Nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng vọt trong tháng 6, quan hệ với Mỹ xấu đi làm trầm trọng thêm lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng
Nhập khẩu nông sản của Trung Quốc tăng vọt trong tháng 6 do người mua tích trữ nông sản phòng ngừa rủi ro gián đoạn nguồn cung xuất phát từ mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ, đồng thời lấp đầy thâm hụt cho sản xuất nội địa, các nhà phân tích cho hay. Đến cuối tháng 6/2020, nhập khẩu ngũ cốc – bao gồm lúa mỳ, lúa mạch, ngô, gạo, hạt kê và đậu tương – của Trung Quốc tăng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019, với mức tăng nhanh ghi nhận ở 32,4% vào tháng 5 sau khi ghi nhận giảm 6,4% trong tháng 4. Tăng nhập khẩu ngũ cốc rõ ràng để đáp ứng các điều khoản thu mua nông sản trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ, nhưng cũng phản ánh rõ rệt thâm hụt trong nguồn cung nội địa, bao gồm các loại ngũ cốc chiến lược.
An ninh lương thực cho 1,4 tỷ dân Trung Quốc từ lâu là ưu tiên hàng đầu của chính phủ trung ương Trung Quốc và các nhà phân tích cho rằng các nhà chức trách trong những tháng gần đây đã nỗ lực ngăn chặn lạm phát giá thực phẩm gây ra bởi đại dịch virus corona và lũ lụt tại miền trung và đông Trung Quốc. Nhập khẩu nông sản có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trong nửa cuối năm xét tới các thâm hụt về nguồn cung nội địa. Những người mua đang nhập khẩu thực phẩm từ khắp nơi trên thế giới, cho thấy Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm cũng như nỗ lực tuân thủ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ.
Rosa Wang, nhà phân tích tại hãng cung cấp dữ liệu nông nghiệp JCI Trung Quốc, cho rằng nguyên nhân tăng nhập khẩu nông sản là do thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ và giá nông sản tăng cao hàng loạt tại Trung Quốc. Nhiều công ty Trung Quốc cũng mua thêm ngoài số cần thiết để đảm bảo rủi ro quan hệ Trung Mỹ xấu đi. “Đối với các công ty bình thường, như công ty thương mại và chăn nuoi, họ lo ngại hơn về đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo vật nuôi có thức ăn nên nhập khẩu phần lớn các loại ngũ cốc đều tăng trong nửa đầu năm 2020”, bà Wang cho hay. “Nếu quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, các công ty sẽ phải nỗ lực hơn nhiều để mua các nguồn thay thế đậu tương Mỹ và nhập khẩu các nông sản khác có thể cũng sẽ tăng vọt theo. Đậu tương Brazil không có rủi ro chính trị, mặc dù lợi thế về giá còn hạn chế, nếu nếu có thể mua, bạn sẽ sẵn sàng sử dụng nguồn cung Brazil làm phương án dự phòng”. Trong tháng 6, Trung Quốc đã nhập khẩu 10,51 triệu tấn đậu tương từ Brazil, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong nửa đầu năm 2020, nhập khẩu lúa mỳ của Trung Quốc đạt 3,35 triệu tấn, so với kim ngạch nhập khẩu cả năm 2019 là 3,49 triệu tấn. Những người mua sẵn sàng trả chênh giá cho một số mặt hàng nhất định, với nhập khẩu thịt lợn tăng 142,7% trong nửa đầu năm 2020 về lượng nhưng tăng tới 282,1% về giá trị. Nhập khẩu hạt kê của Trung Quốc – loại ngũ cốc chủ yếu sử dụng làm TACN và sản xuất rượu – tăng 150 lần trong cùng kỳ so sánh, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan. Chỉ riêng trong tháng 6, nhập khẩu hạt kê tăng vọt 21.296% lên 680.000 tấn. Nhập khẩu lúa mỳ tăng gần gấp 3 trong tháng 6/2020 so với cùng kỳ năm 2019 và nhập khẩu lúa mạch cũng tăng gấp đôi về lượng. Nhập khẩu đậu tương tăng 72,7% trong cùng kỳ so sánh.
Mặc dù cơ quan thống kê không cung cấp dữ liệu chi tiết về nguồn gốc xuất xứ nước bán, dữ liệu của Mỹ cho thấy Trung Quốc đặt hàng mức cao kỷ lục 1,96 triệu tấn đối với ngô và ít nhất 1,69 triệu tấn đối với đậu tương Mỹ hồi đầu tháng này. Nhập khẩu hạt kê Mỹ cũng tăng nhanh từ tháng 3 khi Trung Quốc miễn trừ thuế bổ sung đối với mặt hàng này.
Rủi ro an ninh nguồn cung thực phẩm đang trong tầm ngắm của Trung Quốc khi chủ tịch Tập Cận Bình đích thân tới thăm tỉnh sản xuất ngô lớn là Cát Lâm hồi đầu tháng và kêu gọi các nhà chức trách địa phương bảo vệ nguồn đất màu mỡ và đảm bảo “an ninh ngũ cốc” cho đất nước. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng luôn tái khẳng định rằng nguồn cung ngũ cốc của nước này được đảm bảo.
Theo South China Morning Post
Bình luận