Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), tính đến ngày 1/6, tổng tồn kho gạo tại Philippines là 2,36 triệu tấn. Theo báo cáo mới nhất của PSA, tổng tồn kho gạo giảm 8,24% so với cùng kỳ năm 2017 và giảm 18,85% so với tháng 5. Khoảng 46,39% tồn kho gạo thuộc về các hộ gia đình và 53,56% thuộc về các kho gạo thương mại. Phần còn lại chỉ 0,09% thuộc về Cơ quan Thực phẩm Quốc gia (NFA). Tổng tồn kho gạo tính đến ngày 1/6 chỉ đủ tiêu dùng cho gần 74 ngày.
Tồn kho gạo của NFA đủ tiêu dùng trên cả nước trong chưa đầy 1 ngày. NFA theo quy định phải có dự trữ gạo đủ cho ít nhất 15 ngày ở bất cứ thời điểm nào trong năm và ít nhất 30 ngày trong các tháng nguồn cung thấp điểm, bắt đầu từ tháng 7. Tồn kho gạo tại các hộ gia đình tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2017; trong khi tồn kho gạo tại các kho thương mại và kho NFA giảm lần lượt 1,92% và 98,99% trong cùng kỳ so sánh. So với tháng 5/2018, tồn kho gạo tại các kho thương mại giảm 16,65%, tồn kho gạo hộ gia đình giảm 21,2% và tồn kho gạo NFA giảm 40,29%. Tồn kho gạo dự báo sẽ tăng lên sau khi 250.000 tấn gạo nhập khẩu nhập kho NFA, và các lô hàng gạo nhập khẩu khác của khu vực tư nhân.
Trước tình hình tồn kho gạo như trên, tổng thống Rodrigo Duterte được cho là sẽ sớm phê chuẩn luật thuế nhập khẩu gạo để thay thế cho cơ chế hạn ngạch nhập khẩu gạo, nhằm giúp giá gạo giảm. Theo nhà chức trách thuộc Bộ Tài chính Karl Kendrick Chua, giá gạo sẽ giảm 4 – 7 Pesos/kg và giúp lạm phát giảm 0,4 điểm phần trăm.
Trong tháng 6/2018, chỉ số giá tiêu dùng tại Philippines tăng 5,2%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2013. Các nhà chức trách cho rằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng là nguyên nhân gây tăng giá và tác động của cải cách thuế lên lạm phát của nước này chỉ rất nhỏ. Philippines đã thi hành những cải cách thuế có hiệu lực từ 1/1 khi áp thuế lên nhiên liệu, đồ uống có đường và xe hơi đề bù đắp việc giảm thuế thu nhập cá nhân và bổ sung tài chính cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo ABS-CBN, Business World
Bình luận