Niên vụ 2017/18, điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn cung nước đầy đủ và cơ sở hạ tầng thủy lợi được cải thiện giúp diện tích trồng lúa của Campuchia tăng. USDA Post ước tính diện tích thu hoạch lúa và sản lượng lúa sẽ tăng 4% so với niên vụ 2016/1 lên 3,21 triệu ha và 8,95 triệu tấn. Trong niên vụ 2018/19, USDA Post dự báo nông dân sẽ tiếp tục mở rộng diện tích canh tác với tốc độ 2%, lên 3,29 triệu ha và sản lượng 9,22 triệu tấn do cả giá lúa và kim ngạch xuất khẩu đều tăng cùng với nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu tăng.
Vụ mùa tại Campuchia hiện đang được thu hoạch và sẽ hoàn thành trong tháng 5. Đến giữa tháng 3/2018, 69% diện tích lúa mùa (381.000/tổng 550.000ha) đã được thu hoạch, là tiến độ thông thường.
Thương mại
Trong 3 năm qua, nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống như Pháp, Ba Lan, Malaysia, Anh và Hà Lan đã đạt mức độ bão hòa hoặc suy yếu. Năm 2016/17, hưởng lợi từ cơ chế miễn thuế ưu đãi theo thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí (EBA), Campuchia đã xuất hẩu 276.805 tấn gạo sang EU, chiếm 43,54% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Campuchia.
Tuy nhiên, vụ kiện gần đây của Ý lên Ủy ban châu Âu hồi cuối năm 2017 được cho là sẽ làm giảm xuất khẩu gạo của Campuchia sang thị trường quan trọng này. Ý cáo buộc rằng Campuchia và Myanmar gây thiệt hại cho ngành lúa gạo của nước này và kêu gọi EU triển khai các biện pháp bảo vệ. Truyền thông Campuchia cho biết EU đã khởi động điều tra theo Cơ chế phổ cập ưu đãi (MSP) vào ngày 16/3/2018.
Sản xuất lúa gạo Campuchia niên vụ 2016/17 và 2017/18 đều tăng mạnh và các thị trường mới nổi đang hấp thụ lượng thặng dư. Tháng 5/2017, Trung Quốc đồng ý nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo Campuchia từ 200.000 tấn lên 300.000 tấn từ năm 2018. Từ năm 2014 – 2017, Trung Quốc, dẫn đầu là COFCO, đã nhập khẩu gần 400.000 tấn gạo thơm Phka Malis và Sen Kra Ob, gạo trắng và gạo tấm. Theo COFCO, tỷ trọng gạo thơm xuất khẩu từ Campuchia sang Trung Quốc đã tăng từ 47% lên 76% trong 4 năm vừa qua. Hiện, Campuchia chỉ chiếm khoảng 2 – 4% thị phần nhập khẩu gạo của Trung Quốc, cho thấy nước này vẫn còn tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu gạo thơm Campuchia sang Trung Quốc.
Campuchia cũng đã ký một thỏa thuận mới với Bangladesh, giúp thúc đẩy xuất khẩu gạo Campuchia năm 2017 và 2018. Tháng 8/2017, Bangladesh đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Campuchia để mua 1 triệu tấn gạo trắng và gạo đồ trong 5 năm tiếp theo. Campuchia kỳ vọng xuất khẩu 200.000 tấn gạo trắng và 50.000 tấn gạo đồ sang Bangladesh trong năm 2017; tuy nhiên, đến hết năm 2017, Campuchia chỉ xuất khẩu được 31.470 tấn. Thông tin truyền thông cho biết hai nước không thể chốt các điều khoản giao dịch và Bangladesh đã hủy đơn hàng, cho biết nguyên nhân là do lỗi giao hàng trễ trong năm 2017.
Tháng 10/2017, truyền thông Campuchia cho biết một công ty địa phương đã ký MoU với một công ty UAE để cung ứng 50.000 tấn gạo. Đây là một bước tiến quan trọng bởi Campuchia trước đây chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ gạo sang UAE vốn là thị trường ưa chuộng gạo basmati.
Nhờ các diễn biến trên, xuất khẩu gạo ghi nhận chính thức của Campuchia trong năm 2016/17 tăng 17% lên 635.679 tấn. Năm 2017/19, USDA Post ước tính xuất khẩu gạo của Campuchia sẽ đạt 686.000 tấn và sẽ tăng tiếp 8% trong năm 2018/19 lên 741.00 tấn. Trong năm tài khóa 2016/17, USDA Post ước tính xuất khẩu gạo biên mậu sang Thái Lan và Việt Nam đạt xấp xỉ 600.000 tấn, xét đến sản lượng nội địa tăng.
Tỷ trọng xuất khẩu gạo jasmine và gạo thơm, đặc biệt là gạo jasmine chất lượng cao, tăng ổn định, từ 49% năm 2013 lên 62% năm 2017. Đồng thời, xuất khẩu gạo trắng giảm nhanh tỷ trọng từ 51% năm 2013 xuống còn 25% năm 2017.
Chính sách
Tháng 1/2018, Campuchia tuyên bố thương hiệu gạo “Malys Angkor” là chỉ dấu chứng nhận cho các loại gạo thơm chất lượng cao, bao gồm Phka Rumdual, Phka Romeat, Phka Romdeng, và Somaly. Các loại gạo này là các loại gạo thơm quang cảm, trồng vào mùa mưa. Gạo chứng nhận này phải đạt các yêu cầu cụ thể, với mức độ thuần nhất tối thiểu 92%, hạt vàng tối đa 0,1% và hạt phấn tối đa 3%. Campuchia kỳ vọng thương hiệu này sẽ thúc đẩy xuất khẩu gạo thơm chất lượng cao trên các thị trường quốc tế, khi nước này vốn đã có uy tín lớn trong ngành gạo. Bộ Thương mại giám sát dọc chuỗi giá trị để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng trước khi cấp chứng nhận. Đồng thời, chính phủ Campuchia thông báo sẽ giảm phí xuất khẩu gạo từ 1 USD/tấn xuống 0,5 USD/tấn từ năm 2018.
Trong năm 2017, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đã yêu cầu chính phủ hỗ trợ tăng xuất khẩu. Để tăng cường năng lực xuất khẩu và khai phá các thị trường mới, chính phủ Campuchia đã phân bổ 30 triệu USD để triển khai một chương trình cho vay đối với các nhà xay xát gạo xây dựng các silo và nhà kho tại các tỉnh sản xuất gạo lớn Battambang, Kampong Thom, Prey Veng, và Takeo với mức lãi suất hàng năm 5%. Tháng 4/2017, 15 triệu USD đầu tiên đã được phân bổ cho Thaneakea Srov (Kampuchea) để xây dựng nhà máy sấy và kho bãi quy mô lớn đầu tiên tại Battambang. Một số công ty khác nhận được khoản vay nhỏ hơn. Chính phủ yêu cầu tất cả những doanh nghiệp nhận được khoản vay phải hoàn thành xây dựng và mở cửa hoạt động từ đầu năm 2018 để tăng cường năng lực dự trữ cho vụ thu hoạch tới, dự báo sẽ là vụ sản xuất bội thu. Truyền thông Campuchia dẫn lời một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Phát triển Nông thôn rằng các nhà máy sấy và dự trữ mới sẽ bảo vệ ngành gạo Campuchia, đặc biệt là nông dân, khỏi cuộc khủng hoảng giá liên tiếp từ năm 2016, khi nhu cầu giảm thấp và nông dân phải bán lúa dưới giá thành. Với các nhà máy mới, các nhà chế biến và thương nhân có thể dự trữ gạo quanh năm, hạn chế biến động giá.
Năm 2017, chính phủ Campuchia đã phê chuẩn gói hỗ trợ thứ hai trị giá 23 triệu USD ngoài gói 27 triệu USD hiện tai, dành cho các khoản vay khẩn cấp cho ngành gạo với mức lãi suất thấp hơn từ 8% xuôgns còn 5%. Các khoản vốn này nhằm giúp các nhà xay xát thu mua lúa trong vụ thu hoạch, qua đó ổn định giá gạo do các nhà chế biến không có đủ vốn hoạt động và không đủ năng lực kho bãi dự trữ. Các thách thức này khiến các nhà chế biến khó mở rộng hoạt động.
Theo USDA
Bình luận