Định vị thương hiệu cho nông sản Việt Nam giúp tăng lợi nhuận
Mận Ruby mất 1 năm để xây dựng thương hiệu, giúp đẩy giá và doanh số lập tức tăng vọt, tương đương với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Mỹ và Úc. Nông dân tại tỉnh Sơn La trồng loại mận này có thu nhập tăng tới 5 lần trong năm đầu tiên. Trong năm thứ 2, giá mận Ruby chạm mức cao kỷ lục 150.000 – 250.000 đồng/kg, trở thành một loại trái cây đắt đỏ tại Việt Nam.
Trường hợp này cho thấy tính hiệu quả của định vị thương hiệu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, số nông sản có thương hiệu hiện vẫn ở mức khiêm tốn. Việt Nam nổi tiếng là nước xuất khẩu nông sản lớn. Giá trị xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng ổn định qua hàng năm và đã lập nhiều kỷ lục.
Năm 2012, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 27,54 tỷ USD nhưng con số này tăng vọt lên 30,87 tỷ USD trong năm 2014 và 40 tỷ USD trong năm 2018, đưa Việt Nam vào top 15 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2021, bất chấp sự bùng phát COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam vẫn thu về 48,6 tỷ USD từ nông sản. Năm 2022, đại dịch vẫn chưa chấm dứt, lạm phát lan rộng trên toàn cầu và cuộc chiến Nga – Ukraine tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ NNPTNT tự tin rằng giá trị xuất khẩu nông sản sẽ đạt 55 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2012 và vượt qua mục tiêu mà chính phủ đề ra cho ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp hiện vẫn là một trong những trụ cột chính của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu nông sản thô hoặc nông sản sơ chế nên lượng xuất khảu thì cao nhưng giá và giá trị xuất khẩu lại thấp. Ví dụ, Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu chè lớn thứ 5 thế giới. Tại Đài Loan, chè Việt Nam chiếm 56% tổng lượng chè nhập khẩu năm 2021. Tuy nhiên cùng loại chè xanh xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản và Sri Lanka đạt giá xuất khẩu lần lượt là 10.173 USD/tấn và 6.323 USD/tấn; trong khi Việt Nam chỉ đạt 1.721 USD/tấn. Giá chè Nhật Bản và Sri Lanka lần lượt cao hơn giá chè Việt Nam 5,9 và 3,67 lần.
Tại Mỹ, thị trường này có giá trị nhập khẩu cà phê lên tới 4,68 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022 với giá nhập khẩu trung bình 5.615 USD/tấn. Việt Nam là một trong những nước cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường Mỹ với giá trung bình thấp nhât,s chỉ 2.367 USD/tấn, so với mức giá trung bình 4.124 USD/tấn của cà phê Brazil, 6.115 USD/tấn của cà phê Colombia, 6.000 USD/tấn và 5.671 USD/tấn lần lượt từ Guatemala và Honduras, cùng với mức trung bình 7.333 USD/tấn từ các nước cung cấp khác.
Các chuyên gia cho rằng một nước có nhiều doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mạnh có nền tảng quan trọng để gây dựng thương hiệu quốc gia. Khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế thì sẽ tạo nên một đảm bảo về chất lượng và uy tín của sản phẩm, qua đó cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong các hoạt động xuất khẩu. Năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam thắng giải Gạo ngon nhất thế giới trong Hội nghị Gạo Thế giới tổ chức tại Philippines. Loại gạo này gần đây đã vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật để thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản. Gạo Việt Nam cũng đã thâm nhập thành công 4.000 siêu thị tại Pháp.
Hiện Việt Nam nổi tiếng với các nông sản như gạo, cà phê, các sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, cao su,… Nông sản Việt Nam hiện diện tại 180 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm xuất khẩu không có thương hiệu và một số thậm chí xuất khẩu theo tên thương hiệu của các nước khác.
Nhiệm vụ cấp bách
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam đang tăng: xây dựng thương hiệu nay càng quan trọng hơn và cần xây dựng chiến lược thương hiệu toàn diện. Trong một báo cáo lên Quốc hội, Bộ NNPTNT cho biết cơ quan này đã soạn thảo và triển khai các dự án xây dựng thương heieuj cho từng dòng sản phẩm. Ví dụ, theo thương hiệu gạo quốc gia, thương hiệu GẠO VIỆT NAM / VIETNAM RICE được bảo hộ tại 21 nước và vùng lãnh thổ. Bộ NNPTNT đang triển khai xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam, bao gồm tôm, cá tra và cá ngừ Việt Nam. Ngoài ra, cơ quan này cũng dành nguồn lực cho xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam chất lượng cao, thương hiệu gỗ Việt Nam và các thương hiệu khác.
Ông Lê Văn Nghị, phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết nay là thời đại của các thương hiệu. Nếu có thương hiệu, giá trị nông sản có thể tăng 10 – 20 lần. Bà Nguyễn Ngọc Huyền, CEO của Mia Group, chủ sở hữu thương hiệu mận Ruby, cho biết xây dựng một thương hiệu có thể giúp tăng giá trị, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Từ đó có thể định vị thương hiệu trên thị trường thế giới, giúp thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về nông sản Việt Nam. Nhưng để xây dựng thương hiệu thì phải quay trở lại quy trình sản xuất. Nông dân cần hợp tác với các doanh nghiệp để chuẩn hóa các kỹ thuật canh tác và với các cơ quan chức năng để thực hiện truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, đồng thời cần xây dựng các khu vực sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng đồng nhất. Việt Nam nên học hỏi Nhật Bản về khía cạnh này, bà nhấn mạnh. Việc này cần thực hiện trên quy mô toàn quốc. Để tạo ra giá trị bền vững, các thương hiệu nông sản cần được gắn với các chỉ dẫn địa lý đậm hình ảnh quốc gia và địa phương, qua đó tạo ra sự khác biệt và củng cố giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Theo VNS
Bình luận