Trung Quốc đang tăng phân bổ hạn ngạch nhập khẩu hưởng thuế thấp đối với ngô trong năm 2020 và có thể mở rộng sang hạn ngạch đối với lúa mỳ khi nước này đang tìm cách tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ và theo đúng cam kết tuân thủ các quy định thương mại quốc tế, theo các nguồn tin của Reuters cho hay . Trung Quốc có mục tiêu tự cung tự cấp 95% tiêu dùng gạo, ngô và lúa mỳ nhưng cho phép một lượng nhất định nhập khẩu thông qua cơ chế hạn ngạch thuế (TRQ). Các cơ chế hạn ngạch này cho phép các nhà nhập khẩu mua các lượng cụ thể ngũ cốc với mức thuế thấp chỉ 1%, so với mức thuế 65% ngoài hạn ngạch.
Tuy nhiên, hệ thống mập mờ của Trung Quốc bị các nhà xuất khẩu ngũ cốc chỉ trích rộng rãi, cho rằng Bắc Kinh đã không nhập khẩu đủ hạn ngạch theo cung cấp, hạn chế các đơn hàng nhập khẩu. Thuộc thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ vào tháng 1, Trung Quốc cam kết sử dụng toàn bộ hạn ngạch cho phép và đã ban hành các hạn ngạch nhập khẩu ngô hưởng thuế thấp lên tới hơn 6 triệu tấn từ đầu năm tới nay, theo 2 nguồn tin cho hay. CÁc nguồn tin không công bố danh tính do tính nhạy cảm của vấn đề. Lượng hạn ngạch ban hành trên bao gồm 1,5 triệu tấn hạn ngạch ban hành bổ sung hồi tháng trước, ngoài lô hạn ngạch nhập khẩu ban hành hồi đầu năm – thời điểm chính phủ Trung Quốc thường phân bổ hạn ngạch.
Bắc Kinh có thể ban hành tổng cộng hạn ngạch nhập khẩu ngô lên tới 7,2 triệu tấn, theo một nguồn tin khác thân cận với các kế hoạch của chính phủ Trung Quốc, và nếu thực vậy, đây sẽ là lần đầu tiên Trung Quốc cho phép nhập khẩu ngô toàn hạn ngạch. Cơ quan lập kế hoạch quốc gia là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, không phản hồi các câu hỏi qua fax ngoài giờ làm việc.
Bắc Kinh đặt ra hạn ngạch nhập khẩu ngô hàng năm là 7,2 triệu tấn, hạn ngạch lúa mỳ ở mức 9,64 triệu tấn và hạn ngạch nhập khẩu gạo ở mức 5,32 triệu tấn. CÁc hạn ngạch này không xác định cụ thể nguồn cung cấp bắt buộc. Với phần lớn hạn ngạch thường không được dùng đến nhưng không cũng không được cộng dồn vào năm tiếp theo, cac quyết định phân bổ hạn ngạch nói riêng không đủ để dự báo các ý định nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi thua vụ kiện Mỹ đưa ra WTO về hệ thống hạn ngạch ngũ cốc, Trung Quốc cũng đã cam kết cải thiện cách họ ban hành nhằm đảm bảo tỷ lệ hạn ngạch được sử dụng sẽ tăng lên. “Trung Quốc cần mua thêm nông sản Mỹ. Một cách để thực hiện là tăng cường sử dụng hạn ngạch nhập khẩu cho ngũ cốc như ngô”, theo một nhà quản lý doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc cho hay.
Trong quý 1/2020, nhập khẩu ngô của Trung Quốc đạt 1,25 triệu tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2019, và chủ yếu đến từ Ukraine, theo số liệu chính thức. Nếu hạn ngạch được sử dụng toàn bộ, thì giá trị nhập khẩu lúa mỳ sẽ lên tới 2,94 tỷ USD và giá trị nhập khẩu ngô sẽ đạt 1,52 tỷ USD theo giá thị trường hiện nay.
Hạn ngạch lúa mỳ của Trung Quốc cũng được “ban phát rộng rãi hơn” trong năm nay, đẩy nhập khẩu lúa mỳ tăng 23,1% lên 1,27 triệu tấn trong quý 1/2020 so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc chỉ sử dụng 1/3 hạn ngạch nhập khẩu lúa mỳ trong năm 2019. Ước tính có tới 90% hạn ngạch rơi vào tay các doanh nghiệp thương mại nhà nước, với phần rất ít ỏi dành cho các nhà sản xuất tư nhân.
Nhưng năm 2019, Bắc Kinh tuyên bố các công ty tư nhân có thể nộp hồ sơ để hưởng một phần hạn ngạch, sử dụng nhà giao dịch thuộc sở hữu nhà nước như một đại diện pháp lý, đồng thời tuyên bố toạn bộ cơ chế hạn ngạch nên dựa trên “các điều kiện thị trường”. Reuters không nhận định về mức độ thay đổi đang được triển khai. Nhưng một nguồn tin cho hay nhập khẩu lúa mỳ có thể lên tới 7 triệu tấn trong năm 2020. “Chính phủ có thể phân bổ thêm hạn ngạch hoặc kêu gọi tăng sử dụng hạn ngạch đã ban hành”, ông cho biết thêm nguồn ngũ cốc có thể đến từ Mỹ và bất cứ nước nào.
Theo Reuters
Bình luận