Theo các dự báo của BMI Research, ngành thực phẩm của Việt Nam dự báo đạt tăng trưởng hàng năm 10,9%/năm từ 2015-2020. Hàng loạt các tên tuổi quốc tế, đặc biệt là từ các nước mà Việt Nam có ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đang tìm cách nắm lấy cơ hội thâm nhập vào thị trường Việt Nam để tận dụng lợi thế từ các thỏa thuận này.
Keith Colwell, Bộ trưởng Nông Thủy sản của Nova Scotia từ Canada, cho hay các doanh nghiệp thực phẩm Canada đang dịch chuyển trọng tâm sang Việt Nam sau những bước phát triển trên thị trường Trung Quốc và nhờ giảm thuế theo Hiệp định Đối tac Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các công ty từ Canada muốn mang các sản phẩm cao cấp như thủy sản, nông sản và đồ uống tới các thị trường mới như Việt Nam, ông Colwell giải thích rằng giảm thuế theo CPTPP giúp các sản phẩm Canada trở nên cạnh tranh hơn tại Việt Nam.
Bên cạnh các doanh nghiệp Canada, ngày càng nhiều các doanh nghiệp Nhật Bản cũng muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, bao gồm thực phẩm, theo Tổ chức Thương mại Quốc tế Nhật Bản (JETRO). Ông Hironobu Kitagawa, trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho hay Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng tiềm năng chưa được tận dụng. Các nhà đầu tư Nhật Bản có nhiều kinh nghimẹ trong nông nghiệp công nghệ cao và họ muốn đầu tư vào Việt Nam với lợi thế này.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào ngành thực phẩm Việt Nam cũng đang được thuận lợi hóa do chế biến thực phẩm là một trong những ngành mà Việt Nam ưu tiên trong các kế hoạch tăng trưởng tới năm 2025 với tầm nhìn tới năm 2035.
Với ưu tiên này, chính phủ đang có các chính sách ưu đãi thuế cho ngành chế biến thực phẩm, bao gồm miễn thuế nhập khẩu cho các công nghệ để nâng cấp chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Theo giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thuộc Cục Xúc tiến Thương mại Lê Hồng Minh, tổng giá trị FDI đổ vào gnành chế biến thực phẩm của Việt Nam ước đạt 11,2 tỷ USD với 717 dự án, chưa tính tới các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần hoặc tiến hành thâu tóm và sát nhập. Phần lớn các dự án trong ngành chế biến thực phẩm tập trung tại các thành phố và tỉnh thành lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Triển vọng tăng trưởng cao
Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy tiêu dùng thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước đạt 15% GDP. Trogn 5 năm qua, tiêu dùng trung bình hàng năm các loại thực phẩm và đồ uống chế biến tăng trưởng lần lượt ở mức 9,68%/năm và 6,66%/năm.
Theo các dự báo của BMI Research, ngành thực phẩm Việt Nam dự báo đạt tăng trưởng hàng năm 10,9%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020, đưa ngành này trở thành một lĩnh vực thu hút các nhà đầu tư. Tiềm năng của ngành thực phẩm không chỉ ở tiêu dùng nội địa mà còn cả xuất khẩu. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đã vươn tới hơn 100 nước và vùng lãnh thổ.
Ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết Việt Nam đã ký 12 FTAs với các nước khác, giúp các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam mở rộng được quy mô thị trường, tăng sản lượng xuất khẩu và giảm chi phí nhập khẩu nguyên liệu, máy móc và thiết bị, sẽ là lợi thế cho giá thành sản phẩm và cải thiện năng lực cạnh tranh của ngành này tại Việt Nam. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành thực phẩm, ông Phú cho biết Bộ Công thương sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ NNPTNT và các cơ quan khác để mang lại các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến Thương mại cũng tập trung vào tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm.
Theo Hanoitimes
Bình luận