0

Chỉ số giá thực phẩm FAO (FFPI) đạt trung bình 133,7 điểm trong tháng 12/2021, giảm 1,2 điểm (0,9%) so với tháng 11 nhưng vẫn cao hơn 25,1 điểm (23,1%) từ tháng 12/2020. Ngoài trừ sữa, giá trị của tất cả các chỉ số phụ được tính gộp trong FFPI theo tháng đều giảm, với giá dầu thực vật và giá đường giảm mạnh nhất so với tháng 11. Đối với cả năm 2021, chỉ số FFPI đạt trung bình 125,7 điểm, cao hơn tới 27,6 điểm (28,1%) so với năm 2020, với tất cả các chỉ số trung bình đều tăng mạnh trong cùng kỳ so sánh.

Chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 140,5 điểm trong tháng 12/2021, giảm 0,9 điểm (0.6%) so với tháng 11. Giá xuất khẩu lúa mỳ giảm trong tháng 12, giữa bối cảnh các đợt thu hoạch giúp cải thiện nguồn cung tại Nam bán cầu và nhu cầu giảm. Tuy nhiên, giá ngô tăng, chủ yếu do nhu cầu mạnh và những lo ngại về tình trạng khô hạn kéo dài tại Brazil. Trong khi đó, giá hạt kê cũng tăng, một phàn là do tác động của các thị trường ngô, giá lúa mạch giảm nhẹ. Giá gạo quốc tế cũng giảm trong tháng 12, do nhu cầu yếu đi và các đồng nội tệ của các nước xuất khảu lớn đồng loạt giảm giá so với đồng USD. Tính cho cả năm 2021, chỉ số giá ngũ cốc FAO đạt trung bình 131,2 điểm, tăng 28 điểm (27,2%) so với năm 2020 và là mức trung bình cao nhất kể từ năm 2012. Trong năm 2021, giá ngô và giá lúa mỳ lần lượt cao hơn 44,1% và 31,3% so với mức mức trung bình năm 2020, phần lớn do nhu cầu mạnh và nguồn cung giảm, đặc biệt là nguồn cung từ các nước xuất khẩu lớn. Gạo là ngũ cốc duy nhất ghi nhận giảm giá trong năm 2021, với mức giá chào bán giảm trung bình 4% so với mức giá trong năm 2020. Giá gạo yếu đi phản ánh nguồn cung khả dụng xuất khẩu dồi dào, làm tăng mức độ cạnh tranh giữa các nhà cung cấp và kéo theo việc các nhà xuất khẩu tìm cách ứng phó với tác động của chi phí vận chuyển cao và thiếu container bằng cách hạ giá chào bán gạo.

Chỉ số giá dầu thực vật FAO đạt trung bình 178,5 điểm trong tháng 12, giảm 6,1 điểm (tương đương 3,3%), từ mức cao kỷ lục ghi nhận gần đây. Sự suy giảm này chủ yếu do giá dầu cọ và giá dầu hạt hướng dương giảm, trong khi giá dầu đậu tương và dầu hạt cải tiếp tục đi ngang so với tháng 11. Giá dầu cọ trên thị trường quốc tế giảm trong tháng 12, chủ yếu phản ánh nhu cầu nhập khẩu toàn cầu giảm giữa những lo ngại liên quan đến số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng. Trong khi đó, giá dầu hạt hướng dương quốc tế cũng giảm, phản ánh diễn biến nhu cầu. Ngược lại, giá dầu đậu tương và giá dầu hạt cải duy trì ổn định, chủ yếu nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Ấn Độ tiếp tục ở mức cao trong khi nguồn cung toàn cầu giảm. Tính cho cả năm 2021, chỉ số giá dầu thực vật của FAO đạt trung bình 164,8 điểm, tăng tới 65,4 điểm (tương đương 65,8%) so với năm 2020 và là mức tăng điểm thường niên mạnh kỷ lục.

Chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 128,2 điểm trong tháng 12, tăng 2,3 điểm (1,8%) so với tháng 11 và cao hơn 19 điểm (17,4%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 12, giá bơ và các loại sữa bột trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu trên thị trường quốc tế ở mức cao, cộng với nguồn cung khả dụng xuất khẩu thấp, là kết quả của việc sản lượng sữa tại Tây Âu và châu Đại dương giảm. Bất chấp sản lượng sữa thấp, sản lượng phô mai tại Tây Âu tăng do các nhà sản xuất ưu tiên sản xuất phô mai hơn so với các sản phẩm từ sữa khác, dẫn tới giá phô mai giảm nhẹ. Trong cả năm 2021, chỉ số giá sữa FAO đạt trung bình 119 điểm, tăng 17,2 điểm (tương đương 16,9%) so với năm 2020, phản ánh nhu cầu nhập khẩu ổn định trong suốt năm, đặc biệt là từ châu Á, và nguồn cung khả dụng xuất khẩu từ các khu vực sản xuất chính.

Chỉ số giá thịt FAO* đạt trung bình 111,3 điểm trong tháng 12, chỉ thay đổi nhẹ so với tháng 11 và cao hơn 16,5 điểm (tương đương 17,4%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng 11, giá thịt gia cầm giảm, chủ yếu do áp lực nguồn cung khả dụng xuất khẩu trên thị trường thế giới tăng; trong khi đó, giá thịt cừu giảm do nguồn cung từ châu Đại dương tăng lên. Đồng thời, giá thịt lợn giảm tháng thứ 6 liên tiếp, mặc dù chỉ giảm nhẹ, do áp lực giảm giá liên tục tăng lên khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm, nhưng được bù đắp phần nào nhờ doanh thu trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh tăng lên tại các nước sản xuất chính. Trong năm 2021, chỉ số giá thịt FAO đạt trung bình 107,6 điểm, tăng 12,1 điểm (12,7%) so với năm 2020. Trong các phân khúc sản phẩm, thịt cừu ghi nhận mức tăng mạnh nhất về giá, theo sau là thịt bò và thịt gia cầm, trong khi giá thịt lợn giảm nhẹ.

Chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 116,4 điểm trong tháng 12, giảm 3,8 điểm (3,1%) so với tháng 11 và chạm mức thấp nhất trong 5 tháng. Mức suy giảm trong tháng 12 phản ánh lo ngại về tác động của chủng Omicron COVID-19 lên nhu cầu đường toàn cầu sau khi các biện pháp phong tỏa được nối lại tại nhiều khu vực. Sự yếu đi của đồng real Brazil so với đồng USD và giá ethanol giảm cũng góp phần làm giảm giá đường toàn cầu trong tháng 12. Trong cả năm 2021, chỉ số giá đường FAO đạt trung bình 109,3 điểm, tăng 29,8 điểm (tương đương 37,5%) so với năm 2020 và là mức cao nhất kể từ năm 2016. Trong cả năm 2020, những lo ngại về sản lượng giảm tại Brazil giữa bối cảnh nhu cầu đường toàn cầu tăn glen đã thúc đẩy giá đường tăng.

*Không giống các nhóm hàng hóa khác, phần lớn giá dùng để tính toán Chỉ số giá thịt của FAO không có sẵn khi Chỉ số giá thực phẩm của FAO được tính toán và công bố nên Chỉ số giá thịt trong những tháng gần đây đến từ giá quan sát và dự báo. Vào thời điểm này, chỉ số giá này cần những điều chỉnh lớn trong giá trị Chỉ số giá thịt FAO, có thể tác động tới Chỉ số giá thực phẩm FAO nói chung.

Theo FAO

Admin

Sau bảy tháng giảm, chỉ số giá thực phẩm FAO tăng trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá dầu thực vật thế giới tăng cao

Bài trước

Chỉ số giá thực phẩm FAO giảm trở lại trong tháng 2, chủ yếu do giá ngũ cốc thế giới giảm

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc