Cùng với tình trạng thiếu container dai dẳng, giá nguyên liệu thô tăng và đại dịch tiếp tục gây ra hàng loạt vấn đề cho các nhà xuất khẩu sản phẩm từ gỗ, càng nhấn mạnh sự cần thiết của các giải pháp kịp thời và một chuỗi cung ứng bền vững hơn. Thị trường gỗ ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh hơn dự báo trong những tháng cuối năm 2021, với giá trị xuất khẩu cả năm đạt 14,3 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2020, theo ước tính của Bộ Công thương. Tuy nhiên, biến chủng Omicron vẫn gây ra nhiều vấn đề cho chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy ngành gỗ Việt Nam vào những thách thức mới cần giải quyết trong năm 2022.
Xuất khẩu nội thất của tỉnh miền trung Bình Định tăng hơn 20% trong năm 2021 so với năm 2020, bao gồm các ước tính cho tháng 12/2021. Tuy nhiên, các con số ước tính dựa trên giả định có đủ container cho xuất khẩu. Ông Lê Minh Thiện, giám đốc công ty TNHH Hoàng Hùng, cho biết: “Tình hình vẫn khá cam go, giá cao, thiếu container ngày càng trầm trọng”. Giá thuê container xuất khẩu sang thị trường Mỹ tiếp tục tăng mạnh kể từ tháng 11, với chi phí mỗi container lên tới 20.000 USD, trong khi giá một container các sản phẩm gỗ chỉ khoảng 15.000 USD. “Nếu giá trị hàng hóa vẫn thấp hơn giá trị thuê 1 container, chúng tôi không thể nào giao hàng đúng hạn và sẽ bị loại ra khỏi vòng cạnh tranh”, ông Thiện cho hay. “Một số khách hàng đã nới rộng thời gian giao hàng dự kiến nhưng điều này lại đang đẩy tăng hàng tồn kho với các đơn hàng chờ được xuất khẩu”, ông cho biết thêm.
Dữ liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho thấy tồn kho trong quý 4 tăng tới 150% so với cùng kỳ năm 2020 và gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng dự báo tăng trong năm 2022.
Các doanh nghiệp đối phó rủi ro
Thông thường, các doanh nghiệp chế biến gỗ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vào thời điểm này hàng năm cho mùa sản xuất tới, nhưng ông Võ Quang Hà, giám đốc CTCP Tavico tại tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh rằng nhiều doanh nghiệp “đang lo lắng về việc bán sản phẩm” trước tháng 4. “Nhiều người đơn giản là không thể mua đủ nguyên vật liệu cần thiết cho mùa sản xuất tới”, ông Hà cho hay. Giá nguyên liệu thô có xu hướng tăng, cộng với giá container cao, nên kéo theo giá nguyên liệu thô nhập khẩu càng cao thêm. “Giá gỗ tròn tăng thêm 20 USD/m3, và giá gỗ xẻ cũng tăng thêm 40 – 50 USD/m3 so với năm 2021, nhưng giá bán lại không tăng nhiều”, ông Hà cho hay.
Các nhà cung cấp lớn hơn tại Việt Nam, như Tavico, giảm nhập khẩu nguyên liệu thô tới khoảng 50%. Các nhà giao dịch khác cũng tạm thời ngừng nhập khẩu gỗ do lo ngại giá sản phẩm cao sẽ làm suy yếu khả năng bán hàng và thu lợi nhuận. Ngoài ra, chi phí kho bãi tại các cảng cũng tăng, càng thêm lý do cho các nhà cung cấp tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu thô. Ví dụ, chi phí lưu kho tại cảng Quy Nhơn đã tăng hơn 10 lần so với năm ngoái.
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ là Forest Trends công bố dữ liệu cho thấy nhập khẩu nguyên liệu gỗ vào Việt Nam giảm trong 15 ngày đầu tháng 9/2021 với giá trị nhập khẩu chỉ đạt 105 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ tháng 8 trước đó. Việt Nam thường là một trong những trung tâm chế biến gỗ lớn tại châu Á và nhập khẩu trung bình lên tới 6 triệu m3 gỗ nguyên liệu hàng năm.
Forest Trends dự báo giá nguyên liệu thô sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, khi nguồn cung gỗ từ châu Âu và Mỹ tiếp tục giảm – phần nào do đại dịch – phần nào do các thị trường này tăng sử dụng cho tiêu dùng nội địa. Các yếu tố này đồng loạt đẩy giá gỗ nguyên liệu từ châu Âu và Mỹ tăng.
Hành động hướng tới bền vững
Chênh lệch cung – cầu đối với gỗ nguyên liệu đang tăng lên, và nguồn cung toàn cầu đang tăng chậm hơn sản xuất và nhu cầu đối với nội thất. Ông Trần Thiện, giám đốc công ty TNHH Thanh Hoa, cho biết gỗ tròn nhập khẩu có thể giải quyết tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô cho sản xuất nội địa và bình ổn giá. Các cảng tại Quy Nhơn và Quảng Ngãi đều phù hợp để nhập khẩu gỗ tròn bằng các tàu gỗ lớn. “Chúng tôi có nhiều đàm phán với các đối tác nước ngoài nhưng vẫn chưa thể đạt bất cứ thỏa thuận nào”, ông cho biết.
Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn thứ 5 thế giới, nhưng vẫn có có những cảng chuyên cho nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Theo ông Thiện, Bình Thuận và ĐBSCL đều phù hợp cho các cảng chuyên nhập khẩu gỗ nguyên liệu nhưng chính quyền các địa phương và các cơ quan quản lý trung ương vẫn chưa quan tâm tới vấn đề này. Ngoài các yêu cầu về mặt kỹ thuật, một dự án như vậy cần các khoản vốn đầu tư lớn và diện tích đủ để xử lý tới 700.000m3 gỗ trong bất cứ thời điểm nào.
Cước vận chuyển cao và thiếu container rỗng cũng có thể tiếp tục gây khó khăn cho thị trường này trong năm 2022. Ông Todd Wanek, giám đốc điều hành Ashley Furniture Industries Inc., trong hội thảo trực tuyến Home Furnishings Association hồi mùa hè năm 2021, dự báo giá thuê container rỗng sẽ không giảm cho tới năm 2023. Ashley Furniture là mộtt rong những nhà sản xuất và phân phối nội thất lớn nhất thế giới và có 4 nhà máy tại Việt Nam, hiện cũng đang gánh chịu thiệt hại do chi phí container tăng. “Chi phí vận chuyển tăng vượt khả năng chịu đựng của nhiều người mua”, ông Thiện bình luận. “Người mua có xu hướng định một mức giá mới cho năm kế tiếp nên không muốn tăng giá đầu vào trong khi mức tăng giá bán ra chỉ ở mức hạn chế”. Hiện phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang giao hàng theo giá FOB, nghĩa là người mua phải gánh chịu hoàn toàn chi phí vận chuyển.
Để chia sẻ một phần gánh nặng với người mua, 5 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất tại Bình Định đã hợp tác với các tàu thuê chuyến và vận chuyển hàng hóa tới cảng Sài Gòn thay vì vận chuyển đơn lẻ từng công ty. Người mua sau đó phải nhận container từ cảng Cái Mép và Cát Lái tới Quy Nhơn để đóng gói do các hạn chế về cơ sở hạ tầng, do các tàu lớn không thể vào cảng Quy Nhơn. Chi phí vận chuyển riêng khâu này tăng lên khoảng 1.000 USD/container.
Các thách thức này có thể là lý do vì sao Bộ NNPTNT đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong năm 2022 ở mức 16,5 tỷ USD. Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, bình luận rằng 17 tỷ USD là mức trong tầm tay khi xét tới xu hướng thị trường cũng như công suất nội địa và các thị trường đầu ra trong năm 2022.
Theo VIR
Bình luận