nhiều nông dân sẽ phải gieo lại. Các cánh đồng lúa tại các bang miền bắc đã ngập nước trong hơn 1 tuần, làm hỏng hạt giống mới sạ và buộc nông dân phải chờ nước rút để gieo sạ lại. Tại các bang trồng lúa lớn khác, nông dân đã chuẩn bị đất nhưng không thể gieo sạ do thiếu mưa. Diện tích trồng lúa tại Ấn Độ từng được dự báo tăng sau khi chính phủ nước này tăng giá thu mua nhưng cho tới nay diện tích trồng lúa đang giảm 6% so với năm 2022.
Tuần này, giá gạo xuất khẩu từ Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan – tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ do lo ngại nguồn cung bị El Nino tác động. Giá gạo trắng 5% tấm Việt Nam chào bán ở mức 515 – 525 USD/tấn, là mức cao nhất kể từ năm 2011. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ cũng đang ở mức cao nhất trong 5 năm là 421 – 428 USD/tấn.
Các nước nhập khẩu có thể chuyển sang Thái Lan và Việt Nam nhưng giá gạo 5% tấm từ hai nước này có thể lên tới 600 USD/tấn. Trung Quốc và Philippines – các nước thường nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan, sẽ buộc phải trả mức giá cao hơn rất nhiều, theo một thương nhân châu Âu.
Theo Reuters
Bình luận