0

Nông dân trồng cà phê tại Colombia, nước sản xuất cà phê Arabica lớn tứ 2 thế giới, không giao 1 triệu bao cà phê trong năm 2021, tương đương gần 10% sản lượng cà phê của nước này, khiến các nhà xuất khẩu, giao dịch và rang xay toàn cầu đối diện thua lỗ nặng nề, theo Reuters đưa tin.

Giá cà phê thế giới đã tăng vọt 55% trong năm 2021, chủ yếu do thời tiết bất lợi tại Brazil, khiến nông dân Colombia phá vỡ hợp đồng khi giá chốt trong hợp đồng quá thấp, để bán lại trên thị trường với giá cao hơn. “Các nhà giao dịch cũng đang phá hợp đồng, thị trường hỗn loạn. Nếu hạn hán tại Brazil tiếp diễn, mức giá 300 cents/lb có thể xảy ra và đó là vấn đề rất lớn”, theo một nhà giao dịch hàng hóa nông sản tại một hãng giao dịch toàn cầu cho hay. Ông cho biết các nhà rang xay cà phê quốc tế đang có kế hoạch thay đổi thương hiệu sản phảm “nguồn cà phê Colombia đơn nhất” do các vấn đề nguồn cung.

Tình trạng từ chối giao hàng tại một nước sản xuất lớn như Colombia càng thổi phồng đà tăng giá trên thị trường thế giới, mặc dù tình hình có thể chỉ tạm thời do nguồn cung cà phê thực tế đã có và sẽ gây sức ép ngược lên giá thị trường một khi nguồn cung được đưa ra bán lại. Nông dân Colombia cho biết họ sẽ giao cà phê vào cuối năm nay hoặc sang năm tới nhưng người mua không tin. Nhiều khách hàng cà phê quốc tế đang chấp nhận thua lỗ và rút hợp đồng mua còn hơn là chờ đợi và có thể gánh thua lỗ lớn hơn nếu nông dân vẫn không giao hàng vào năm tới và giá tăng thêm, theo một nhà giao dịch cấp cao tại một hãng giao dịch quốc tế khác cho hay.

Ông cho biết thêm một số hãng giao dịch quốc tế đang hứng chịu thua lỗ 8 – 10 triệu USD trên mỗi lô hàng cà phê không giao, trong khi liên đoàn những người trồng cà phê của Colombia là FNC, đại diện cho nông dân nhưng chiếm tới 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 12,5 triệu bao hàng năm của nước này, đối mặt với thua lỗ còn lớn hơn.

Ngậm cục đắng

“Rất dễ có 1 triệu bao cà phê Colombia được giao dịch trước khi thị trường bắt đầu tăng vào giữa tháng 5”, theo một nhà giao dịch cho biết. “Nếu bạn làm việc cho một hãng giao dịch đa quốc gia, sếp của bạn sẽ nói, thôi nào, chúng ta phải ngậm cục đắng”. Không giao hàng khi thị trường tăng giá là một vấn đề rất lớn cho các nhà xuất khẩu và giao dịch hàng hóa, vốn thường đầu cơ các đơn mua cà phê vật chất trên thị trường tương lai, khiến họ có thể chặn lỗ khi giá tăng.

Thông thường, các nhà giao dịch có thể bán cà phê vật chất mà họ sở hữu ở mức giá tốt để bù đắp rủi ro thua lỗ trên thị trường tương lai nhưng trong trường hợp này thì họ không thể. Việc không giao hàng buộc các nhà giao dịch phải mua lại các đơn hàng đã bán trước cho các nhà rang xay ở mức giá thua lỗ lớn trên thị trường giao ngay.

Lãnh đạo FNC Roberto Velez xác nhận với Reuters rằng Colombia đang đối diện vỡ nợ trên diện rộng. “Tôi có thể nói rằng có rất ít nhà xuất khẩu cà phê Colombia không hứng chịu thiệt hại từ tình trạng phá hợp đồng này. Tất cả các nhà giao dịch lớn và kể cả liên đoàn với vai trò là một nhà xuất khẩu lớn, đều đang gánh chịu thua lỗ”, ông cho biết. “Khi một nông dân trồng cà phê không giao hàng, toàn chuỗi sẽ kẹt trong mất tiền”. Các nhà giao dịch cho biết liên đoàn cho nông dân Colombia thêm 1 năm để giao cà phê – một động thái có thể buộc tổ chức này phải cầu viên tới chính phủ các gói giải cứu nếu nông dân vẫn không giao hàng đúng hẹn.

Lỗ chồng lỗ

Một nhà giao dịch cà phê Colombia cấp cao với Louis Dreyfus đã rời công ty trong tình trạng thua lỗ, theo 2 nguồn tin cho hay. LDC cho biết công ty khôg bình luận về những thay đổi trong tổ chức ngoại trừ liên quan đến các lãnh đạo cấp cao. “Các công ty sẽ gặp vấn đề với quy mô thua lỗ hiện nay. Tai to mặt lớn sẽ thay đổi nhân sự trong khi các nhà giao dịch nhỏ hơn sẽ có thể phá sản”, theo một nhà giao dịch. Ông cho biết thêm hãng xuất khẩu lớn tại Colombia là La Meseta cũng chịu thiệt hại lớn do tình trạng này và đang vật lộn để giải quyết các hợpd dồng cung ứng cho các nhà rang xay thế giới với nhiều rủi ro thua lỗ. La Meseta không trả lời các yêu cầu bình luận.

Bán lại cà phê tại Colombia trở nên phổ biến trong vài năm qua nhưng cho tới năm nay, tình trạng này thường có lợi cho nông dân khi giá cà phê thế giới giảm thấp nên nông dân sẽ hưởng giá tốt hơn đối với cà phê đang giao. Khoảng 550.000 hộ nông dân Colombia đang có sinh kế dựa vào cà phê và đất nước này là nước sản xuất cà phê Arabica chế biến ướt lớn nhất thế giới, với các hợp đồng tương lai tham chiếu trên sàn giao dịch ICE là giá cơ sở.

Theo Reuters

Admin

Thế giới làm quen với giá cà phê đắt đỏ

Bài trước

Các nhà sản xuất cà phê Brazil bị thiệt hại do các đợt lạnh có thể nhận ưu đãi tín dụng

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Cà phê/Ca cao