Trung Quốc đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa chuỗi cung ứng trứng, phục vụ thị trường tiêu dùng 1 tỷ quả trứng mỗi ngày
Đằng sau một dãy cửa lồng ấp trứng màu đỏ niêm phong kín tại một nhà máy mới tại miền bắc Trung Quốc, khoảng 400.000 con gà đang được ấp mỗi ngày – một phần trong chiến dịch tăng tốc hiện đại hóa chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp trứng trị giá 37 tỷ USD của Trung Quốc.
Trung Quốc đang trong giai đoạn đại tu toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp, từ thịt lợn tới sữa và rau củ, nông dân nuôi gà đẻ trứng cũng đang chuyển đổi từ mô hình sản xuất nhỏ, quy mô gia đình sang các nhà máy chăn nuôi có áp dụng các quy trình chuẩn hóa, được kỳ vọng sẽ giúp tăng chất lượng và an toàn thực phẩm.
Đây là một bước đi quan trọng tại quốc gia từng xảy ra nhiều vụ bê bối liên quan đến trứng nhiễm melamine và trứng có dư lượng kháng sinh cao trong vài năm gần đây. Các vụ bê bối thực phẩm này đã châm ngòi cho nhu cầu trứng có thương hiệu, bán giá cao tăng mạnh trong những năm gần đây, thay vì trứng bán tại các chợ truyền thống như trước đây. “Hiện nếu bạn là nông dân nhỏ, trứng của bạn khó lòng được đưa vào các siêu thị”, theo Yuan Song, một nhà phân tích tại China-America Commodity Data Analytics cho hay.
Các quy định mới ngặt nghèo liên quan đến xử lý chất thải và giảm tác động môi trường của sản xuất nông nghiệp cũng đẩy nhiều nông dân sản xuất nhỏ ra khỏi ngành. Phần lớn các nhà sản xuất trứng hiện nay đều có quy mô nuôi 20.000 – 50.000 gà đẻ trứng, theo Yuan cho hay, một sự thay đổi mạnh mẽ so với 2 năm trước đây. Những người nuôi có quy mô dưới 10.000 con đều có thể sẽ phải sớm đóng cửa khi các chính quyền địa phương ưu ái cho các nhà sản xuất lớn, vốn là đối tượng dễ bị trừng phạt hơn.
Các lò ấp công nghệ cao
Những thay đổi nhanh chóng này đang thúc đẩy hoạt động đầu tư, như khoản đầu tư lò ấp trứng 22,6 triệu USD tại Handan, cách Bắc Kinh khoảng 400km về phía tây nam. Nhà máy tự động cao này thuộc sở hữu của liên doanh giữa Huayu Agricultural Science and Technology Co Ltd của Trung Quốc và Hy-Line International của EW Group chuyên về gene, là tổ hợp ấp trứng lớn nhất thế giới, nơi gà được nuôi để lấy trứng thay vì lấy thịt.
Nhờ sinh ra 200.000 gà mái mỗi ngày, tương đương 60 triệu gà mái mỗi năm, tổ hợp nhà máy này có thể đáp ứng nhu cầu từ các trang trại lớn hơn, muốn mua các mẻ gà đẻ trứng 1 ngày tuổi, theo Jonathan Cade, chủ tịch của Hy-Line International có trụ sở tại West Des Moines, Iowa cho hay. “Đây là cách tốt nhất để bắt đầu khởi nghiệp với mức an toàn sinh học cao. Khi gà tại một trang trại có cùng lứa tuổi thì sẽ có rủi ro dịch bệnh thấp hơn”.
Trang thiết bị nhập khẩu thế hệ mới nhất giúp tăng tốc công suất của lò ấp. Một máy phân loại tự động, có thể xử lý 60.000 trứng mỗi giờ, phân loại trứng theo kích cỡ trước khi đưa vào các lồng ấp – các trứng đồng cỡ sản xuất gà đồng cỡ, sẽ có cùng công thức nuôi. Chỉ cần 20 nhân công cho mỗi nhà máy mới, so với khoảng 100 nhân công trong nhà máy ấp trứng cũ của Huayu, theo chủ tịch Huayu Wang Lianzeng cho hay.
Cạnh tranh mạnh
Hiệu quả là rất quan trong một ngành vốn không được kỳ vọng cao về tăng trưởng sản lượng. Người Trung Quốc có mức tiêu thụ trứng trên đầu người cao nhất thế giới, khoảng 280 quả trứng/người/năm, tương đương gần 1 tỷ quả trứng mỗi ngày trên khắp cả nước, nên tiêu dùng trứng được cho là sẽ không tăng mạnh trong tương lai.
Những nhà sản xuất trứng như Huayu đang cố gắng tăng trưởng nhanh để giành thị phần từ các nhà sản xuất khác. Ngoài nhà máy mới tại Handan, Huayu cũng đang xây dựng một nhà máy mới tại Trung Khác, đưa tổng quy mô đàn gà đẻ trứng lên 180 triệu con. Năm 2017, tồn kho trứng của công ty là khoảng 1,2 tỷ quả, theo Hiệp hội Chăn nuôi Trung Quốc cho hay. Huayu cũng đang tìm kiếm các đối tác và xây dựng các nhà máy sản xuất trứng tại Đông Nam Á và châu Phi, theo chủ tịch Wang cho hay.
Yếu tố quan trọng của sản xuất trứng quy mô công nghiệp là quản lý rủi ro dịch bệnh. Giá và nhu cầu đối với các sản phẩm trứng và thịt gia cầm giảm mạnh trong năm 2017, sau khi hàng trăm người chết do nhiễm cúm gia cầm, mặc dù dịch bệnh phần lớn đã được khống chế.
Mặc dù các hoạt động phát triển hiện nay tạo ra những cơ hội mới cho các nhà sản xuất trứng quy mô công nghiệp để mở rộng sau khi hàng loạt các nhà sản xuất nhỏ bị buộc ra khỏi ngành, tác động của bùng phát dịch bệnh đối với sản xuất công nghiệp sẽ lớn hơn rất nhiều. Chính Huayu gần đây cũng phải đối mặt với nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, khi dịch MS bùng phát trong các đàn gà đẻ trứng tại Trung Quốc hồi năm ngoái. Dịch bệnh làm giảm năng suất trứng. Ông Wang cho rằng an toàn sinh học là một đặc tính ưu việt lớn của hệ thống sản xuất mới, sử dụng công nghệ kiểm soát môi trường và thông gió hiện đại, giúp những đàn gà mới khỏe mạnh. “Khi bạn bước vào các lò ấp, bạn không có cảm giác như đang trong một lò ấp”, ông nói, ám chỉ việc không có mùi như trong các lò ấp kiểu cũ. Tiệt trùng được sử dụng ở mọi bước dọc chuỗi sản xuất và lao động phải tuân theo các quy trình nghiêm ngặt về vệ sinh. Một môi trường an toàn với tiêu chuẩn an toàn sinh học rất cao là rât quan trọng để nuôi gà đẻ trứng.
Với những áp lực như vậy trong sản xuất, cải thiện phúc lợi động vật là một ưu tiên đương nhiên, theo Jeff Zhou, đại diện của Compassion in World Farming (CIWF) nhận định. Trung Quốc không có các quy định về phúc lợi động vật, mặc dù một số công ty bắt đầu tự nguyện triển khai loại bỏ việc chọc vỡ vỏ trứng, bao gồm Ningxia Xiaoming Farming and Animal Husbandry Co Ltd, đối thủ của Huayu. Xiaoming cũng đang cung cấp gà con đực từ các lò ấp cho các nông dân địa phương để nuôi lấy thịt. Huayu bán gà con đực làm thức ăn cho rắn, vốn được nuôi làm thuốc tại Trung Quốc.
Theo Reuters
Bình luận