Nhu cầu đối với thủy sản chứng nhận bền vững đang tăng. Ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19, nhu cầu tại EU vẫn tăng. Hiện các chứng nhận bền vững vẫn chưa phải là yêu cầu cơ bản của người mua trên tất cả các thị trường châu Âu nhưng các chuyên gia dự báo rằng trong 10 năm tới, đây sẽ là yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu thủy sản sang châu Âu.
Năm 2020, chào bán các sản phẩm thủy sản được chứng nhận bền vững tại châu Âu tăng. Khoảng 887.000 tấn thủy sản chứng nhận Marine Stewardship Council (MSC) đã được tiêu thụ trên thị trường châu Âu, tăng 13% so với năm 2019. Khoảng 9,750 các sản phẩm thủy sản chứng nhận ASC đang lưu thông trên thị trường châu Âu trong năm 2020, tăng 32% so với năm 2019. MSC và Aquaculture Stewardship Council (ASC) là hai tiêu chuẩn chứng nhận bền vững chính cho thủy sản tại châu Âu.
Tăng doanh thu bán lẻ
Tăng trưởng quy mô các sản phẩm chứng nhận trong năm 2020 không gây bất ngờ. Ngành bán lẻ đã có truyền thống đáp ứng nhu cầu thủy sản bền vững. Và khi ngành nhà hàng phải đóng cửa trong năm 2020, doanh số bán lẻ tăng vọt. Người tiêu dùng thường ăn thủy sản tại nhà hàng nay bắt đầu chế biến thủy sản tại nhà. Năm 2020, các sản phẩm tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương được chứng nhận ASC có doanh số tăng tới 27% tại châu Âu so với năm 2020. Ngoài ra, các sản phẩm cao cấp cũng được chào bán qua hệ thống bán lẻ. Ví dụ, doanh số các sản phẩm tôm sú chứng nhận ASC cũng tăng 19% trong cùng kỳ so sánh.
Khi ngành nhà hàng mở cửa từ từ trở lại, người tiêu dùng bắt đầu ra ngoài dùng bữa và hiện chưa rõ liệu các sản phẩm bền vững có trở thành tiêu chuẩn trong ngành dịch vụ ăn uống hay không. Nhưng tại Tây Bắc Âu, các nhà hàng đang quảng bá là chỉ bán thủy sản bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến. Ở cấp khu vực EU, những nỗ lực hợp tác với các đầu bếp hàng đầu để thúc đẩy tiêu thụ thủy sản bền vững cũng đang diễn ra. Một số nhà nhập khẩu cho lĩnh vực dịch vụ ăn uống cho biết họ đang dần chuyển dịch theo hướng thủy sản bền vững. “Chúng tôi ghi nhận nhu cầu tăng đối với các sản phẩm thủy sản bền vững trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Nhưng nhu cầu cũng phụ thuộc vào mức chênh lệch giá giữa các sản phẩm có và không có chứng nhận”, theo một nhà nhập khẩu tại Hà Lan cho hay.
Thủy sản bền vững không chỉ tốt cho môi trường
Tính bền vững trong ngành thủy sản quan trọng không chỉ cho môi trường mà còn cho các vấn đề xã hội. Sản xuất thủy sản liên quan tới lao động cưỡng bức và môi trường làm việc nguy hiểm. Phim tài liệu Seaspiracy nhấn mạnh các vấn đề này và sản xuất – chế biến thủy sản cần có chứng nhận về các vấn đề xã hội.
Các tiêu chuẩn chứng nhận bền vững như MSC và ASC tập trung vào cả tác động môi trường và xã hội của sản xuất thủy sản. Các nhà xuất khẩu cũng có thể tìm kiếm các chương trình về vấn đề xã hội dọc các chuỗi cung ứng, ví dụ như SA8000 hay Business Social Compliance Initiative (BSCI). Tiêu chuẩn SA8000 là chương trình chứng nhận xã hội hàng đầu thế giới. BSCI cung cấp cho các công ty phương pháp kiểm toán xã hội, giúp họ cải thiện điều kiện lao động trong chuỗi cung ứng.
Cơ hội cho các nhà xuất khẩu
Mức tăng trưởng sản phẩm chứng nhận bền vững có sự khác biệt giữa các vùng khác nhau của EU, nhưng rõ ràng thị trường cho thủy sản sản xuất bền vững đang mở rộng tại châu Âu. Một số chuyên gia dự báo rằng chứng nhận bền vững sẽ được yêu cầu cho toàn bộ xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong 10 năm tới, nghĩa là ngày càng nhiều khách hàng tại thị trường này sẽ yêu cầu thủy sản có chứng hận. Do đó, đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu có thể đáp ứng nhu cầu này.
Theo CBI
Bình luận