Will Harris là một trong những người hùng của “Big Chicken”, một quyển sách mới của Maryn McKenna, tìm hiểu về việc sử dụng rộng rãi các loại thuốc kháng sinh trong sản xuất gia cầm tại Mỹ. Sau khi hoàn thành các nghiên cứu tại Trường Nông nghiệp của Đại học Georgia, ông Harris đã tận dụng tât cả các công cụ sẵn có để tăng lợi nhuận của hoạt động sản xuất nông nghiệp: phân bón hóa chất, thuốc BVTV, làm đất, kháng sinh, hormones. Tất cả nhằm tiết kiệm chi phí.
White Oak Pastures, trang trại của Harris nằm ở phía Tây Georgia, đã trải qua toàn bộ quá trình phát triển kéo dài hơn 150 năm. Chuyển đổi từ một cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghiệp hóa, thương mại hóa và tập trung hóa sang mô hình sản xuất nông nghiệp chính xác như cha ông ông từng làm. Với diện tích khoảng 1.214ha nuôi thỏ, cừu, lợn, dê, gà tây, vịt, ngỗng, gà mái đẻ trứng, ong và gà thịt, đây là một ví dụ điển hình như trong sách về nông nghiệp hữu cơ dựa trên đa dạng hóa vật nuôi và dựa vào đồng cỏ.
Rất ít nông dân Mỹ dám đi một bước đột phá như vậy khỏi các phương pháp làm nông công nghiệp. Bà McKenna cho thấy trong nhiều thập kỷ qua, tham vọng đưa giá thịt xuống chỉ bằng giá bánh mì đã lấn át những lo ngại khác. Khoảng 15.400 tấn/năm, tương đương 80% doanh số các loại kháng sinh, được bán cho những người nông dân. Nông dân nuôi gà sử dụng nhiều kháng sinh hơn những nông dân nuôi gia súc hoặc lợn. Chỉ một phần nhỏ số thuốc này được dùng để trị bệnh. Chức năng chính của số thuốc này là khiến những con gà thịt trở nên béo múp nhanh hơn hoặc để đối phó với điều kiện nuôi nhốt khắc nghiệt. Trọng lượng một con gà để giết mổ hiện nay gấp đôi so với 70 năm trước, và đạt được chỉ trong vòng một nửa số năm đó.
Sau thời kỳ đói khổ suố chiến tranh thế giới thứ II, những loại thuốc thần kỳ được nông dân đón nhận và họ có thể cung ứng cho thị trường loại thịt có hàm lượng protein chấp nhận được cho những người tiêu dùng đang có nhu cầu cao. Những mặt tối của tình trạng này không hiện rõ ngay dù một so nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng này ngay từ ban đầu.
Các vật nuôi nhận kháng sinh thông qua thức ăn và nước uống, tạo nên vi khuẩn kháng thuốc trong ruột. Các vi khuẩn kháng thuốc này sau đó có thể lan rộng vào môi trường thông qua đất hoặc nước và cuối cùng tác động tới tiêu dùng ở người. Bất cứ hệ quả nào trong thực phẩm cũng thường cách xa nguồn gốc gây ra, nên cần có các hoạt động điều tra mới có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Mỗi năm, vi khuẩn salmonella gây ra khoảng 1,2 triệu ca ngộ độc thực phẩm, khiến 19.000 người phải nhập viện và khoảng 380 người chết, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh. Tỷ lệ chết này cao hơn trong nhóm trẻ em dưới 5 tuổi. Phần lớn gây ra bởi vi khuẩn kháng kháng sinh và phần lớn vi khuẩn này xuất phát từ gà sản xuất công nghiệp.
Theo bà McKenna, mọi chuyện phát sinh từ khi Thomas Jukes, một nhà sinh vật học Anh, vào năm 1948 đã thử nghiệm các chất bổ khác nhau, bao gồm 1 có chứa kháng sinh, trong thực đơn của gà. Khi ông hoàn thành thí nghiệm, tất cả gà nhận chất bổ đều tăng cân ít nhiều nhưng gà nhận được chất bổ có kèm kháng sinh tăng cân mạnh nhất. Đây là khởi nguồn của sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng, ông Jukes nhận ra vi khuẩn trong ruột gà có thể phát triển chất kháng nhưng không chắc về tác hại của vấn đề này, một quan điểm mà ông vẫn gặp bế tắc cho tới khi qua đời vào năm 1999. Lo ngại về vi khuẩn kháng kháng sinh cũng ngày càng tăng từ đó đến nay.
Sau đợt bùng phát ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn salmonella trong gà gây ra vào năm 2013, các nhà làm chính sách và người tiêu dùng đều nhận thức rõ rệt hơn những nguy hiểm của kháng kháng sinh. Năm 2014, Jim Perdue, chủ tịch của trang trại Perdue, một trong những công ty chăn nuôi gà lớn nhất nước Mỹ, tuyên bố sẽ không sử dụng kháng sinh trong các trại nuôi. Walmart, chuỗi siêu thị lớn nhất thế giới, McDonalds – chuỗi đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới, KFC, Chick-fil-A và nhiều nhà sản xuất khác cũng tuyên bố tương tự. Tháng 1/2017, FDA đã nối gót EU, ban hành lệnh cấm sử dụng kháng sinh để kích thích sinh trưởng ở vật nuôi. Các loại thuốc cho phép sử dụng chỉ để trị bệnh và buộc phải do thú y viên giám sát.
Ông Harris cho biết ông đã có thể phá sản nếu bắt đầu thử nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp như hiện nay vào những năm 1970s, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đang chuyển dịch. Thịt bò ăn cỏ của ông có giá bán cao hơn 30% so với thịt bò nuôi bằng ngũ cốc tại Whole Foods; thịt lợn của ông có giá cao hơn 40% các dòng phổ biến và giá gà cao gấp đôi. Dù vậy, ông không có lãi với mặt hàng thịt gà, nhưng được bù đắp bởi thịt gia súc. Ông hy vọng tình hình sẽ cải thiện. Năm 2016, người Mỹ ăn hơn 92 pounds thịt gà/người/năm, so với mức 28 pounds/người/năm hồi năm 1960. Các quy định mới có thể giúp giá gà tăng, và nhờ đó, ít hơn sẽ trở nên nhiều hơn.
Theo Economists
Bình luận