Nhu cầu quốc tế đối với cá rô phi duy trì ổn định
Nhu cầu quốc tế đối với cá rô phi duy trì ổn định, mặc dù thị trường Mỹ yếu đi đang gây áp lực lên giá. Trong nửa đầu năm 2017, xấp xỉ 170.000 tấn cá rô phi (nguyên con, phile và tẩm bột) được giao dịch trên thị trường quốc tế. Thị trường Mỹ đang trong tình trạng yếu ớt, thị trường EU28 đang phục hồi phần nào, mặc dù giá vẫn thấp. Các thị trường châu Á và Nam Mỹ tiếp tục có nhu cầu cao, tỷ trọng sản lượng dành cho tiêu thụ nội địa tại các nước này ngày càng tăng, cùng với nhập khẩu thêm từ Trung Quốc.
Trung Quốc
Các công ty Trung Quốc đang tiếp tục tìm cơ hội để mở rộng sang các thị trường châu Phi để tận dụng nhu cầu đang tăng và cơ hội thị trường tại đây. Các công ty Trung Quốc cũng đang tìm kiếm các thị trường thay thế cho các thị trường xuất khẩu chính đang giảm nhu cầu, điển hình là Mỹ. Giá cá rô phi trên thị trường Mỹ đang hướng đến mốc thấp kỷ lục, khiến hoạt động giao dịch không sinh lợi, trong khi giá cổng trại cao. Bất chấp suy giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ, tổng xuất khẩu cá rô phi đông lạnh Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tích cực 7,6% trong nửa đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Tăng trưởng xuất khẩu phần lớn đến từ các phân khúc cá rô phi nguyên con đông lạnh và cá rô phi phile tẩm bột đông lạnh, lần lượt tăng 12% và 23% trong cùng kỳ so sánh. Cá rô phi nguyên con đông lạnh và phile đông lạnh chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu cá rô phi Trung Quốc. Xấp xỉ 70% xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh của Trung Quốc có điểm đến là các thị trường châu Phi trong nửa đầu năm 2017.
Mỹ
Trong nửa đầu năm 2017, kim ngạch nhập khẩu cá rô phi phile đông lạnh của Mỹ giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016. Bất chấp sự suy giảm này, Mỹ vẫn chiếm 70% thị phần thị trường cá rô phi. Nhập khẩu cá rô phi tươi tăng 3% . Về giá, giá bán buôn phile cá rô phi tươi ướp lạnh từ Nam Mỹ giảm 9,4% xuống còn 3,58 USD/lb, trong khi từ châu Á tăng 2,6% lên 1,95 USD/lb. Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp chính mặt hàng cá rô phi sang thị trường Mỹ.
Trong khi đó, các thông tin tiêu cực trên truyền thông về cá rô phi từ châu Á đang là nguyên nhân chính khiến nhu cầu tại Nam Mỹ suy giảm và đẩy tăng nhu cầu đối với phile cá rô phi tươi từ các nước láng giềng.
Nam Mỹ
Nam Mỹ đang dồn sự chú ý vào cảnh báo của FAO về virus Tilapia Lake (TiLV), với các trường hợp được xác nhận tại Colombia và Ecuador. TiLV có tính lây nhiễm và có thể lan rộng ở cả cá rô phi tự nhiên và cá rô phi nuôi. Các nước nhập khẩu được cảnh báo triển khai các biện pháp cần thiết, bao gồm yêu cầu chứng nhận y tế và các chiến dịch thông tin đại chúng để hỗ trợ các nông dân nuôi cá rô phi. Phòng Nuôi trồng Thủy sản quốc gia Ecuador và Viện Thủy sản quốc gia đã báo cáo không có tình trạng chết hàng loạt các tại trại nuôi cá rô phi ở phạm vi quốc gia nhưng họ sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn ngừa. Ecuador đã xuất khẩu 745 tấn cá rô phi sang Mỹ trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị đạt 4,1 triệu USD, giảm 35% về lượng và giá trị. Honduras tiếp tục là các nhà cung cấp cá rô phi phile sang thị trường Mỹ, sau khi vượt qua Ecuador và Costa Rica vào năm 2014. Trong nửa đầu năm 2017, xuất khẩu phile cá rô phi của Honduras đạt 4.400 tấn, trị giá 25,6 triệu USD, giảm 12% về lượng và 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Brazil
Là một trong những nước sản xuất cá rô phi lớn trên thế giới, Brazil có định hướng thị trường rất khác với các nước Nam mỹ khác, khi 99% sản lượng cá rô phi được tiêu thụ nội địa. Tăng trưởng mạnh tiêu thụ nội địa cùng với những khó khăn trong xuất khẩu khiến thị trường nội địa trở thành lựa chọn tốt nhất của ngành cá rô phi Brazil, với chỉ 0,5% sản lượng cá rô phi được xuất khẩu và toàn bộ được xuất sang Mỹ. Tuy nhiên, khi đồng USD tăng giá so với đồng Real của Brazil, trng 2 năm qua, động lực xuất khẩu được tăng cường. Tuy nhiên, những thác thức trong hoạt động xuất khẩu, liên quan đến các yêu cầu hành chính, dịch vụ kiểm tra bắt buộc và chất lượng an toàn thực phẩm sẽ phải được giải quyết.
EU
Thị trường EU28 đang có một số dấu hiệu phục hồi với nhập khẩu cá rô phi tăng 4,7% trong nửa đầu năm 2017 lên 12.900 tấn. Động lực tăng trưởng chủ yếu là do giá nhập khẩu trung bình giảm 5,8% xuống còn 3,19 USD/kg. Nhập khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh và phile đông lạnh đều tăng, với phile đông lạnh chiếm 57% tổng kim ngạch nhập khẩu cá rô phi. Nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đều tăng.
Châu Á và các thị trường khác
Iran và Nga đang nổi lên trở thành các thị trường quan trọng của cá rô phi, với Iran hiện là thị trường lớn thứ 4 thế giới và Nga ở vị trí thứ 5. Trong nửa đầu năm 2017, Iran đã nhập khẩu 6.200 tấn cá rô phi phile đông lạnh và Nga nhập khẩu 3.200 tấn, với Trung Quốc là nhà cung cấp chính.
Hiện là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới, châu Á xuất khẩu xấp xỉ 145.000 tấn trong nửa đầu năm 2017, giảm 3,8% so với năm 2016 do thị trường nội địa tăng tiêu thụ. Xấp xỉ 55% tổng xuất khẩu cá rô phi của châu Á là phile đông lạnh và 45% là nguyên con đông lạnh. Top 5 nước sản xuất cá rô phi lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan và Malaysia. Xuất khẩu cá rô phi nguyên con đông lạnh tăng thêm 5.300 tấn; trong khi đó, xuất khẩu cá rô phi hile đông lạnh giảm 11.000 tấn trong cùng giai đoạn so sánh.
Trong khi đó, việt Nam đang nỗ lực tăng nguồn cung cá rô phi khi gần đây, Thủ tướng tuyên bố mục tiêu tăng trưởng sản xuất 6% trong nuôi trồng thủy sản với giá trị xuất khẩu vượt 9 tỷ USD đến năm 2020. Các thị trường lớn nhất của cá rô phi Việt Nam là Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Malaysia và Hàn Quốc.
Theo FAO
Bình luận