Tính chính trị của ngành cao su Thái Lan: Những mảnh đất cao su khốn khổ có thể làm thay đổi bản đồ bầu cử
Chỉ với một chiếc đèn pha cài trên đầu, Wanna Graikoom mò mẫm trong bóng tối ở khu vực miền Nam Thái Lan khi làm việc xuyên đêm với chồng và con trai, thu hoạch mủ cao su từ hơn 1.000 cây cao su. Sau 12 tiếng làm việc, ba người trong gia đình này thường nhận được 300 Baht – thấp hơn lương tối thiểu cho người lao động Thái Lan – nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Cứ 1 trên 10 người Thái phụ thuộc vào thương mại cao su để kiếm sống, hiện đang phải chịu áp lực kinh tế nặng nề sau khi giá cao su thế giới giảm tới 65% kể từ năm 2011, năm cuối cùng nước này tổ chức một cuộc bầu cử lớn.
Tình trạng này có thể làm thay đổi cục diện truyền thống về khu vực bầu cử khi Thái Lan bước vào cuộc bỏ phiếu ngày 24/3 tới – một cuộc bầu cử với mục tiêu khôi phục dân chủ sau khi chính quyền quân sự lên nắm quyền vào năm 2014. Những người bỏ phiếu tại hai khu vực sản xuất cao su chính của nước này – Nam và Đông Bắc – đang tìm kiếm những ý tưởng mới, không quan trọng đảng nào sẽ đứng về phía họ.
Giống như phần lớn người dân miền Nam Thái Lan, bà Wanna đã luôn bầu cho Đảng Dân chủ, vốn đã bị mất quyền lực năm 2011 vào tay Đảng Pheu Thai của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Nhưng bà cũng đang cân nhắc bỏ phiếu cho bất cứ đảng nào có khả năng thúc đẩy giá cao su và giúp tăng thu nhập của gia đình bà.
Tương tự, những người sản xuất cao su tại khu vực Đông Bắc – nơi từng giúp ông Thaksin và các đồng minh chiến thắng mọi cuộc bầu cử từ năm 2011, cho tới khi bị chính quyền quân sự hoặc tòa án lật đổ - cũng đang tìm kiếm ứng cử viên của mình. “Một số trong chúng tôi tại khu vực này không còn khả năng chi trả tài chính cho việc học hành của con cái và một số không còn thanh toán được nợ mu axe”, theo Sa-nga Kunkum, lãnh đạo một nhóm nông dân sản xuất cao su địa phương tại Loei cho hay. “Họ có thể sẽ bỏ phiếu cho bất cứ ai họ cho là có thể cải thiện tình hình hiện tại”.
Giá giảm sâu
Nông dân và người thu nhập thấp tại Thái Lan chiếm hơn một nửa số người đi bỏ phiếu tại nước này. Các đảng phái chính trị từ lâu đã tìm kiếm bảo đảm số phiếu bầu dựa vào bảo đảm giá nông sản, các khoản vay lãi suất thấp và dịch vụ y tế rẻ.
Giá cao su thế giới đã giảm sâu trong những năm gần đây, một phần do tình trạng bùng nổ trồng mới cao su tại Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Khi diện tích cao su này trưởng thành, một nguồn cung lớn bị đẩy ra thị trường; trong khi nhu cầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, giảm. Giá cao su xuất khẩu từ Thái Lan đã giảm 24% trong năm 2018 so với năm 2017.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha – người lãnh đạo chính phủ quân sự từ năm 2014 sau khi lật đổ em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, và đang hy vọng quay trở lại ghế thủ tướng sau bầu cử - cho rằng tình trạng dư cung và giá giảm một phần gây ra bởi vị thủ tướng đang lưu vong. Ông Thaksin cũng từng bị lật đổ năm 2006 bởi chính quyền quân sự và bị kết tội tham hung trong một phiên tòa ông cáo buộc là có động cơ chính trị.
Trước khi ông Thaksin lên nắm quyền năm 2001, sản xuất cao su tại Thái Lan tập trung tại miền nam và đông nước này. Sau đó, ông Thaksin đã triển khai các chính sách khiến diện tích cao su tăng lên hàng trăm ngàn ha tại căn cứ chính trị của ông tại miền bắc và đông bắc, hiện là khu vực sản xuất cao su lớn thứ 2 Thái Lan, sau khu vực miền nam. Các chỉ trích cho rằng diễn biến này dẫn đến tăng mạnh diện tích trồng cao su, thậm chí tại một số khu vực thổ nhưỡng không phù hợp, dẫn đến dư cung. Nhưng những người phản đối cho rằng chính phủ ông Thaksin đã tạo ra nhưng cơ hội việc làm mới trong khu vực có tiềm năng trồng cao su nhưng đã bị chối bỏ. Cho tới nay, nhiều đảng phái đề xuất giải pháp tập trung vào trợ cấp giá cho nông dân thay vì giải quyết vấn đề thiếu cầu. Trong số các đảng phái lớn, đảng Dân chủ - đối thủ số 1 của Pheu Thai – đã đưa ra đề xuất tham vọng nhất cho tới nay: đảm bảo thu nhập 60 Baht/kg, so với mức giá thị trường hiện nay khoảng 35 – 40 Baht/kg.
Những người bỏ phiếu đầy hoài nghi
Pheu Thai là ví dụ điển hình về sức mạnh của việc đẩy giá nông sản, nhất là chính sách trợ cấp ngành gạo giúp đảng này thắng trong cuộc bỏ phiếu năm 2011. Những người phản đối cho rằng chính sách này đi kèm với tham nhũng nặng nề và chính sự thiếu trách nhiệm kiểm soát dẫn tới việc bà Yingluck phải lưu vong vào năm 2017. Bà cũng cáo buộc phiên tòa có động cơ chính trị. “Mọi người có thể thấy đảng Pheu Thai có các biện pháp đẩy giá nông sản lên rất cao và điều này đã giúp đảng thành công trong quá khứ”, theo phó lãnh đạo Pheu Thai và cựu bộ trưởng tài chính Thái Lan Kittiratt Na Ranong. “Từ nhiều chuyến thăm tới miền nam, tôi cảm thấy rằng những người chưa từng bỏ phiếu cho Pheu Thai sẽ bỏ phiếu cho chúng tôi lần này”.
Pheu Thai và đảng Tương lai Tiến lên vừa kêu gọi tăng giá cao su thông qua các chính sách thúc đẩy tiêu dùng nội địa như xây dựng đường xá hoặc chế biến cao su tự nhiên nội địa. Chính quyền quân sự thực tế đã nỗ lực triển khai các chính sách này nhưng thất bại. “Chính phủ đương nhiệm đã thử”, theo Nakorn Takkavirapat, lãnh đạo phó trong Hội đồng Cao Su Thái Lan. “Chúng ta cần tái cấu trúc thị trường. Vì sao chúng ta phải bán cao su thông qua các nhà giao dịch? Vì sao giá cao su lại bị chỉ đạo bởi các thị trường tương lai? Vì sao chúng ta phải phụ thuộc quá nặng nề vào xuất khẩu?”
Nhiều người trong ngành cao su rất hoài nghi về những lời hứa chính trị. Manus Boonpat, lãnh đạo Hiệp hội những nông dân tiểu điền và khai thác cao su, một tổ chức địa phương tại khu vực miền nam, cho rằng thúc đẩy giá cao su về dài hạn đòi hỏi một cuộc đại tu về cấu trúc – thoát khỏi các công ty lớn đang hoạt động như các trung gian thị trường và thiết lập một ngành sản xuất lốp xe đúng nghĩa tại Thái Lan. “Các đảng phái có thể hứa bất cứ điều gì để giành được phiếu bầu trước cuộc bầu cử. Nhưng liệu họ thực sự có làm bất cứ điều gì đã hứa? Tôi nghi ngờ về điều này”.
Theo Bloomberg
Bình luận