Ngày 13/2, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) công bố Văn bản số 1, cung cấp hướng dẫn tổng quát về phân bổ nguồn lực và các mục tiêu phát triển trong ngành nông nghiệp Trung Quốc. An ninh lương thực vẫn là trọng tâm hàng đầu với ưu tiên tăng cường sản xuất ngũ cốc và các loại hạt có dầu cùng hàng loạt chính sách khác nhau để hỗ trợ thu nhập nông dân và cải thiện đời sống nông thôn Trung Quốc. Để duy trì bản chất lịch sử của văn bản, một phần quan trọng của văn bản được dành cho giải quyết các mối lo ngại tại nông thôn bao gồm giảm nghèo, quyền tài sản, quản lý, cũng như phát triển công nghiệp liên quan tới nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo dưới đây là tóm tắt và bản dịch không chính thức của Văn bản số 1 năm 2023.
Văn bản số 1 được các nhà chức trách Trung Quốc ban hành trong 20 năm liên tiếp. Tương tự như bản năm 2022, an ninh lương thực tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, mặc dù phiên bản 2023 còn nhấn mạnh thêm về tăng sản xuất, phát triển giống và cơ sở hạ tầng. Cụ thể, văn bản năm 2023 ưu tiên duy trì sản lượng ngũ cốc toàn quốc trên 650 triệu tấn, tăng năng suất ngô, mở rộng diện tích đậu tương, giảm sử dụng bột đậu tương, thâm canh sản xuất nuôi trồng thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản nước ngọt; triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ nông dân và thu nhập. Văn bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định và giám sát các kho dự trữ ngũ cốc chính phủ, đa dạng hóa đối tác thương mại quốc tế, phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến bảo tồn nguồn đất và nước, ngăn chặn dịch bệnh chăn nuôi và thảm họa, đổi mới công nghệ, bao gồm công nghệ sinh học, cải thiện giống và máy móc nông nghiệp, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh.
Thông tin chung về Văn bản số 1
An ninh lương thực và nguồn cung nông sản chính
Đạt được an ninh lương thực thông qua tăng sản xuất nông sản chính vẫn là trọng tâm chính của Văn bản số 1 năm 2023. Văn bản này duy trì các mục tiêu đạt sản lượng ngũ cốc hàng năm trên 650 triệu tấn và ổn định diện tích trồng ngũ cốc ở mức 118 triệu ha. Trọng tâm mới được bổ sung vào là tăng năng suất ngũ cốc, đặc biệt là ngô, với việc văn bản nhấn mạnh “dự án cải thiện năng suất ngô sẽ được triển khai”. Văn bản này không cung cấp chi tiết về dự án, mặc dù các nguồn tin trong ngành cho rằng việc trồng ngô biến đổi gene (GE) ở quy mô thương mại sẽ đóng vai trò quan trọng trong mang lại năng suất ngô cao hơn. Văn bản này cho thấy sự cần thiết phải xây dựng đa dạng các chính sách hỗ trợ nông dân, bao gồm chính sách giá sàn thu mua đối với lúa mỳ và ngô, các chính sách khuyến khích các khu vực sản xuất ngũ cốc lớn, các dự án cung cấp bảo hiểm chi phí sản xuất toàn phàn và bảo hiểm thu nhập cho những người sản xuất gạo, lúa mỳ và ngô. Đáng chú ý, văn bản quy định chính phủ “sẽ xúc tiến việc ra đời luật bảo đảm an ninh lương thực” nhưng chưa có thông tin chi tiết được công bố. Văn bản tái cam kết việc mở rộng sản xuất đậu tương, đồng thời nhấn mạnh thêm việc tăng sản xuất các loại hạt có dầu khác. Đối với đậu tương, trọng tâm là hỗ trợ luân canh các loại ngũ cốc và đậu tương tại các tỉnh miền bắc và đông bắc, đồng thời mở rộng phát triển trồng đậu tương tại các vùng đất phèn mặn, tăng trợ cấp và triển khai thử nghiệm dự án bảo hiểm thu nhập trồng trọt và bảo hiểm chi phí toàn phần cho nông dân. Một điểm quan trọng đối với thương mại đậu tương là văn bản đặt mục tiêu giảm sử dụng bột đậu tương trong TACN, dẫn ra sự cần thiết phải “triển khai sâu rộng việc giảm sử dụng bột đậu tương trong TACN và có các lựa chọn thay thế”. Chính phủ cũng hỗ trợ sản xuất các loại hạt có dầu khác, bao gồm luân canh hạt cải với gạo, trồng bổ sung hạt cải vào các tháng mùa đông, phát triển và nâng cấp các loại trà tại miền nam Trung Quốc. Văn bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “củng cố năng lực phản ứng khẩn cấp của nguồn cung ngũ cốc” và “tăng cường giám sát các kho dự trữ cũng như lĩnh vực thu mua – kinh doanh”, cho thấy chính phủ nước này sẽ tiếp tục duy trì dự trữ một lượng lớn ngũ cốc (phần lớn là ngô và đậu tương) trong hệ thống dự trữ quốc gia và mở rộng sang dự trữ các thực phẩm quan trọng khác như thịt lợn. Trọng tâm giám sát được đề ra sau một loạt các vụ việc tham nhũng ở cấp cao, liên quan tới một số nhà chức trách chịu trách nhiệm quản lý các kho dự trữ quốc gia.
Đa dạng hóa thương mại và thương mại nông sản – một phần trong giải pháp an ninh lương thực của Trung Quốc
Đảm bảo đa dạng nguồn cung thực phẩm, bao gồm sản xuất chăn nuôi, trồng trọt và vi sinh vật hữu cơ nội địa cũng như các nguồn cung nươc sngoafi, đảm bảo dự trữ quốc gia các nông sản chính cũng được ưu tiên. Một loạt các nguồn thực phẩm nội địa bổ sung có tiềm năng cũng được liệt kê, bao gồm nuôi trồng thủy sản biển và nước ngọt, tảo và các ngành nấm ăn được, cải thienejt hực hành chăn nuôi đồng cỏ. Văn bản công nhận “vai trò của thương mại nông sản”, trước khi đi tới kết luận về sự cần thiết phải “triển khai chiến lược đa dạng hóa nhập khẩu nông sản theo chiều sâu”. Trọng tâm sau cuối đề ra sau xu hướng gần đây khi Trung Quốc tìm nguồn cung sản phẩm và tận dụng các cơ hội hỗ trợ sự phụ thuộc lẫn nhau với nhiều đối tác thương mại, bao các nước châu Phi, Nga và các thành viên Mercosur nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ và những đối tác khác.
Phát triển giống và đổi mới công nghệ
Đây là năm thứ 3 mà Văn bản số 1 kêu gọi sự phát triển ngành giống cây trồng. Sau khi ban bố Kế hoạch hành động để khôi phục ngành giống cây trồng trong năm 2021 và 2022, triển khai Luật Giống sửa đổi, văn bản nhấn mạnh chính phủ hỗ trợ nhân giống các giống cây trồng mới, bao gồm các loại đậu tương năng suất cao – nhiều dầu, hạt cải có thời gian sinh trưởng ngắn và các cây trồng kháng mặn. Là một phần kế hoạch phát triển này, các nguồn tin cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tăng hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, nhân lực và nghiên cứu hợp tác. Công nghệ sinh học nông nghiệp, bao gồm ngô và đậu tương biến đổi gene, một lần nữa được nhấn mạnh là lĩnh vực phát triển chính. Văn bản nhấn mạnh các kế hoạch “đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa ngành giống ngô và đậu tương sinh học”, kêu gọi “phát triển có trật tự các vùng thử nghiệm”. Mặc dù Trung Quốc đang dịch chuyển một cách chắc chắn theo hướng trồng thương phẩm toàn diện ngô và đậu tương biến đổi gene, việc đề cập tới “các vùng thử nghiệm” ám chỉ việc Bộ Nông nghiệp nước này tiếp tục đi theo hướng này một cách thận trọng. Các nguồn tin cho hay trước đó ngô biến đổi gene được kỳ vọng được trồng thương phẩm hoàn toàn vào năm 2023. Tuy nhiên, sau khi Văn bản số 1 được công bố, một số kênh truyền thông cho rằng bất chấp việc chấp nhận đăng ký hàng loạt các giống ngô và đậu tương biến đổi gene, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc có thể chỉ phê duyệt diện tích trồng thử nghiệm mở rộng tổng cộng 267.000ha trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với ước tính 500.000ha trước đó.
Cơ sở hạ tầng và giảm nhẹ thiên tai
Văn bản tái khẳng định tầm quan trọng của thi hành kiểm soát nghiêm ngặt sử dụng đất trồng trọt chống lại các mục đích phi nông nghiệp và sự cần thiết tạo ra “nguồn đất nông nghiệp chất lượng cao (1)”, thông qua tập trung vào cải thiện đất, thủy lợi và cơ sở hạ tầng thoát nước. Các cơ quan chính phủ đang soạn thảo kế hoạch triển khai chuyển đổi dần đất nông nghiệp cơ bản, hiện khoảng 110,3 triệu ha, thành đất nông nghiệp chất lượng cao. Văn bản cũng đặt nhấn mạnh đặc biệt vào xây dựng hệ thống thủy lợi, bao gồm các hồ chứa quy mô nhỏ và vừa, tăng cường năng lực cơ sở hạ tầng cho ngăn chặn và giảm nhẹ thiên tai, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm đối với hạn hán, lũ lụt và bùng phát dịch bệnh. Trong những năm gần đây, Trung Quốc gánh chịu các đợt bùng phát dịch tả lợn gây thiệt hại nghiêm trọng cho quy mô chăn nuôi lợn, lũ lụt lớn tại miền trung Trung Quốc khiến chậm tiến độ xuống giống vụ lúa mỳ mùa đông, và các đợt hạn hán, nắng nóng khắc nghiệt trên khắp miền nam Trung Quốc, tác động tới sản xuất lúa gạo vụ muộn, lạc và hàng loạt cây trồng khác, đặc biệt là cây lâu năm,
(1)Đất nông nghiệp chất lượng cao được định nghĩa là đất nông nghiệp bằng phẳng, tập trung, liền kề, có hệ thống thủy lợi và thoát nước có đủ công suất tươi tiêu ngay cả trong điều kiện hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng nhất. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đặt mục tiêu chuyển đổi 3 triệu ha đất nông nghiệp thường thành đất nông nghiệp chất lượng cao và cải tạo 2,3 triệu ha đất nông nghiệp chất lượng cao hiện có trong năm 2023.
Phát triển nông nghiệp xanh
Trong phần thúc đẩy “phát triển nông nghiệp xanh”, văn bản đề cập tới một số lĩnh vực đã được nhắc tới từ lâu trong các kế hoạch phát triển xanh khác của nước này, như các chính sách mở rộng về “đẩy nhanh xúc tiến và ứng dụng công nghệ nhằm giảm đầu vào nông nghiệp và cải thiện hiệu quả” và tiếp tục các chính sách cụ thể như thi hành chính sách cấm khai thác trên sông Dương Tử kéo dài 10 năm. Trong một dấu hiệu về các chính sách trong thời gian tới, văn bản đề cập tới sự cần thiết “thiết lập một hệ thống giám sát bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp” và “ban hành các quy định đền bù cho bảo vệ sinh thái”. Trung Quốc hiện không có chính sách quốc gia để đền bù cho nông dân sản xuất bền vững hoặc thân thiện môi trường.
Hồi sinh nông thôn
Để duy trì thông điệp thống nhất của văn bản từ xưa tới nay, một nội dung đáng kể là giải quyết các vấn đề nông thôn. Mục 4.9 của văn bản cung cấp một danh sách các dự án và sáng kiến để hướng dẫn các nhà chức trách về chính sách phát triển nhằm tăng dân số nông thôn. Các lĩnh vực chính bao gồm giảm nghèo và giảm nghèo bền vững, các quyền tài sản, cải thiện quản trị địa phương, phát triển các ngành công nghiệp liên quan tới nông nghiệp
Mục lục Văn bản số 1
1. Đảm bảo ổn định sản xuất và nguồn cung ngũ cốc, nông sản chính
1.1 Cải thiện sản xuất ngũ cốc
1.2 Trồng đậu tương và hạt có dầu
1.3 Trang thiết bị nông nghiệp hiện đại
1.4 Hệ thống nguồn cung thực phẩm đa dạng
1.5 Quy định về ngũ cốc và nông sản quan trọng
2. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp
2.1 Bảo vệ và giám sát sử dụng đất nông nghiệp
2.2 Xây dựng cơ sở hạ tầng bảo tồn nguồn nước
2.4 Xây dựng năng lực ngăn chặn và giảm nhẹ dịch bệnh nông nghiệp
3. Tăng cường hỗ trợ trang thiế bị và công nghệ nông nghiệp
3.1 Đột phá công nghệ nông nghiệp chính
3.2 Triển khai hồi sinh ngành giống
3.3 Phát triển và thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp hiện đại
3.4 Phát triển nông nghiệp xanh
4. Củng cố và nhân rộng thành tựu xóa đói giảm nghèo
4.1 Nắm giữ điểm mấu chốt trong việc ngăn chặn tái nghèo quy mô lớn
4.2 Phát triển động lực thoát nghèo tại các vùng nghèo và người nghèo
4.3 Chính sách hỗ trợ nông thôn
5. Xúc tiến phát triển các ngành nghề nông thôn chất lượng cao
5.1 Phát triển chế biến và logistics nông sản
5.2 Phát triển ngành dịch vụ nông nghiệp hiện đại
5.3 Định dạng kinh tế và ngành nghề mới tại các khu vực nông thôn
5.4 Tăng cường các ngành công nghiệp làm giàu cho người dân trong vùng
6. Mở rộng các kênh làm giàu cho nông dân
6.1 Thúc đẩy việc làm và tăng lương cho nông dân
6.2 Thúc đẩy hiệu quả kinh doanh nông nghiệp
6.3 Trao quyền cho nông dân với nhiều quyền và lợi ích từ tài sản hơn
7. Thúc đẩy xây dựng nông thôn đáng sống, thân thiện với doanh nghiệp và hài hòa
7.1 Quy hoạch và xây dựng làng quê
7.2 Cải thiện môi trường sống nông thôn
7.3 Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn
7.4 Cải thiện năng lực cung cấp dịch vụ công cơ bản
8. Cải thiện hệ thống quản trị nông thôn do Đảng lãnh đạo
8.1 Các chức năng chính trị và tổ chức của các tổ chức đảng cấp nông thôn
8.2 Hiệu quả quản trị nông thôn
8.3 Xây dựng cộng đồng dân cư văn hóa – có đạo đức tại các khu vực nông thôn
9. Tăng cường đảm bảo chính sách và đổi mới cơ chế thể chế
9.1 Thiết lập cơ chế đầu tư đa chiều, lành mạnh để hồi sinh nông thôn
9.2 Xây dựng những tài năng tại nông thôn
9.3 Phát triển kết hợp nông thôn – thành thị tại các thôn ấp
Phần tiếp theo là bản dịch không chính thức Văn bản số 1 năm 2023 của Trung Quốc
Theo FAS USDA
Bình luận