Ngũ cốc

Nhập khẩu gạo tại châu Á sẽ bật tăng 13% trong năm 2017

Thương mại gạo quốc tế năm 2017 hiện được dự báo tăng 7% so với năm 2016 lên 44,2 triệu tấn, và tăng 930.000 tấn so với dự báo của FAO đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.  Điều chỉnh này chủ yếu phản ánh triển vọng nhập khẩu mạnh của các nước châu Á, với dự báo tổng nhập khẩu gạo của châu Á năm 2017 đạt 21,6 triệu tấn, tăng 13% so với năm 2016. Phần lớn dự báo tăng nhập khẩu tai châu Á tập trung tại vùng Viễn Đông, cụ thể là Bangladesh, Philippines và Sri Lanka.

Tại Bangladesh và Sri Lanka, nhu cầu nhập khẩu được dự báo tăng do nguồn cung nội địa giảm sau hàng loạt thiên tai, sản lượng lúa gạo nội địa năm 2016 và dự trữ đều giảm, đẩy giá gạo nội địa tăng vọt. Các yếu tố này đã thúc đẩy chính phủ cả 2 nước chủ động tăng nhập khẩu, thông qua các hợp đồng G2G hoặc giảm thuế phí nhập khẩu để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia nhập khẩu.

Ngoài hạ thuế nhập khẩu, chính phủ Bangladesh đã tổ chức 5 đợt đấu thầu quốc tế mua 250.000 tấn gạo từ tháng 5, đồng thời đảm bảo một nguồn cung tương đương thông qua hợp đồng chính phủ với Việt Nam. Các nhà chức trách Sri Lanka cũng có động thái tương tự, khi tiến hành các đàm phán với cả Pakistan và Myanmar, đồng thời duy trì các cuộc đàm phán mua riêng rẽ với Thái Lan. Các nỗ lực nhâp khẩu trên được cho là sẽ đưa xuất khẩu gạo sang Bangladesh trong năm 2017 lên 1 triệu tấn, trong khi Sri Lanka được dự báo sẽ mua 650.000 tấn gạo, so với mức chỉ 60.000 tấn trong năm 2016.

Với dự trữ gạo chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm, trong tháng 7/2017, các nhà chức trách Philippines cũng phải tìm đến thị trường quốc tế để mua 250.000 tấn gạo, giao hàng trong tháng 9. Như thường lệ, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đảm bảo nguồn cung độc quyền thông qua các hợp đồng G2G, cơ quan này hiện cũng chấp nhận các chào bán từ các nhà xuất khẩu tư nhân. Động thái này đưa ra chủ yếu là để thúc đẩy tính cạnh tranh và hiệu quả cao hơn của quy trình nhập khẩu gạo. FAO dự báo nhập khẩu gạo của Philippines năm 2017 ở mức 1,5 triệu tấn, tăng so với mức nhập khẩu thấp nhất trong 3 năm là 740.000 tấn trong năm 2016. Dự báo này bao gồm gần 500.000 tấn nhập khẩu theo Lượng tiếp cận tối thiểu do WTO bắt buộc cho năm 2016, đã được hoàn thành mua trong những tháng đầu năm 2017. Mặc dù đối xử đặc biệt của WTO đối với gạo hết hạn vào 30/6/2017, các điều khoản do chính phủ đặt ra liên quan đến sự nhượng bộ tiếp diễn đến tận năm 2020, hoặc cho đến khi các thủ tục pháp lý được hoàn tất, sẽ cho phép nước này tiến đến áp thuế nhập khẩu gạo. Trong khi các nhà chức trách cho rằng họ đang tiến nahnh đến giai đoạn sau, trong bối cảnh khu vực công của nước này đang tiến hành một số cải cách, nhiều thông tin cho rằng các điều khoản này sẽ khiến việc thi hành MAV bị chậm trễ.

Trong số các nhà nhập khẩu lớn khác tại châu Á, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đại lục năm 2017 được dự báo đạt 5,9 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2016 và giảm nhẹ so với dự báo FAO đưa ra hồi tháng 4. Trung Quốc tăng nhập khẩu vẫn chủ yếu do chênh lệch giá nội địa và giá quốc tế. Tuy vậy, tăng cường kiểm soát biên giới cũng khiến giao dịch gạo tiểu ngạch qua biên giới của Trung Quốc suy giảm.

Nhu cầu tăng cường kho dự trữ cũng đẩy nhâp khẩu gạo của Malaysia tăng lên 950.000 tấn trong năm 2017. Tình hình tương tự diễn ra tại Iran và Saudi Arabia, khi FAO dự báo mỗi nước sẽ nhập khẩu 1,3 triệu tấn. Iraq cũng được dự báo tăng mạnh nhập khẩu lên 1,1 triệu tấn sau vài năm sản xuất nội địa suy giảm và nhập khẩu không đáng kể. Hàn Quốc, Kuwait và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được dự báo tăng nhập khẩu trong năm 2017.

Tuy nhiên, Indonesia được dự báo sẽ giảm nhập khẩu xuống còn 800.000 tấn nhờ triển vọng sản xuất nội địa tích cực, làm giảm nhu cầu thu mua gạo trên thị trường quốc tế của chính phủ nước này. Đến đầu tháng 7/2017, cơ quan quản lý cung thực phẩm của Indonesia là Bulog cho biết đang nắm giữ 1,7 triệu tấn gạo, cho biết sẽ thu mua lúa gạo nội địa trong vụ lúa phụ. Trong khi đó, nhập khẩu của khu vực tư nhân Indonesia chỉ được tiến hành vào thời điểm không thu hoạch lúa gạo nội địa, tiếp tục suy yếu. Trong tháng 5 vừa qua, dữ liệu hải quan Indonesia cho thấy nước này chỉ nhập khẩu chưa đến 100.000 tấn.

Dự báo nhập khẩu gạo của châu Phi trong năm 2017 được dự báo đạt 14,5 triệu tấn, tăng 4% so với ước tính điều chỉnh năm 2016. Nigeria được dự báo sẽ tăng nhập khẩu thêm 200.000 tấn lên 2,4 triệu tấn, đóng góp chủ yếu cho tăng nhập khẩu gạo tại châu Phi. Nước này cần nhập khẩu sau nhiều năm liên tiếp nỗ lực hạn chế nhập khẩu và dự trữ giảm thấp. Tuy nhiên, các vấn đề nhập khẩu gạo của nước này vẫn nằm ở giá xuất khẩu hiện đang tăng và các rào cản tiếp cận ngoại tệ. Trong tháng 5 vừa qua, các nhà chức trách Nigeria chỉ đạo rằng các hạn chế cấm các nhà nhập khẩu gạo và 40 hàng hóa khác không được tiếp cận nguồn ngoại tệ có thể sẽ được xóa bỏ. Gạo nhập khẩu vào Nigeria hiện đang qua con đường tiểu ngạch qua Các khu vực thương mại tự do (FTZ).

Sản xuất nội địa suy giảm cũng khiến Bờ Biển Ngà, Gambia, Liberia, Mauritania, Togo, Angola, Mozambique, Senegal và Sierra Leon phải tăng nhập khẩu gạo trong năm 2017 để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Các khuynh hướng nhập khẩu gạo:

 

Theo FAO
Admin

Senegal là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam

Bài trước

Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong 19 tháng, sức cạnh tranh tăng

Bài sau

Bài viết tương tự

Bình luận

Trả lời bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường * là bắt buộc

Xem thêm Ngũ cốc