Ngũ cốc

COVID-19 châm ngòi cho đợt biến động nguồn cung và giá cả loại nông sản nhạy cảm nhất châu Á

0

Gạo không chỉ là lương thực thiết yếu cho các nước tại châu Á mà cả tại Úc và châu Phi. Vì vậy, khi người dân muốn tích trữ những loại thực phẩm thiết yếu, gạo trở thành một mục tiêu chung mà người ta buộc phải giành giật, theo CEO Catherine Sayer của Food South Australia.

“Gạo là một trong những thực phẩm chính mà người dân Úc đã giành giật nhau để mua khi các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn được triển khai”, bà Sayer trả lời phỏng vấn Food Navigator Asia. “Đây là loại thực phẩm có thể sử dụng lâu và tất cả mọi người đều cần có trong bếp. Mặc dù hiện khá khó định lượng tác động thực sự mà các lệnh cấm xuất khẩu và giảm nguồn cung từ Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc, chắc chắn nhiều người đã tích trữ gạo nhiều hơn mức họ cần bởi tính thiết yếu của loại thực phẩm này”.

Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới – quyết định ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo hồi tháng 3 để đảm bảo nguồn cung nội địa và Campuchia cũng nối gót khi cấm xuất khẩu mọi loại gạo, trừ gạo thơm. Mặc dù Việt Nam đã nối lại xuất khẩu gạo trong tháng 4 và đặt ra mức hạn ngạch 400.000 tấn, nhưng những lo ngại về khả năng các nước xuất khẩu gạo lớn khác như Ấn Độ và Thái Lan cũng quyết định ngừng xuất khẩu gạo.

Ngoài các nước xuất khẩu gạo, một tâm điểm chú ý khác là Trung Quốc – nước hiện sở hữu kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, hơn một nửa trong tổng dự trữ gạo toàn cầu 466 triệu tấn hiện đang tập trung tại Trung Quốc (266 triệu tấn) – nghĩa là những gì nước này quyết định sắp tới và cách Trung Quốc quản lý các kho dự trữ gạo của họ sẽ có tác động rất lớn tới các biến động thị trường gạo toàn cầu. “Trong 10 năm qua, phần lớn mức tăng tồn kho gạo hàng năm trên thế giới đều do tăng dự trữ gạo tại Trung Quốc, chiếm tới 73 triệu tấn trong tổng mức tăng 80 triệu tấn”, theo giám đốc khu vực châu Á của Trung tâm Khoai tây Quốc tế Samarendu Mohanty: “Tại châu Á, an ninh lương thực chủ yếu liên quan đến mức sẵn có và khả năng chi trả cho giá gạo của người dân bởi đây là thực phẩm thiết yếu quan trọng nhất cho phần lớn người dân – nhưng xét đến bất cứ khía cạnh nào về bình ổn thị trường gạo trong và sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn sẽ phải đóng một vai trò quan trọng trong kìm chế sự hoảng loạn”.

Loại nông sản nhạy cảm nhất

Gạo cũng là hàng hóa tâm điểm của các cuộc tranh luận chính sách bảo hộ, giữa những nghi ngại dấy lên rằng đóng cửa biên giới và cấm xuất khẩu như quyết định của Việt Nam sẽ đẩy giá gạo vào tình thế thảm họa. “Giá gạo vốn đã tăng mạnh trong tháng 3 khi giá gạo trắng 5% tấm Thái Lan tăng vọt 20% trước thông tin về việc Việt Nam tạm ngừng xuất khẩu gạo và Ấn Độ bước vào giai đoạn 21 ngày phong tỏa toàn quốc”, ông Mohanty phát biểu. “Đây là một hàng hóa cực kỳ nhạy cảm về chi phí do nhiều người dân khu vực châu Á Thái Bình Dương phụ thuộc vào loại lương thực này nên khi giá gạo tăng thì nhiều người có thể chết đói”.

Một trong những nước lo lắng nhất là Philippines – với 89% nguồn cung nhập khẩu gạo đến từ Việt Nam. Theo ông Mohanty, khoảng 20% người Philippines chi 25% thu nhập sống của họ vào việc mua gạo. Giám đốc Rice Watch Action Network, một tổ chức NGO của Philippines cũng đồng ý với ông Mohanty, cho rằng tình trạng hiện tại của Philippines là “dễ tổn thương” và “bất ổn”. “Chúng tôi trở nên rất dễ tổn thương khi các cú shock toàn cầu như đai dịch hiện nay đẩy giá gạo tăng do nguồn cung trở nên khan hiếm và/hoặc một số nước giữ lại gạo cho tiêu dùng trong nước”, bà trả lời phỏng vấn Manila Times. “An ninh lương thực đang là rủi ro chính và tình hình hiện nay càng làm nghiêm trọng hóa tác động của COVID-19”.

Nông dân trồng lúa Philippines cũng đang đối mặt với những khó khăn sản xuất do không nhận được hỗ trợ cơ giới hóa và mua giống từ Bộ Nông nghiệp chuyenẻ giao cho Quỹ Thúc đẩy Khả năng Cạnh tranh ngành gạo địa phương (RCEF). “Đối với an ninh lương thực Philippines và để đảm bảo đất nước này tránh tình trạng đói trên diện rộng, chúng tôi kêu gọi Bộ Nông nghiệp triển khai phần còn lại của các quỹ RCEF năm 2019 và phân bổ mới quỹ RCEF cho năm 2020”, theo liên minh nông dân Bayanihan Para sa Agrikultura Laban.

Thái Lan nhảy vào

Trên toàn cầu, chỉ Thái Lan là nước duy nhất giữ lập trường tiếp tục xuất khẩu gạo giữa bối cảnh COVID-19. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với tình hình hồi đầu năm trên thị trường gạo Thái Lan – khi vị thế nước xuất khẩu gạo lớn nhất Đông Nam Á của nước này bị đe dọa nghiêm trọng bởi Việt Nam.

Tình hình hiện nay thậm chí còn cho phép Thái Lan nâng giá gạo – theo dữ liẹu từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo Thái 5% tấm đạt 579 USD/tấn vào ngày 8/4, so với mức 510 USD/tấn ngày 18/3 – tăng 13,5% chỉ sau vài tuần. Cùng kỳ năm 2019, giá gạo Thái dao động trong khoảng 405 – 413 USD/tấn.

Nhưng khó khăn có thể vẫn còn ở phía trước – hạn hán tai Thái Lan là một trong những nguyên nhân khiến giá gạo tăng mạnh trong năm vừa qua và tình hình vẫn chưa biến chuyển tích cực tính tới thời điểm COVID-19 bùng phát. Theo Bangkok Post, Cơ quan Thủy lợi Hoàng Gia Thái Lan tạm ngừng sản xuất lúa vụ mùa do thiếu nước, làm dấy lên những nghi ngại ngay cả khi Thái Lan cam kết tiếp tục xuất khẩu gạo “như thường lệ”.

Ông Mohanty cho biết thêm hoạt động sản xuất cũng sẽ gặp nhiều khó khăn xét đến thực tế là Thái Lan phụ thuộc nặng nề vào nguồn lao động nhập cư từ Campuchia, Lào và Myanmar để cấy lúa thủ công – thường là vào tháng 5 tại Thái Lan. Nhiều lao động đã dời Thái Lan do nỗi lo về lệnh phong tỏa và nếu COVID-19 kéo dài suốt đợt xuống giống thì sản xuất gạo và giá gạo có thể sẽ bị tác động tiêu cực hơn nữa.

Theo Food Navigator Asia

Admin

Tình hình nông nghiệp – thực phẩm hậu COVID-19 tại Trung Quốc

Bài trước

Dữ liệu container cho thấy kỳ vọng phục hồi nhu cầu khi Trung Quốc mở cửa và bình ổn giá vận chuyển

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc