Trung Quốc đang xây dựng các nhà máy chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp tại các khu vực rìa đô thị, đảo ngược các chính sách nước này kiên trì thực hiện vài năm qua để tái phân bố hoạt động chăn nuôi do lo ngại ô nhiễm chất thải, do chính phủ Trung Quốc đang ưu tiên an ninh lương thực hơn so với môi trường sau khi dịch tả lợn tàn phá nghiêm trọng quy mô chăn nuôi lợn của nước này.
Thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới này sẽ bổ sung nguồn cung khoảng 200 triệu con lợn thông qua xây dựng các nhà máy chăn nuôi trên khắp đất nước để khôi phục nguồn cung sau khi dịch tả lợn bùng phát vào năm 2018. Nhưng các nhà máy chăn nuôi mới tại khu vực ven đô các thành phố lớn đối mặt với chi phí sản xuất cao để ngăn ngừa các vấn đề như chất thải chăn nuôi ngấm vào nguồn nước và đất – các vấn đề khiến chính phủ Trung Quốc buộc phải mạnh tay tái phân bố hoạt động chăn nuôi trong giai đoạn 2015 – 2017.
Zu Sheng, chủ sở hữu Sifanghong Agriculture and Animal Husbandry, đang xây dựng 11 nhà máy chăn nuôi ở ngoại ô Bắc Kinh trong năm 2020. Địa điểm nằm tại quận phía đông Pinggu của thành phố này, cách khoảng 70km từ trung tâm thành phố, sẽ có quy mô 60.000 con lợn/năm. “Chúng tôi chỉ là một trong nhiều dự án lớn đang triển khai để bình ổn nguồn cung thịt của Bắc Kinh và bảo vệ sinh kế”, Zu cho hay.
Nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất Trung Quốc New Hope Liuhe cũng đang có kế hoạch xây dựng một trang trại chăn nuôi khép tín tại Pinggu với công suất 150.000 con lợn/năm. 6 trang trai khác đang được tái thiết và mở rộng, theo chính quyền Bắc Kinh cho biết. Bộ Nông nghiệp và các vấn đề nông thôn Trung Quốc không phản hồi trước các yêu cầu bình luận về chính sách chăn nuôi lợn.
Chính phủ Trung Quốc coi bình ổn nguồn cung thịt lợn là tối quan trọng đối với an ninh lương thực sau khi lạm phát tăng vọt trong năm 2019 do giá thịt lợn cao kỷ lục. Để đảm bảo nguồn cung tối thiểu cho mỗi vùng, tất cả các tỉnh và khu tự trị lớn phải đảm bảo một lượng nhất định hạn ngạch sản xuất thịt lợn. “Đây có thể coi là một điều chỉnh đối với các chính sách trước đó”, theo Wang Lisheng, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Nomura International, cho biết thêm rằng các nhà làm chính sách đã có bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2019 và họ cần “đa dạng hóa rủi ro”.
Là thành phố 20 triệu dân, Bắc Kinh phải sản xuất 890.000 con lợn/năm đến năm 2022 để đáp ứng 10% nhu cầu thịt lợn , theo kế hoạch vạch ra trong năm 2020, cao hơn khoảng 3 lần so với quy mô chăn nuôi năm 2019. Để đáp ứng các mục tiêu này, chính quyền thành phố đã lựa chọn các địa điểm phù hợp cho các trang trại mới và mời các doanh nghiệp tới đấu thầu các địa điểm, tinh giản quy trình thông thường trong tìm đất để chăn nuôi lợn.
Các thành phố và các khu vực phát triển khác cũng đang có động thái tương tự. Nam Kinh, thành phố 8 triệu dân ở phía đông nam, đang xây dựng 12 trang trại để đưa quy mô chăn nuôi lợn tăng gấp 4 lần so với năm 2018. Chiết Giang, thành phố ven biển miền nam Thượng Hải, muốn tăng 50% quy mô chăn nuôi lợn so với năm 2018.
Chăn nuôi lợn ở ven đô phần nào sẽ làm đảo ngược các hiệu ứng của chiến dịch quốc gia trước đó để làm sạch môi trường khi đóng cửa hơn 200.000 trang trại chăn nuôi lợn, phần lớn có quy mô nhỏ gần các nguồn nước và khu vực đông dân cư. Thay vào đó, chính phủ khuyến khích xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn tại các tỉnh đông bắc là Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh và Nội Mông, nơi có nhiều đất ít người hơn. Lợn sống sau đó được vận chuyển về các nhà máy giết mổ ở đô thị để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng thịt lợn tươi của người dân, nhưng lệnh cấm vận chuyển lợn sống để kìm chế dịch tả lợn làm gián đoạn mô hình kinh doanh này. Lệnh cấm này cũng khiến giá lợn sống tại các khu vực tiêu dùng tăng vọt lên mức kỷ lục.
Phép thử môi trường
Không giống như phần lớn các trang trại đã buộc phải đóng cửa, các trang trại quy mô lớn sử dụng ít diện tích đất trên đầu lợn hơn, ít thâm dụng lao động và hiệu quả hơn. Các trại chăn nuôi nhiều tầng đang trở nên phổ biến, theo Zou Zhihong, nhà quản lý tại Thượng Hải của công ty cung cấp thiết bị chăn nuôi của Mỹ Hog Slat Inc, cho hay, đặc biệt ghi nhận tại Chiết Giang, một tỉnh đồi núi với mật độ dân số cao. Những chủ sở hữu trại nuôi như Zu cho hay các trại nuôi hiện đại ít gây thiệt hại cho môi trường hơn các nhà chăn nuôi nhỏ đã bị đóng cả. Nhưng để đạt các tiêu chuẩn sạch hơn, các nhà chăn nuôi lợn Trung Quốc phải xây dựng các hệ thống xử lý chất thải với chi phí lên tới 500 NDT/lợn nái, tương đương 70,57 USD/lợn nái.
Tuy nhiên, không phải tất cả các hệ thống đều hoạt động hiệu quả. Năm 2018, Bộ Môi trường và Sinh Thái phát hiện ra chưa đến một nửa cơ sở chăn nuôi lớn tại Hắc Long Giang lắp đặt các hệ thống xử lý chất thải phù hợp hoặc không vận hành các hệ thống này đúng cách.
Các trại nuôi ven đô cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn về nước thải sau khi xử lý, càng làm tăng chi phí. Sifanghong hy vọng nước thải sau xử lý có thể cung cấp cho các nông dân trồng trọt ở lân cận, theo nhà quản lý sản xuất Wang Zhankun. Chính quyền quận Pinggu cũng đang triển khai một dự án thu gom chất thải rắn và phân phối cho nông dân trồng trọt làm phân bón. Mùi cũng là một vấn đề lớn cho các trại nuôi ven đô, dẫn tới việc lắp đặt các hệ thống khử mùi để xử lý tới 70% mùi hôi thối cũng làm tăng chi phí, theo Zou của Hog Slat.
Cũng có những mối lo ngại về an toàn sinh học, ông cho biết thêm do chăn nuôi lợn gần người làm tăng rủi ro truyền các loại virus như dịch tả lợn. “Chúng tôi thực sự không thích chăn nuôi lợn gần nơi người sống. Nhưng chúng tôi đang làm vậy bởi dịch tả lợn”, ông nhấn mạnh về lệnh cấm vận chuyển lợn sống.
Theo Reuters
Bình luận