Ngành tôm Ấn Độ và toàn thế giới đang nín thở chờ đợi quyết định từ EU xem liệu khối này có áp các chính sách phòng vệ các rủi ro sức khỏe gây ra bởi tôm nhập khẩu Ấn Độ hay không. Theo ông Jim Gulkin, CEO của Siam Canadian tại Thái Lan, “nếu EU thực sự ban lệnh cấm hoặc các hạn chế nghiêm ngặt khác, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang EU sẽ giảm mạnh, kéo theo hiệu ứng domino lên toàn ngành tôm thế giới”.
Ông Gulkin cho rằng một động thái như vậy có thể gây ra nhiều hậu quả khác nhau. Một mặt, Ấn Độ “hoàn toàn phải đặt cược vào thị trường Mỹ” và nỗ lực tăng xuất khẩu sang Việt Nam và Trung Quốc nhiều nhất có thể. “Hệ quả là Thái Lan và Indonesia sẽ phải cạnh tranh mạnh trên thị trường Mỹ. thái Lan không có ý định tăng xuất khẩu sang EU để tận dụng cơ hội từ chính sách cấm tôm EU, do Thái Lan không được hưởng các cơ chế ưu đãi chung GSP.
Trong kịch bản này, Indonesia có thể là nước hưởng lợi chính trên thị trường EU nhưng thị phần của Indonesia trên thị trường EU luôn ở mức thấp và các nhà máy chế biến thủy sản tại Indonesia không được thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất tại EU. Đây sẽ làm yếu tố kìm hãm chính khả năng tận dụng cơ hội của Indonesia trên thị trường EU, theo nhận định của ông Gulkin. Hệ quả đối với Thái Lan và Indonesia có thể là giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ mà vẫn chưa có các thị trường thay thế rõ rệt khác để bù đắp thiệt hại.
“Việt Nam có thể trở thành bên thắng cuộc tại châu Á do vốn đã có thị phần lớn tại EU và dễ dàng thế chân Ấn Độ nếu lệnh cấm tôm Ấn Độ được EU ban ra”, ông Gulkin dự báo. Tuy vậy, dự báo này được đưa ra trước khi EU ra thẻ vàng cảnh cáo Việt Nam về thiếu nỗ lực giải quyết vấn đề khai thác thủy sản trái phép.
“Việt Nam vốn đang gặp nhiều khó khăn trên thị trường Mỹ, nên những cơ hội mới trên thị trường EU là không thể bỏ qua, bất chấp cạnh tranh đang tăng trên thị trường Mỹ”. Mối đe dọa tiềm tàng cho Việt Nam là EU có thể hạn chế nhập khẩu chính tôm Việt Nam do lo ngại tôm nguyên liệu Ấn Độ được nhập khẩu – chế biến – tái xuất thông qua Việt Nam vào thị trường EU.
Một số công ty Việt Nam lo ngại “thẻ vàng” có thể khiến các lô hàng thủy sản xuất sang EU trở nên đắt đỏ hơn, do hoạt động kiểm tra ở cửa khẩu có thể trở nên gắt gao.
Kịch bản tiềm năng thứ hai của lệnh cấm tôm Ấn Độ của EU, ông Gulkin cho là Mỹ - “dưới sức ép của Liên đoàn tôm miền Nam (Southern Shrimp Alliance) và các tổ chức vận động hành lang ngành tôm nội địa khác” – có thể nối gót của EU và đặt ra những hạn chế nhập khẩu nghiêm khắc lên tôm từ Ấn Độ. Tuy vậy, ông Gulkin cho rằng kịch bản này đơn giản là ngớ ngẩn.
Tại phiên họp thảo luận về triển vọng thủy sản toàn cầu GAA thường niên do GOAL tổ chức tại Dublin, Ireland gần đây, ông Bob Yudovin của Harvest Meat Company cho rằng Mỹ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng nếu FDA hành động tương tự như EU. “Chúng ta từng chứng kiến các phản ứng dạng này đối với các loại thủy sản khác trước đây”.
Trong khi đó, ông Gulkin dự báo sản xuất tôm Ấn Độ sẽ giảm trong năm 2018 do các vấn đề dịch bệnh làm giảm sản lượng. Nhận định này tương đồng với báo cáo gần đây của Undercurrent về thực trạng sản xuất tôm tại Ấn Độ, theo đó các nguồn tin cho rằng giá tôm sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2018 – do nhu cầu cao nhưng nguồn cung thấp.
“Các hồ nuôi mới, các trại ấp giống mới, các nhà máy mới và các nhà máy hiệ nay mở rộng công suất, thị trường đang đón những người chơi mới”, ông Gulkin nhận định về thực trạng ngành tôm Ấn Độ trong năm 2017. “Hiện Ấn Độ là nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới và liên tục tăng thị phần trên thị trường Mỹ, tranh giành thị phần của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam”. Các vấn đề dịch bệnh gây lo lắng cho tốc độ tăng trưởng sản xuất nhưng các chuyên gia cho rằng sản xuất tôm Ấn Độ vẫn sẽ duy trì ở mức cao.
Dự báo sản xuất tôm thế giới theo GOAL 2017:
Nhận định về triển vọng năm 2018 – 2019, ngành tôm Ấn Độ dự báo sản lượng tôm sẽ tăng lên khoảng 540.000 tấn trong năm 2018 và đạt 575.000 tấn trong năm 2019, theo bài trình bày tại GOAL. Điều này cho thấy tăng trưởng sản lượng tôm Ấn Độ chỉ giảm nhẹ về tốc độ tăng.
Những tin đồn trên thị trường về việc EU không hài lòng với mức dư lượng kháng sinh trong các lô hàng tôm từ Ấn Độ đã nổi lên trong vài tháng qua, cho tới tháng 9/2017, ông Rahul Kulkarni, giám đốc của Westcoast Group tại Ấn Độ, xác nhận tính nghiêm trọng của tình hình.
Trong bài phát biểu hồi tháng 9 vừa qua, ông cho biết ngành tôm và chính phủ Ấn Độ đã tổ chức nhiều cuộc họp và thảo luận xoay quanh khả năng lệnh cấm của EU. “Chúng tôi thực sự lo lắng về kết cục quyết định của EU đối với nhập khẩu tôm của Ấn Độ. Đây là vấn đề địa chính trị nhiều hơn là vấn đề chất lượng, nhưng kết quả chính là ngành tôm chịu thiệt hại và đang nóng lòng biết quyết định cuối cùng từ EU”.
Trong khi đó, ông Jose Antonio Camposano, chủ tịch điều hành Phòng Thủy sản Ecuador, cho biết ông đang theo dõi sát tình hình và sẵn sàng tăng xuất khẩu vào EU nếu Ấn Độ thực sự đối mặt với lệnh cấm trên. Ông Camposano chỉ ra Ecuador đã chiếm 24% thị phần tại EU và có lịch sử trong sạch về kháng sinh.
Tại Anh, nhà nhập khẩu, chế biến The Big Prawn Co đã cảnh báo người tiêu dùng chuẩn bị tâm lý về việc tôm sẽ được thu mua từ nơi khác, lo ngại vấn đề truy xuất nguồn gốc. “Chúng tôi cho rằng cuộc tranh cãi này không tốt cho ngành tôm toàn cầu”, giám đốc điều hành Will Rash phát biểu. “Tôi tin những nhà cung cấp tôm Ấn Độ của mình, chúng tôi kiểm tra hoạt đống sản xuất của họ và thấy rất bình thường. Nhưng nhiều khách hàng của chúng tôi đang yêu cầu chúng tôi ngừng cung cấp tôm Ấn Độ”.
Thị trường bắt đầu sa vào bẫy niềm tin phủ lên toàn ngành.
Theo Undercurrent News
Bình luận