Tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước của Myanmar là Myanma Timber Enterprise (MTE) sẽ đảm nhiệm các hoạt động khai thác gỗ với sự hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ, theo một lãnh đạo cấp cao của tập đoàn cho hay. Quyết định này đi kèm theo việc sẽ không có bất cứ hợp đồng thầu phụ nào được ban hành. MTE đã thông báo quyết định thuê các nhà cung cấp dịch vụ do những hạn chế về công suất khai thác của MTE. Các chuyên gia đặt dấu hỏi về sự khác biệt giữa các nhà thầu phụ và các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, lập luận rằng tính minh bạch là yếu tố tiên quyết của bất cứ quá trình đổi mới nào.

Năm 2016, MTE thông báo sẽ chỉ khai thác gỗ theo công suất hiện có và không ký bất cứ hợp đồng thầu phụ nào với các doanh nghiệp tư nhân để đảm nhiện các hoạt động khai thác. Thay vào đó, MTE đang tiến hành các hoạt động này với các nhà cung cấp dịch vụ theo 5 hợp đồng khác nhau – đốn gỗ, kéo gỗ, làm đường, vận chuyển bằng xe tải và các quá trình bốc hàng/dỡ hàng, theo U Khin Maung Kyi, phó tổng giám đốc hoạt động khai thác gỗ tai MTE cho biết.

MTE là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, chịu trách nhiệm khai thác và xuất khẩu gỗ tại Myanmar. Theo Luật Lâm nghiệp 1992, gỗ teak hay bất cứ loại gỗ cứng nào được MTE khai thác đều được cho phép theo luật. MTE đã khai thác 80.000 tấn gỗ teak và 200.000 tấn gỗ cứng khác. Sau khi hoãn hoạt động trong 1 năm, MTE có kế hoạch khai thác 15.000 tấn gỗ teak và 350.000 tấn gỗ cứng khác trong năm tài khóa 2017-18, theo số liệu thống kê khai thác gỗ từ doanh nghiệp nhà nước này.

Lãnh đạo MTE cho biết quyết định thuê các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân là do hạn chế công suất khai thác của MTE để đáp ứng tất cả nhu cầu khai thác gỗ. Công suất vận chuyển hiện thời cũng bị hạn chế do các phương tiện vận tải đã được sử dụng hơn 30 năm. “MTE có công suất khai thác hạn chế. Với số lượng voi và phương tiện khai thác gỗ hiện tại, chúng tôi không đủ năng lực hoặc tính hiệu quả để quản lý hoạt động. Lý do là phương tiện vận tải của chúng tôi đã được dùng hơn 30 năm. Do đó, chúng tôi sẽ thuê các nhà cung cấp dịch vụ trong các hoạt động MTE không tự thực hiện được”.

Lãnh đạo MTE nhấn mạnh rằng các nhà cung cấp dịch vụ sẽ không nhận được chia sẻ lợi nhuận trong thương mại gỗ và không được mua gỗ khai thác. Điều này phát đi tín hiệu về sự thay đổi với hoạt động của MTE trước đây. Trước đây, các công ty tư nhân mà MTE chia sẻ các hợp đồng thầu phụ sẽ được hưởng một phần lợi nhuận từ thương mại gỗ khai thác. Cách thức hoạt động này duy trì đến tận năm tài khóa 2015-16, khi hoạt động khai thác gỗ sau đó bị hoãn lại sau khi chính phủ dân chủ được bầu lên.

Lệnh cấm khai thác gỗ kéo dài đến tháng 3/2017, sau đó các hoạt động khai thác đã được nối lại. “Theo chính phủ mới, các doanh nghiệp tư nhận không được làm hợp đồng thầu phụ. Trước đó, họ có toàn quyền hoạt động từ khai thác, bốc dỡ hàng đến cảng và chia sẻ một phần lợi nhuận từ thương mại gỗ. EU có thái độ tiêu cực với cách thức hoạt động này của Myanmar”.

Ông U Khin Maung Kyi cho biết các nhà cung cấp dịch vụ sẽ nộp các đề xuất liên quan đến các dịch vụ và dự án cho các lãnh đạo MTE theo khu vực. Các MTEs theo khu vực sau đó sẽ nộp các đề xuất này tới MTE tổng để quyết định nhà cung cấp dịch vụ nào thắng thầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về sự khác biệt giữa nhà thầu phụ và các nhà cung cấp dịch vụ. “MTE cho biết sẽ khai thác gỗ theo năng lực khai thác của mình. Nhưng sau đó lại tuyên bố ký hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ. Vậy sự khác biệt ở đây là gì?” ông U Sein Win, chủ tịch Liên đoàn thương nhân các sản phẩm lâm nghiệp Myanmar phát biểu. Salai Cung Lian Thawng, nhà tư vấn chiến lược của Pyoe Pin Programme, cho rằng MTE phải cung cấp bằng chứng về sự minh bạch trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, nguồn lực và tài chính được sử dụng.

Tháng 4/2014, Myanmar ban hành lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn thô để kìm hãm tình trạng phá rừng và tăng cường hoạt động trồng rừng. Chính phủ do đảng NLD dẫn đầu đã áp dụng lệnh cấm đốn gỗ trên toàn quốc trong năm tài khóa 2016-17. Trong giai đoạn cấm, Myanmar chỉ phụ thuộc vào nguồn cung gỗ dự trữ trước đó. Lệnh cấm đã giúp kìm hãm tốc độ phá rừng tại một trong những nước có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới.

Theo FAO, Myanmar đã mất 3,2 triệu ha đất rừng và khoảng 10,8% diện tích rừng bao phủ trong giai đoạn 2010 – 2015. Chỉ Brazil và Indonesia có hoạt động phá rừng tồi tệ hơn Myanmar.

Tháng 6/2016, Thụy Điển đã kiện một nhà nhập khẩu và thương nhân gỗ teak Myanmar theo một quy định của EU về cấm vận chuyển gỗ rủi ro cao hoặc phi pháp vào thị trường EU, theo thông tin từ NGO Environmental Investigation Agency (EIA).

Tháng 3 vừa qua, các nhà chức trách Đan Mạch đã đưa ra quy định cảnh cáo toàn bộ 7 nhà sản xuất đưa gỗ teak Myanmar vào nước này. EIA đã có thông cáo báo chí ngày 15/3 ủng hộ cảnh cáo trên.

Theo Myanmar Times
Admin

Ứng dụng công nghệ ngăn chặn đầu tư gian lận ảnh hưởng đến xuất khẩu gỗ

Bài trước

Xây dựng nhà hộ gia đình tại Mỹ phục hồi nhưng thuế quan là rào cản

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Gỗ