Xuất khẩu thủy sản thân mềm sang Nhật Bản tăng ổn định
Trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản thân mềm sang Nhật Bản đạt 61,3 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, trong tháng 5/2019, xuất khẩu thủy sản thân mềm sang Nhật Bản đạt 15,2 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng ky fnăm 2018. Nhật Bản vẫn duy trì vị thế là thị trường nhập khẩu thủy sản thân mềm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tới 25,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản thân mềm.
Tỷ trọng xuất khẩu bạch tuộc của Việt Nam sang Nhật Bản gần tương đương tỷ trọng xuất khẩu mực ống. Trong cơ cấu xuất khẩu bạch tuộc và mực ống Việt Nam sang Nhật Bản, xuất khẩu mực ống tươi/đông lạnh chiếm tỷ trọng cao nhất.
Theo thống kê của ITC, trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu thủy sản thân mềm của Nhật Bản đạt 116,7 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, xuất khẩu mực nang và các sản phẩm chế biến chiếm tới 77% tổng giá trị nhập khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu mực ống chế biến của Nhật Bản đạt hơn 90 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, nhập khẩu bạch tuộc chế biến giảm 6% trong cùng kỳ so sánh – lên hơn 23 triệu USD, chiếm gần 20% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản thân mềm. Các sản phẩm mực ống đông lạnh chiếm chỉ 2,8% tổng kim ngạch nhập khẩu, mặc dù Nhật Bản có xu hướng tăng nhập khẩu các sản phẩm này, với mức tăng tới 884%.
Các sản phẩm nhập khẩu chính của Nhật Bản vẫn là mực ống chế biến. Việt Nam nằm trong top 4 nước xuất khẩu mực ống chế biến lớn nhất sang Nhật Bản, sau Trung Quốc, Peru, và Thái Lan, theo sau Việt Nam là Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Trung Quốc chiếm tỷ trọng áp đảo trong phân khúc sản phẩm này với 88% tổng giá trị nhập khẩu của Nhật Bản trong khi Việt Nam chỉ chiếm chưa đến 2%. Trong 4 tháng đầu năm 2019, Nhật Bản tăng mạnh nhập khẩu mực chế biến từ Trung Quốc và Peru, Thái Lan trong khi giảm nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Tây Ban Nha.
Các sản phẩm mực ống chế biến từ Thái Lan và Tây Ban Nha xuất khẩu sang Nhật Bản có giá trung bình 21 – 31 USD/kg, cao hơn nhiều so với các nhà cung cấp khác (4,8 – 6,8 USD/kg). Cùng với Thái Lan và Tây Ban Nha, giá nhập khẩu mực ống trung bình từ Việt Nam cũng tăng từ 4,8 USD/kg vào tháng 1/2019 lên 5,7 USD/kg trong tháng 4/2019; trong khi giá nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác đều giảm.
Các sản phẩm thủy sản thân mềm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản trong những tháng đầu năm 2019 bao gồm nhiều sản phẩm đa dạng như mực ống nguyên con đông lạnh, mực ống cắt miếng, mực ống cắt phile, mực ống đông lạnh các kiểu quả dứa, mực nang đông lạnh cắt kiểu lược, mực nang chế biến, mực ống sushi, bạch tuộc tẩm bột,…
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực tư ngày 14/1/2019 và xuất khẩu thủy sản thân mềm của Việt Nam sang Nhật Bản trong tương lai gần dự báo sẽ hưởng lợi từ các chính sách thuế ưu đãi của thỏa thuận này.
Theo VASEP
Bình luận