Năm 2017, Nga tăng hạn ngạch khai thác cua tuyết và cua hoàng đế, nên nguồn cung cua trên thị trường quốc tế được dự báo tăng. Tại Mỹ, sản lượng khai thác cua gây thất vọng, giá hiện đang ở mức cao bất thường do nhu cầu tại châu Á mạnh,
Nguồn cung
Tại Nga, sản lượng khai thác cua tại Kamchatka tăng 22% tính đến hết tháng 8 vừa qua, với tổng sản lượng 13.700 tấn, chủ yếu bao gồm cua tuyết và cua opilio. Hoạt động khai thác cua hoàng đế tại khu vực này chỉ bắt đầu từ ngày 1/9 và hạn ngạch khai thác năm 2017 tăng 29,2% so với năm 2016 lên mức 11.500 tấn. Tổng hạn ngạch khai thác cua vùng Viễn Đông của Nga năm 2017 tăng 7.000 tấn lên 73.500 tấn.
Các nhà chức trách Nga đang ráo riết quản lý hoạt động khai thác cua phạm pháp, không báo cáo và không được quy định (IUU) và xuất khẩu cua phi pháp nhưng những người câu trộm vẫn tiếp tục tìm ra các phương cách hoạt động mới. Nhiều người câu cua đã bắt đầu sử dụng các tàu vận chuyển để chuyển hàng từ Nga sang các cảng tại Nhật và Hàn Quốc. Họ cũng sử dụng tàu sử dụng cờ phương tiện để vận chuyển do các tàu này không bị kiểm soát nghiêm ngặt.
Tại Mỹ, hoạt động khai thác cua biển tại đông nam Alaska đã đóng cửa sớm hơn hai tuần trong năm nay, vào ngày 25/7 do tình trạng thiếu cua nghiêm trọng. Trong 2 tuần đầu khai thác, sản lượng chỉ đạt 274 tấn, so với hơn 1.020 tấn cần khai thác trong toàn bộ 2 tháng mở cửa vùng biển. Ngược lại, khai thác cua biển California lại diễn biến thuận lợi, trái ngược với tình trạng thất bát hồi năm ngoái. Sản lượng khai thác cua biển California đạt 9.500 tấn, giá trị đạt 66,7 triệu USD.
Thương mại quốc tế
Nhìn chung, giao dịch thương mại quốc tế đối với mặt hàng cua năm 2017 diễn biến trầm lắng. Tổng lượng cua nhập khẩu của 3 nước nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc giảm nhẹ 1% xuống còn 182.200 tấn trong 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu cua của Mỹ và Hàn Quốc giảm lần lượt 0,5% và 5% trong cùng kỳ so sánh; trong khi nhập khẩu của Trung Quốc tăng 28,1%. Nhập khẩu cua của Nhật Bản trong giai đoạn trên giảm 1/3, từ 19.600 tấn trong nửa đầu năm 2016 xuống còn 12.800 tấn trong nửa đầu năm 2017.
Về phía xuất khẩu, xuất khẩu cua của Nga tăng 28% trong giai đoạn trên, lên 29.300 tấn. Phần lớn xuất khẩu tăng tập trung vào thị trường Hàn Quốc. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 13,3% xuống còn 30.000 tấn. Xuất khẩu cua từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Đài Loan đều giảm.
Giá
Giá cua tuyết ở mức rất cao trong năm 2017, chủ yếu do nhu cầu mạnh và vẫn tiếp tục tăng tại châu Á. Những nhà nhập khẩu tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều rất tích cực giao dịch, trong khi các nhà bán lẻ Mỹ giảm mạnh hoạt động mua. Giá cao đương nhiên gây lo ngại cho các siêu thị Mỹ. Hoạt động khai thác cua hoàng đế tại biển Barents đang tăng do giá đang ở mức cao chót vót, với giá cua hoàng đế cao gấp 4 lần cua tuyết.
Theo FAO
Bình luận