Để hạn chế sự lây lan của Covid-19, chính phủ Nhật Bản áp dụng lệnh đóng cửa trường học vào cuối tháng 2 vừa qua. Nhiều công ty khuyến nghị nhân viên làm việc tại nhà. Người tiêu dùng Nhật Bản hiện đang bắt đầu “đóng kén”. Sau hơn 2 tuần đóng cửa trường học, một số nhà sản xuất thực phẩm đã bắt đầu cảm nhận được tác động của xu hướng tiêu dùng “đóng kén”.
Theo Toyo Suisan, một nhà sản xuất thực phẩm ăn liền, nhu cầu đối với mì ăn liền và gạo đóng gói tăng gấp 2 lần so với thông thường. Ngoài ra, TableMark, một nhà sản xuất thực phẩm đông lạnh cho biết các đồ ăn từ mì và há cảo được tiêu dùng như đồ ăn vặt cũng có nhu cầu cao. Dễ hiểu là những bữa ăn dễ chế biến và ăn vặt đang được bán với tốc độ nhanh, doanh số cao.
Súp là một phân khúc khác. Thực tế, súp được cho là hàng hóa chịu tác động tích cực từ xu hướng đóng kén hiện nay. Theo Ajinomoto, dòng sản phẩm súp có tốc độ tăng trưởng doanh số rất chậm chạp trong 2 năm qua, chủ yếu do mùa đông tương đối ấm. Tuy nhiên, vào cuối tháng 2, nhu cầu đột ngột tăng vọt và phân khúc này đang chứng kiến nhu cầu rất ổn định. Ajinomoto, sản xuất thương hiệu Knorr tại Nhật Bản, cũng cho biết chiến dịch “Asa Mug” nhận dược phản hồi tốt. Trong chiến dịch này, công ty xúc tiến các công thức súp sử dụng Knorr làm bữa ăn sáng bằng cách đơn giản là trộn cơm và súp để tạo ra một trải nghiệm tiêu dùng mới với thương hiệu này.
Quan sát tăng trưởng doanh số trong các phân khúc thực phẩm với xu hướng đóng kén hiện nay, các sản phẩm dễ chế biến, ăn liền đang thu hút nhu cầu lớn của người tiêu dùng Nhật Bản. Dễ hiểu, việc đóng cửa trường học và làm việc tại nhà nghĩa là nhiều người tiêu dùng đang dùng bữa tại nhà thường xuyên hơn. Ngoài ra, một số gia đình cũng tìm kiếm các sản phẩm mà trẻ nhỏ dễ dàng tự chuẩn bị. Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa quyết định thời điểm chấm dứt lệnh cấm đóng cửa trường học. Nhu cầu cao đối với các phân khúc thực phẩm chuẩn bị nhanh và dễ dàng sẽ tiếp diễn.
Theo GlobalData Consumer
Bình luận