Bất chấp thực tế rằng thu nhập khả dụng và tầng lớp trung lưu tại châu Á đang tăng đáng kể, doanh thu thực phẩm hữu cơ tại châu Á vẫn thấp hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.
Mặc dù châu Á chiếm đế 8% diện tích đất nông nghiệp hữu cơ toàn cầu, doanh thu thực phẩm hữu cơ tại châu Á chỉ chiếm 6% giá trị thị trường thực phẩm hữu cơ 82 tỷ USD trên toàn cầu. Và bất chấp được dự báo tăng trưởng 10%/năm đến năm 2020, doanh thu thực phẩm hữu cơ vẫn chiếm chưa đầy 1% tổng doanh thu thực phẩm trên toàn châu Á – ngay cả tại top 3 thị trường lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Xét đến các nước có GDP đầu người cao như Singapore, Hong Kong và Macau, cũng như những nước có tăng trưởng thu nhập đầu người mạnh như các thị trường mới nổi Indonesia, Trung Quốc và Philippines, điều lạ lùng là doanh thu bán thực phẩm hữu cơ cũng không tăng vọt. Theo ông Amarjit Sahota, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của Ecovia Insights, trở ngại chính cho ngành thực phẩm hữu cơ tại châu Á là thiếu sự hiểu biết từ phía người tiêu dùng: “Tôi tin rằng người tiêu dùng có nhu cầu với các thực phẩm hữu cơ và sẽ có nhu cầu ngày càng cao, nhưng hiện nay, tôi không chắc họ hiểu nông nghiệp hữu cơ là gì và những gì liên quan đến các thuật ngữ như tự nhiên và sạch. Chỉ nhờ giáo dục tốt hơn cho người tiêu dùng thì nhu cầu mới tăng lên”.
Lo sợ trước các bê bối thực phẩm
Ngoài ra, điểm thú vị đáng chú ý là những gì đang làm động lực cho doanh thu thực phẩm hữu cơ tại châu Á. Không giống như Bắc Mỹ và châu Âu, nơi người tiêu dùng tin tưởng vào những lợi ích sức khỏe mà họ nhận được từ tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, thị trường thực phẩm hữu cơ châu Á chủ yếu có động lực từ nỗi lo sợ các vụ bê bối an toàn thực phẩm đặc biệt là tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, người tiêu dùng không nhận thấy rõ rệt những lợi ích của thực phẩm hữu cơ, mà luôn so sánh thực phẩm hữu cơ với các sản phẩm dính vào bê bối an toàn thực phẩm. Ông Sahota cho hay: “Chúng tôi không muốn mọi người mua thực phẩm hữu cơ chỉ vì họ lo sợ các sản phẩm thông thường”.
Những trở ngại cho thực phẩm tốt cho sức khỏe
Ngoài vấn đề từ phía người tiêu dùng, các nhà cung ứng, các nhà chế biến và các nhà bán lẻ phải khắc phục một số trở lại để thực phẩm hữu cơ thiết lập một vị thế vững chắc tại châu Á. Theo ông Joost Hamelink từ Tradin Organic, xét đến thị trường các nguyên liệu đầu vào, thị trường thực phẩm hữu cơ châu Á vẫn rất non yếu và thường xuyên phải đối mặt với biến động nguồn cung lớn.
Nông dân cần ít nhất 3 năm để chuyển đổi từ canh tác phổ thông sang canh tác hữu cơ và biến đổi khí hậu đóng góp vào mùa mưa biến đổi thất thường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thời gian thu hoạch. Tuy nhiên, ông Hamelink chỉ ra một số điểm đáng để hy vọng, trên cả phạm vi toàn cầu và khu vực. “Chúng tôi nhận thấy sự cải tiến nhanh chóng về công nghệ sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực phân bón và quản lý sâu bệnh. Đầu tư vào các trường đào tạo nông dân cũng đang tăng lên và chúng tôi nhận thấy những diễn biến này mang lại các hoạt động canh tác tốt hơn, dẫn đến năng suất cao hơn. Đồng thời, sự đa dạng nguồn nguyên liệu đầu vào cũng giúp ổn định nguồn cung”.
Mặc dù đã có những cải thiện về phía các nhà cung ứng đầu vào, thị trường thực phẩm hữu cơ vẫn còn nhiều thách thức lớn đối với các nhà sản xuất trong khu vực. Ngoài những ngoại lệ nổi bật, một phần lớn các sản phẩm hữu cơ bán tại châu Á là sản phẩm nhập khẩu, và các nhà sản xuất lo ngại về giá nguyên liệu và nhu cầu tiêu dùng thấp.
Nhưng nếu các nhà sản xuất châu Á vẫn có thể tao lợi nhuận do sản xuất tại châu Âu luôn gặp vấn đề về lương cao cho người lao động và xuất khẩu giá cao sang thị trường châu Á, câu hỏi lớn là tại sao các nhà sản xuất châu Á không tận dụng cơ hội thị trường này. Một nguyên nhân khả dĩ là do thiếu các kênh bán lẻ phát triển cho các sản phẩm hữu cơ tại châu Á.
Trong khi các nhà sản xuất châu Âu và Mỹ tiếp cận được với các nhà bán lẻ hữu cơ và tự nhiên – hoặc ít nhất là những hệ thống siêu thị lớn có đủ không gian cho các sản phẩm hữu cơ – thì tình hình tại châu Á lại hoàn toàn khác biệt. Ông Sahota cho hay: “Phần lớn các cơ hội bán lẻ sản phẩm hữu cơ tại châu Á đặt vào tay các cửa hàng độc lập và đây là vấn đề lớn cho các nhà sản xuất. Làm sao họ có thể tiếp cận với tất cả các cửa hàng độc lập này. Hơn nữa, nếu bạn đến Indonesia hoặc Việt Nam, bạn sẽ không bao giờ thấy thực phẩm hữu cơ bày bán tại các siêu thị”.
Những người sản xuất và tiêu dùng châu Á cũng bị bối rối trước hàng loạt các hệ thống chứng nhận hữu cơ tại khu vực này. Điều này không chỉ làm người tiêu dùng bối rối mà còn làm hạn chế khả năng xuất khẩu, xét đến thời gian và chi phí phải bỏ ra để đạt nhiều chứng nhận khác nhau. Chỉ riêng tại Trung Quốc đã có đến 26 logo chứng nhận hữu cơ và vô số khác trên toàn khu vực.
Chưa hết hy vọng
Vấn đề cuối cùng đối với các nhà sản xuất tại châu Á là họ không có lựa chọn có thể sản xuất các sản phẩm mang nhãn hiệu hữu cơ riêng cho các nhà bán lẻ bởi đơn giản là những nhà bán lẻ như vậy chưa tồn tại.
So với châu Âu, một số thương hiệu hữu cơ lớn nhất có nhãn hiệu riêng và dễ hiểu rằng vì sao các nhà sản xuất châu Á phải chật vật tìm ra những cơ hội lớn trên thị trường. Bất chấp tình trạng này, ông Sahota cho rằng sản xuất thực phẩm hữu cơ tại châu Á vẫn rất tiềm năng cho các nhà sản xuất có ý định đầu tư. Ông chỉ ra rằng thị trường thực phẩm hữu cơ đang bị thâm hụt khi nhu cầu luôn có khả năng vượt xa nguồn cung, đặc biệt là tại Bắc Mỹ. “Đó là cơ hội cho xuất khẩu. Mỹ có các thỏa thuận thương mại với rất nhiều nước để tạo ra cơ hội như vậy và Mỹ đang có rất nhiều doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu năm trên khắp các chuỗi giá trị để giúp tiếp cận thị trường này”.
Ông Hamelink cũng cho rằng các nhà cung ứng và sản xuất châu Á có rất nhiều cơ hội trên cả phạm vi toàn cầu và khu vực, lập luận rằng vấn đề chỉ là yếu tố thời gian, trước khi ngành kinh doanh thực phẩm hữu cơ phất lên. “Thị trường hiện vẫn rất nhỏ nhưng nếu các nhà sản xuất châu Âu có thể bán hàng tại châu Á, cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương vẫn còn”.
Chỉ dành cho người giàu?
Thông thường, người ta quan niệm rằng thực phẩm hữu cơ chỉ dành cho người giàu. Ông Sahota phản đối quan điểm này, cho rằng ngay cả nếu điều này là sự thật thì chỉ gây thêm trở ngại cho thực phẩm hữu cơ cất cánh tại thị trường châu Á. “Rất thường xuyên, mọi người nói rằng giá cả là một rào cản và nhiều người tại châu Á không thể đủ khả năng chi trả cho thực phẩm hữu cơ. Ngay cả nếu bạn tin rằng thực phẩm hữu cơ sản xuất ra chỉ dành cho người giàu, 7/10 nước giàu nhất thế giới vẫn nằm ở châu Á và họ đang ngày càng giàu có hơn. Đây là một lập luận sai lầm và chúng ta sẽ thấy thị trường thực phẩm hữu cơ sẽ lớn dần lên”.
Theo Food Navigator
Bình luận