Giá bán lẻ cà phê trên các thị trường lớn dự báo tăng mạnh do sương giá và chi phí vận chuyển
Đợt lạnh nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ tại nước sản xuất – xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới Brazil và cước vận chuyển cao kỷ lục do COVID-19 đã gây ra tình trạng tắc nghẽn vận chuyển trên diện rộng, dự báo sẽ đẩy giá bán lẻ cà phê tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm trong những tuần sắp tới. Giá bán lẻ cà phê tăng sẽ càng làm tăng thêm chi phí giỏ hàng hóa tiêu dùng sau khi hàng loạt các mặt hàng khác như bánh mỳ, dầu thực vật và đường đã tăng giá. Chỉ số giá thực phẩm FAO trong tháng 7/2021 cao hơn cùng kỳ năm 2020 tới 31% giữa bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu đang đương đầu với những khó khăn tài chính do đại dịch.
Đợt lạnh tồi tệ nhất kể từ năm 1994 tại Brazil đã đẩy giá cà phê nhân xô lên mức cao nhất trong gần 7 năm và dự báo người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu một phần mức tăng giá này khi mua cà phê rang xay tại các siêu thị. Giá cà phê Arabica trên Sàn giao dịch tương lai ICE của Mỹ đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua khi nguồn cung cà phê từ Brazil vốn đã giảm sút sau đợt khô hạn tồi tệ nhất trong 91 năm. Mức độ thiệt hại hiện vẫn đang được đánh giá nhưng nhiều diện tích trồng cà phê có thể sẽ cần tới 7 năm để phục hồi sản xuất.
Gián đoạn vận chuyển, gây ra một phần bởi tăng vọt nhu cầu hàng tiêu dùng và không đủ tàu do nhân lực phải ở nhà trong bối cảnh đại dịch virus corona, cũng góp phần đẩy chi phí vận chuyển cà phê tới các nước tiêu dùng lớn tại Bắc Mỹ và châu Âu tăng cao. Các nhà giao dịch cho rằng người tiêu dùng sẽ sớm phải trả giá cao hơn khi mua cà phê tai các siêu thị, giá một cốc latte hay Americano ở chuỗi cà phê có thể chưa tăng trong ngắn hạn. “Cà phê rang xay trong siêu thị chỉ có cà phê và một phần nhỏ chi phí đóng gói. Cà phê tại Stabucks có thể chưa tăng ngay bởi bạn còn phải trả phí mặt bằng, wifi và trải nghiệm”, ông cho biết.
Dữ liệu ban hành từ Tổng cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết giá cà phê xay trung bình đã tăng lên mức cao kỷ lục 4,75 USD/lb vào tháng 5, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2015, do hạn hán gây ra thiẹt hại nặng cho sản xuất cà phê Brazil. Giá cà phê Arabica trên Sàn giao dịch tương lai ICE của Mỹ đang tăng nhanh nhưng sau đợt lạnh gần đây, giá bán lẻ cà phê chắc chắn sẽ phản ứng theo xu hướng tăng.
Tại Brazil, nước tiêu dùng cà phê lớn thứ 2 sau Mỹ, giá cà phê rang xay đã tăng 3,4% trong tháng 6, theo văn phòng thống kê IBGE. Giá cà phê rang xay dự báo còn tiếp tục tăng. Sau các đợt lạnh trong tháng 7, tổ chức ngành cà phê Brazil là Abic cho biết các nhà rang đang phân tích chi phí và sẽ điều chỉnh giá theo để bảo vệ tính bền vững của hoạt động kinh doanh. Abic ước tính giá cà phê nhân xô cho các nhà rang tại Brazil đã tăng khoảng 80% từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 7/2021. “Một số công ty, bao gồm các công ty hàng đầu thị trường, cũng đã thông báo tăng giá”, theo Abic cung cấp thông tin trong thư gửi các thành viên.
JDE Peet's, công ty sở hữu các thương hiệu Douwe Egberts, Kenco và Peet's, nhấn mạnh tình trạng tăng giá nguyên liệu, cước vận chuyển và các chi phí khác trong 12 tháng qua. “Trong lịch sử, biến động mạnh về giá cà phê nhân xô đều phản ánh trong giá bán lẻ thị trường và chúng tôi cho rằng tiền lệ đó sẽ tiếp tục”, công ty thông báo.
Chi phí vận chuyển
Tăng chi phí vận chuyển do thiếu container chở hàng, đóng vai trò lớn trong đẩy giá cà phê tăng. Cà phê thường được vận chuyển bằng container, khác với các hàng hóa khác như ngũ cốc, được vận chuyển hàng rời.
Nhiều công ty cà phê dễ dàng ứng phó với giá cà phê nguyên liệu tăng trong ngắn hạn hơn là chi phí vận chuyển bởi họ có thể cố định giá mua vài tháng trước khi nhận hàng. “Chúng tôi cố định giá trước một tỷ trọng lớn cà phê chúng tôi cần cho những tháng còn lại trong năm và thậm chí một phần cho năm sau để trong ngắn hạn không cần phải lo lắng về điều này nữa”, giám đốc điều hành Nestle Mark Schneider cho hay trong một hội nghị gần đây, cho biết thêm đó tình hình hiện nay đã khác khi tính tới chi phí vận chuyển.
Carlos Santana, lãnh đạo mảng giao dịch cà phê tại for Eisa Interagricola, một đơn vị của ECOM Trading, cho biết hiện rất khó để vận chuyển cà phê, đặc biệt là tại châu Mỹ. “Không có tính kinh tế khi sử dụng tuyến vận tải này trong thời điểm hiện nay. Các cảng tại Mỹ chật cứng, các công ty vận tải không muốn chở thêm hàng tớ đó nên họ tăng giá. Cước vận chuyển đã tăng gấp hơn 3 lần so với trước đại dịch”.
Thiago Cazarini, một nhà môi giới cà phê tại bang Minas Gerais của Brazil, cho biết ngay cả khi trả giá cao hơn rất nhiều để đảm bảo có 1 container, các nhà xuất khẩu vẫn gặp nhiều vấn đề để đưa container đó lên tàu. Ông cho hay vấn đề này diễn ra trên phạm vi rộng, tác động tới toàn bộ các tác nhân trong chuỗi. “Brazil như một đống lộn xộn về logistics hiện nay. Tôi có các lô cà phê dự kiến sẽ tới từ 2 tháng trước nhưng nay tôi vẫn chưa nhận được hàng”, theo một nhà nhập khẩu cà phê tại Mỹ cho biết.
Julian Thomas, giám đốc điều hành Maersk Brazil, thuộc hãng vận tải container lớn nhất thế giới, cho biết “các nút thắt cổ chai xuất phát từ các biện pháp kìm chế dịch bệnh và nhu cầu mạnh cũng đang tác động lên các chuỗi cung ứng trong và ngoài Brazil. Chúng tôi vẫn phục vụ khách hàng và thấu hiểu nhu cầu đang tăng lên của họ”. Hãng vận tải container Hapag Lloyd cho biết thêm việc vận chuyển hàng hóa đều bị trễ, không riêng gì cà phê.
Brazil chiếm khoảng 30% xuất khẩu cà phê toàn cầu và mùa xuất khẩu cao điểm từ nước này đã bắt đầu diễn ra.
Hiểu về tác động của sương giá tới các vườn cà phê tại Brazil
Giá cà phê Arabica đã tăng lên mức cao nhất trong gần 7 năm trong thời gian gần đây, sau khi các đợt giá lạnh nghiêm trọng tràn vào các vườn cà phê của Brazil. Các đốm nâu đã lan tràn trên một diện tích rộng các vườn cà phê tại bang sản xuất cà phê lớn nhất Brazil ở bang Minas Gerais, một dấu hiệu cho thấy đợt lạnh tồi tệ nhất trong gần 30 năm sẽ gây thiệt hại cho sản xuất trong ít nhất 2 vụ tới. Các đợt lạnh là mối nguy cho các vườn cà phê kể từ khi cây trồng này lần đầu tiên được mang đến Brazil trong thế kỷ 18. Các bang sản xuất lớn tại Brazil, như Minas Gerais, hứng chịu nhiều đợt lạnh hơn so với các vùng trồng cà phê Arabica lớn khác tại các nước như Colombia và Ethiopia.
Cà phê là cây trồng nhiệt đới và không ưa nhiệt độ thấp, đặc biệt nếu nhiệt độ xuống dưới 5°C. Nhiệt độ âm, khoảng -3°C tới -4°C, khi các tinh thể đá hình thành trên tế bào cây, gây nguy hiểm cho cây, phá hủy búp hoa, hoa và quả, gây ra tình trạng cháy lạnh tên lá, trong một số trường hợp nghiêm trọng dẫn tới làm cây cà phê rụng lá hoàn toàn. Trạng thái nghiêm trọng nhất của thiệt hại là do sự hình thành các tinh thể đá, phá hủy các tế bào trong cac phần cây bị tác động, khiến chúng chuyển đen và bị chết, có thể dẫn tới chết toàn bộ cây.
Tiến sỹ Aaron Davis, đã tiến hành nghiên cứu về cà phê tại The Royal Botanic Gardens, Kew (Anh), cho biết sương giá có thể đặc biệt gây thiệt hại nặng nề sau một thời gian dài hạn hán, nhưng tình trạng vừa diễn ra tại Brazil, do lá có thể đã héo khiến chúng dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp và sương giá. Trong một số trường hợp, cây cà phê có thể cần tới 1 – 2 năm để phục hồi sau một đợt sương giá nhưng nếu cây cà phê chết và phải thay thế bằng cây con thì có thể mất từ 4 – 5 năm mới bắt đầu thu hoạch và tới 7 năm để khôi phục lại mức sản lượng tối đa.
Theo Reuters
Bình luận