Gần đây, Việt Nam thông báo kế hoạch áp thuế chống bán phá giá đối với đường thô xuất xứ Thái Lan, cho rằng nhập khẩu tăng vọt đang gây thiệt hại cho ngành đường trong nước. Bộ Công thương Việt Nam thông báo mức thuế 33,88% sẽ áp dụng đối với đường Thái Lan nhưng khung thời gian chính sách này có hiệu lực vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Chính phủ Thái Lan đang thảo luận với thương nhân ngành đường để chuẩn bị yêu cầu các giải trình từ phía Việt Nam, theo phó tổng thư ký Hiệp hội Mía Đường Thái Lan Virit Viseshsinth trả lời phỏng vấn Reuters. Việt Nam đã dỡ bỏ các thuế nhpạ khẩu đối với đường nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á trong năm 2020 theo các cam kết trong Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, các điều khoản cho phép các nước ASEAN áp dụng thuế nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi của các ngành sản xuất nội địa chống lại các hành vi phi cạnh tranh.
Quyết định tái áp dụng thuế nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với đường thô, được đưa ra sau khi Bộ Công thương tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá từ tháng 9/2020, sau những cáo buộc từ phía ngành đường Việt Nam đối với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan. Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đường từ Thái Lan được trợ giá và bán phá giá, xuất khẩu sang Việt Nam tăng vọt lên 1,3 triệu tấn trong năm 2020, tăng 330,4% so với năm 2019, theo thông báo của Bộ. “Hàng loạt các nhà máy đường nội địa bị đóng cửa, khiến 3.300 công nhân mất việc làm và có tác động tiêu cực lên 93.225 hộ gia đình”, thông báo chỉ rõ. “Mức thuế chống bán phá giá 33,88% sẽ được áp dụng đối với đường thô từ Thái Lan và sẽ được rà soát định kỳ”.
Cuộc điều tra của Bộ Công thương vẫn sẽ tiếp tục tiến hành và sẽ có kết luận cuối cùng trong quý 2/2021. Phía Việt Nam sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan để đưa ra kết luận cuối cùng về việc áp dụng chính sách thuế trên.
Theo Reuters
Bình luận