Chính phủ Thái Lan phê chuẩn thêm 3,83 tỷ Baht cho chương trình đảm bảo giá lúa, diện tích trồng lúa tăng vọt
Ủy ban Chính sách Gạo Quốc gia do thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung 3,83 tỷ Baht cho chính sách đảm bảo giá lúa cho nhà nước hỗ trợ trong niên vụ 2020-21, nâng tổng ngân sách cho niên vụ hiện tại lên 50,6 tỷ Baht.
Theo người phát ngôn chính phủ Anucha Buraphachaisri, chính phủ quyết định tăng ngân sách do số người đăng ký tham gia chương trình tăng lên. Ông cho hay Bộ Thương mại và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp đã được giao nhiệm vụ chuẩn bị kế hoạch chi tiết để đệ trình chính phủ phê duyệt. Tính tới ngày 3/2, Thái Lan có 4,68 triệu gia đình, cùng với xấp xỉ 9,8 triệu ha đất nông nghiệp đã đăng ký cơ chế trên, tăng từ mức 4,57 triệu gia đình cùng với 8,96 triệu ha trước đó.
Ông Anucha cho biết thủ tướng Prayut đã lên tiếng lo ngại về ngân sách của chính phủ trong hỗ trợ cơ chế bảo đảm giá lúa tăng lên từng năm. Thủ tướng giao các bên liên quan thúc đẩy các nỗ lực cải cách ngành nông nghiệp nhằm gia tăng giá trị và tạo thêm thu nhập cho ngành này. Thủ tướng Prayut cũng phê chuẩn cơ quan lập kế hoạch quốc gia là Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Ủy ban Ngân sách, các bộ Tài chính, Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp, Giáo dục bậc cao, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới tăng cường các cải cách nông nghiệp, nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư và nâng chất lượng cây trồng. Ông khẳng định chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ ngành nông nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, như cơ chế giảm chi phí sản xuất, quản lý thị trường và các cơ chế bảo hiểm.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp báo cáo kế hoạch sử dụng 9,584 triệu ha đất nông nghiệp với sản lượng 24,7 triệu tấn lúa trong vụ chính năm 2020/21. Tính tới ngày 3/2, Bộ cho biết diện tích đất nông nghiệp trồng lúa đã tăng lên xấp xỉ 9,8 triệu ha. Diện tích trồng lúa tăng lên chủ yếu do nguồn cung nước hồi tháng 8 tăng lên và cơ chế đảm bảo giá lúa của chính phủ. Đối với vụ mùa, Bộ có kế hoạch diện tích trồng lúa đạt 499.200ha, sản lượng lúa đạt 2,07 triệu tấn. nhưng tới ngày 3/2, diện tích trồng lúa mùa đã tăng lên 1,2 triệu ha. Với diễn biến này, Thủ tướng Prayut đã giao cho các cơ quan liên quan giải quyết các khó khăn trong xuất khẩu gạo năm 2021, đặc biệt là vấn đề thiếu container.
Ông Charoen Laothammatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết xuất khẩu gạo năm 2021 của nước này khó đạt 6 triệu tấn do giá gạo Thái liên tục duy trì ở mức cao hơn so với các nước khác. Trong tháng 1/2021, Bộ Thương mại đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 6 triệu tấn trong năm 2021, tăng nhẹ so với kim ngạch 5,72 triệu tấn trong năm 2020. Trong 6 triệu tấn gạo xuất khẩu năm 2021, gạo trắng đạt 2 triệu tấn, theo sau là gạo Thái Hom Mali với 1,5 triệu tấn, gạo đồ 1,5 triệu tấn, trong khi gạo thơm Pathum Thani, gạo đặc sản địa phương và gạo nếp chiếm phần còn lại.
Theo ông Charoen, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm (FOB) chào bán với giá 530 USD/tấn trong khi giá gạo Việt Nam ở mức 490 – 500 USD/tấn và gạo Ấn Độ chỉ ở mức 440 USD/tấn, khiến người mua đang dồn về phía Ấn Độ. Tính tới 19/1, Ấn Độ đứng đầu về xuất khẩu gạo với kim ngạch 480.000 tấn, theo sau là Pakistan với 350.00 tấn, Thái Lan 340.000 tấn và Việt Nam 260.000 tấn. Năm 2020, Ấn Độ tiếp tục giữ vững ngôi vương về xuất khẩu gạo trên thế giới với 14 triệu tấn, theo sau là Việt Nam 6,3 triệu tấn, Thái Lan 5,72 triệu tấn, Pakistan 4 triệu tấn và Mỹ 3,05 triệu tấn.
Theo Bangkok Post
Bình luận