Đề xuất của Colombia nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của giá cà phê New York có thể gây tác động tiêu cực
Một đề xuất gần đây của Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia rằng các nước sản xuất cà phê bán cà phê chất lượng cao của họ sao cho thoát khỏi sự ảnh hưởng của giá cà phê trên thị trường New York. Tuy nhiên, các nhà xuất nhập khẩu cà phê cho rằng đề xuất này có thể khiến người mua tìm các nguồn cung thay thế. Liên đoàn trên vào cuối tháng 2/2019 đã thảo luận về các giải pháp nhằm cắt đứt ảnh hưởng của giá cà phê New York cùng với các nhà sản xuất và mua cà phê Arabica chất lượng cao khác trong một nỗ lực bán cà phê với giá có lãi.
Giá cà phê trên thị trường New York dao động quanh mức 1 USD/pound trong những tháng đầu năm 2019 và từng tụt xuống mức thấp nhất trong vòng 13 năm khi giá hợp đồng cà phê Arabica tương lai trên thị trường ICE chạm mốc 94,65 cents/pound. Brazil đã thu hoạch sản lượng cà phê cao kỷ lục hồi năm ngoái và đang tiến tới một vụ thu hoạch bội thu khác trong năm nay, bất chấp năm nay là năm thấp điểm theo chu kỳ năm cao năm thấp nối tiếp theo. Colombia, vốn là nước có cà phê hưởng chênh giá cao hơn giá hợp đồng tương lai, đang đề xuất cắt đứt mối liên hệ về giá này, khi đạt mức giá 1,4 – 1,5 USD/pound trên thị trường.
Bất chấp đề xuất được lòng những người trồng cà phê đang gặp đầy khó khăn, một mức giá như vậy có thể đẩy người mua sang các đối thủ cạnh tranh. “Chỉ một thời gian ngắn trước đây, cà phê Colombia còn hưởng mức chênh giá cao hơn so với giá thị trường nhờ chất lượng tuyệt hảo”, theo ông Shawn Hackett, chủ tịch của Hackett Financial Advisors, một hãng nghiên cứu tư vấn và môi giới các hợp đồng hàng hóa tương lai tại Florida, chuyên về các hàng hóa nông sản. “Giờ đây, Brazil có thể cung ứng nguồn cà phê chấ lượng cao, và các nguồn cà phê chất lượng còn cao hơn cũng xuất hiện từ Trung Mỹ và châu Phi”.
Những nỗ lực trong quá khứ
Liên đoàn những người trồng cà phê Colombia từ lâu đã đề xuất ý tưởng này với những người mua lớn nhằm đảm bảo các nhà sản xuất có lời. Nông dân Colombia cần bán cà phê với giá 760.000 peso/125kg, tương đương 245,84 USD/125kg cho thị trường nội địa để trang trải chi phí sản xuất.
Việc thành lập các cartel để đặt giá cà phê từng được thử nghiệm trước đây nhưng thất bại. Năm 2000, một nỗ lực khuyến khích những người trồng cà phê giữ lại 20% sản lượng cho tới khi giá tăng lên 1,05 USD/pound đã bị đỏ vỡ sau khi chỉ một vài nước sản xuất – bao gồm Colombia – đồng ý tham gia. Mức giá mục tiêu cao hơn thì động lực cho những nhà sản xuất ngoài thỏa thuận đẩy tăng sản lượng càng mạnh, theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc đánh giá về nỗ lực này. Việc kiểm soát thành công giá cà phê cũng sẽ cần đến sự tham gia của các nhà nhập khẩu, vốn thường từ chối tăng giá mua, bất chấp những cảnh báo rằng nông dân sẽ chuyển sang các cây trồng khác nếu hoạt động sản xuất hiện tại không sinh lời.
Do giá cà phê giảm mạnh và sự chậm trễ trong quá trình chứng nhận cà phê hữu cơ, các nhà sản xuất cà phê tại Peru chẳng hạn, đang từ bỏ hoạt động sản xuất cà phê để trồng coca, một thành phần chính trong cocaine, theo báo cáo của Liên đoàn cà phê Colombia gần đây. Năm 2013, một số nông dân Colombia thậm chí đã chuyển từ trồng cà phê Arabica sang cà phê Robusta có chi phí sản xuất rẻ hơn, chủ yếu sử dụng sản xuất cà phê hòa tan. “Nếu mức chênh giá giữa thị trường và giá cà phê mà các nhà xuất khẩu cà phê Colombia đang cố gắng đặt ra đủ lớn, bạn có thể sẽ chứng kiến nhiều người mua chuyển sang các nguồn cung khác”, theo một nhà nhập khẩu Mỹ cho biết. “Các nhà giao dịch trên thị trường sẽ trở nên giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Colombia”.
Các nhà xuất khẩu cà phê Colombia cũng đồng ý như vậy. “Tôi không nghĩ đề xuất này là thực tế”, theo Giancarlo Ghiretti, từ nhà xuất khẩu cà phê đặc sản Caravela Coffee. “Bán những lô cà phê lớn ra thị trường rất khó và rủi ro. Những người mua lớn sẽ tìm cách thay thế cà phê Colombia bằng các nguồn cung khác.
Hiệp hội cà phê quốc gia Mỹ cho biết các thành viên, bao gồm các chuỗi cửa hàng cà phê lớn như Starbucks và Peet’s Coffee & Tea, đồng ý về mức tăng trưởng cần thiết để tạo ổn định cho nông dân nhưng kiểm soát giá thường không thành công. “Áp lực tìm cách giải quyết nhanh các vấn đề kinh tế là dễ hiểu trong bối cảnh vận động thị trường hiện nay, lịch sử cho thấy các chính sách thiết kế nhằm kiểm soát giá cuối cùng là gây thiệt hại cho chính những đối tượng mà chính sách ấy nhằm bảo vệ”, theo chủ tịch Hiệp hội Bill Murray nhận định.
Trong năm 2018, sản lượng cà phê Arabica chế biến ướt của Colombia đạt 13,6 triệu bao loại 60kg, giảm 4,5% so với năm 2017. Thời tiết khô được dự báo sẽ giúp phục hồi sản xuất cà phê tại Colombia trong năm 2019.
Theo Reuters
Bình luận