Đầu tư

Nông nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ làn sóng đầu tư tư nhân

Đầu tư tư nhân đang giúp nông dân và các tổ chức nông nghiệp gia tăng năng lực kinh doanh.

Hàng trăm người dân địa phương tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa những ngày này đang bận rộn với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho sáng kiến ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của tập đoàn TH. Với vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng (165 triệu USD) và quy mô 20.000 con bò sữa, dự án này thừa hưởng các thành quả của trang trại bò sữa công nghệ cao trị giá 1,2 tỷ đô mà tập đoàn TH đã triển khai 10 năm qua tại Nghệ An để sản xuất loại sữa tươi chất lượng cao. Bên cạnh dự án này, tập đoàn cũng đang xây dựng giai đoạn đầu tiên của trang trại bò sữa công nghệ cao tại huyện miền núi Sơn Hóa thuộc tỉnh Phú Yên, với vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng (50 triệu USD). Với các dự án này, tập đoàn TH đặt mục tiêu mở rộng quy mô chăn nuôi bò sữa lên 400.000, đóng góp cho mục tiêu 500.000 bò sữa theo kế hoạch hành động phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của chính phủ.

Một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào ngành nông nghiệp trong những tháng vừa qua là Nafoods Group. Sau khi đưa vào vận hành một khu sản xuất rộng 2ha trị giá 9 triệu USD tại tỉnh Sơn La, doanh nghiệp này đang hoạt động với công suất 120 tấn sản phẩm/ngày. Vào cuối tháng 6/2019, Nafoods đã ký một thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, Nafoods sẽ nhận được khoản hỗ trợ trị giá 8 triệu USD từ IFC để mở rộng sản xuất. Công ty cũng có kế hoạch mở rộng nhà máy tại tỉnh Long An và xây dựng một khu sản xuất tại Tây Nguyên để đóng gói trái cây tươi. Với sự mở rộng của Nafoods, hiện có hơn 11.500 nông dân tham gia chuỗi cung ứng này và hơn 150 việc làm toàn thời gian tạo ra tại các nhà máy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tập đoàn Nafoods, cho hay: “Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện giá trị sản phẩm bằng cách áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, cải thiện các cơ sở sản xuất chế biến. Chúng tôi tìn rằng cải thiện năng lực sản xuất sẽ mang lại cho chúng tôi thêm nhiều cơ hội tăng thu nhập cho nông dân địa phương và đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu giá trị cao”.

Trong một diễn biến khác, trong nửa đầu năm 2019, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đón nhận luồng đầu tư 1.000 tỷ đồng (43,4 triệu USD) thông qua một tên tuổi hoàn toàn mới – Tập đoàn Đầu tư Thế giới Di Động. Với khoản đầu tư này, doanh nghiệp này sẽ nâng số cửa hàng Bách Hóa Xanh lên 700 vào cuối năm 2019.

Trong lĩnh vực thức ăn thủy sản, Tập đoàn Thủy sản Việt Úc cũng vừa đầu tư 200 tỷ đồng (8,7 triệu USD) vào một dự án nuôi cá tra giống công nghệ cao tại thị xã Tân Châu của An Giang.

Các công ty nước ngoài bước vào cuộc đua

Cùng với các doanh nghiệp tư nhân nội địa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đang bước vào cuộc đua đầu tư vào ngành nông nghiệp.

Tại tỉnh Bến Tre hồi đầu tháng 8, CTCP Đầu tư Thủy sản Huy Thuận đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty Hà Lan De Hues. Huy Thuận sẽ chuyển giao nhà máy thức ăn thủy sản Tomking cho De Hues, và trở thnàh nhà phân phối thức ăn thủy sản và tôm giống. “De Hues không cạnh tranh với các nhà sản xuất giống và không muốn tham gia hoạt động chăn nuôi mà chỉ tập trung và dinh dưỡng vật nuôi và sản xuất TACN”, theo tổng giám đốc De Hues châu Á Gabor Fluit cho hay. “Chúng tôi tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nông dân và doanh nghiệp Việt Nam, hình thành một chuỗi giá trị khép kín từ nông trại tới bàn ăn, trong đó De Hues là nhân tố điều phối chuỗi”.

Theo ông Fluit, bên cạnh dự án này, De Heus cũng đang gấp rút hoàn thành nhà máy ấp gà thứ hai tại tỉnh Long An để có thể bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 4/2019. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang mở rộng quy mô chăn nuôi lợn tại tỉnh miền bắc Sơn La để kịp nhập khẩu lứa lợn đầu tiên vào tháng tới. “Tổng giá trị đầu tư các dự án này là 20 triệu USD và chúng tôi hy vọng với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi sẽ có thể tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam”. Ông Fluit cho hay ngoài De Hues, trong những năm gần đây, nhiều công ty nước ngoài cũng đầu tư vào Việt Nam như Bayer của Đức, Cargill của Mỹ, CP của Thái Lan hay các tập đoàn của Singapore là Olam và  NTUC Fairprice.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, có 2.200 doanh nghiệp mới htành lập trong ngành nông nghiệp, tăng 12,3% so với năm 2017. Cả nước hiện có 13.400 HTX nông nghiệp, 55% trong số này hoat động có hiệu quả. Con số HTX thành lập mới trong năm 2018 là 1.935, tăng 63% so với năm 2017 và 35.500 trang trại, tăng 1.500 trang trại so với năm 2017. Nền kinh tế hộ gia đình tại khu vực nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang ngày một hiệu quả hơn.

“Bất chấp thực tế nông nghiệp phụ thuộc nặng nề vào thời tiết, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đang phát triển mạnh mẽ nhờ ứng dụng các công nghệ mới, qua đó cải thiện ngành nông nghiệp Việt Nam”.

Theo ông Trần Công Thắng, phó viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển NNNT thuộc Bộ NNPTNT, khu vực tư nhân bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đang góp phần giúp thay đổi cơ cấu kinh tế tại các khu vực nông thôn. “Hoạt động đầu tư vào các công nghệ cao và quy mô sản xuất lớn giúp nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Ông cho hay đầu tư tư nhân, đặc biệt từ các công ty lớn, đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nông dân, biến họ trở thành các nhà kinh doanh trên chính mảnh đất của mình. Ngoài ra, đầu tư vào các nhà máy chế biến sẽ giúp ổn định thị trường.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng FDI vào ngành nông nghiệp vẫn còn nhỏ bé xét về quy mô dự án lẫn tỷ trọng đầu tư so với tổng FDI. “Đến cuối năm 2018, tổng vốn đầu tư FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng đầu tư FDI vào Việt Nam”. Theo ông, các yếu tố như thị trường nội địa lớn và phát triển mạnh thị trường xuất khẩu nhờ các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, cũng như khuyến khích của chính phủ thông qua Nghị quyết số 53/NQ-CP ban hành ngày 17/7 về các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hiệu quả, an toàn và bền vững vào ngành nông nghiệp là tiềm năng cho Việt Nam để thu hút thêm đầu tư vào ngành nông nghiệp, giúp đạt mục tiêu một nền nông nghiệp ngày càng bền vững trong tương lai.

Theo VIR
Admin

Bộ NN&PTNT cho biết thị trường tín chỉ carbon 'rất phức tạp'

Bài trước

Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Đầu tư